Tết năm cùng của người Dao Quần Chẹt Thanh Hóa
Tết năm cùng là một trong số những mỹ tục đẹp của đồng bào Dao ở miền Tây tỉnh Thanh, đem đến không khí đầm ấm, tràn đầy hạnh phúc, vui tươi, từ trong nhà tới ngoài ngõ xóm, ai cũng mang trong mình niềm hân hoan, phấn chấn để rồi tin tưởng, hy vọng và gắng công sản xuất, học tập, công tác tốt để thời gian tới thu được nhiều thành quả mới, hạnh phúc, ấm no hơn.
Thiếu nữ người Dao xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy) làm bánh đón Tết năm cùng.
Đồng bào Dao ở Thanh Hóa có hai nhóm chính là Dao Tiền cư trú ở vùng núi cao, tập trung chủ yếu ở 3 chòm: Suối Tút, Con Dao (Quang Chiểu), Pù Quăn (Pù Nhi) của huyện Mường Lát và Dao Quần Chẹt sinh sống chủ yếu ở một số làng: Hạ Sơn, Tân Thành, Phùng Sơn của huyện Ngọc Lặc; Bình Yên, Bình Sơn, Ngọc Sơn, Thạch An... thuộc huyện Cẩm Thủy. Dân số khoảng 7.387 người. Đồng bào Dao có các dòng họ lớn như họ Triệu, họ Phan, Phùng, Bàn, Dương, Tặng... Người Dao dùng chữ Nho để ghi chép, phát âm theo tiếng Dao. Trình độ hiểu biết, khả năng giao tiếp khá năng động. Phương thức sản xuất vừa làm nương rẫy trên những đồi đất dốc, vừa làm ruộng với các sản phẩm như lúa, ngô, sắn, đậu, các loại củ quả. Nhà ở nửa sàn, nửa đất. Nghề thủ công khá phát triển như thêu dệt thổ cẩm, rèn, làm giấy bản, bạc trang sức, cao chàm, đan lát... Đồng bào Dao Quần Chẹt trân trọng bảo lưu và phát huy những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình trong tín ngưỡng và lễ hội.
Tín ngưỡng và phong tục của người Dao ở miền Tây xứ Thanh khá phong phú, mang đậm tín ngưỡng đa thần giáo, ảnh hưởng của Phật, Nho và Lão giáo. Về lệ tục, có những lệ tục và nghi lễ tiêu biểu, đặc sắc như lệ tục “Hồ La miên”, tết nhảy, lễ tạ mả, lễ cấp sắc. Mỗi một năm đồng bào có ba tết lớn, đó là: tết Thanh minh, tết Rằm tháng Bảy và Tết năm cùng, trong đó quan trọng và có ý nghĩa nhất vẫn là Tết năm cùng - “năm cùng, tháng tận” trong một chu trình sản xuất của đồng bào. Thời điểm này là những ngày cuối tháng Chạp, khi mùa màng bội thu, phấn khởi với những thành quả sau những ngày “hai sương, một nắng” lam lũ, vất vả và thu gặt được những bồ lúa, cót ngô chất đầy, trâu bò, lợn gà đầy chuồng, đầy sân... người Dao vui mừng tổ chức Tết năm cùng để báo cáo và tạ ơn đối với ông bà tổ tiên về một năm lao động đạt kết quả mỹ mãn và cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ, giúp đỡ cho gia đình, gia tộc và bản làng bước sang năm mới làm ăn thuận lợi, “bát cơm đầy, bồ thóc lớn”, người người no đủ, hạnh phúc. Tùy từng điều kiện của các họ tộc mà bố trí, nếu là họ Triệu thì kiêng ngày Thân, ngày Tý. Nếu là họ Dương thì kiêng ngày Dần, ngày Ngọ. Nếu là họ Phùng thì kiêng ngày Dậu, ngày Tỵ... Khi nào con cháu, người trong họ tộc đầy đủ nhất thì tổ chức tại nhà trưởng tộc. Tất cả người trong dòng tộc tập trung tại đây để cùng ăn tết.
Để chuẩn bị cho dịp lễ trọng, ngay từ trong năm, đồng bào Dao Quần Chẹt ở các làng Hạ Sơn, Ngọc Khê (thị trấn Ngọc Lặc), các làng Dao Bình Yên, Bình Sơn của xã Cẩm Bình và thôn Sơn Lập của Cẩm Châu (Cẩm Thủy) đã chọn giống lợn, giống gà tốt, chăm thả và vỗ béo để có nguồn thực phẩm dồi dào; trồng giống nếp dẻo thơm, bông sai, hạt mẩy để sau vụ thu hoạch kính dâng lên tiên tổ và mời anh em họ hàng tới cùng chung vui, cùng ăn bữa cơm cộng cảm, ân tình. Đối với đồng bào Dao, “mâm cao cỗ đầy” không quan trọng, nếu năm nào họ hàng và bạn bè đến đông thì tết ấy được xem là to và đầm ấm, đông vui nhất. Các nhà sẽ xem ngày, hợp ngày nào sẽ chọn làm tết ngày đó.
Chờ đợi, ngóng trông rồi ngày Tết năm cùng cũng đến. Tết năm cùng của người Dao Quần Chẹt bắt đầu từ giữa tháng Chạp kéo dài tới trước ngày đưa ông Táo lên trời. Khác với các dân tộc khác, người Dao không có tết ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, đồng bào chỉ đón ông táo vào đêm giao thừa, đến ngày mùng ba tết lại tiễn ông Táo đi và vào rằm lại đón về, do vậy Tết năm cùng đối với người Dao thật vui vẻ và mang nhiều ý nghĩa. Dịp cuối năm này cũng chính là lúc những người thân và con cháu đi làm ăn xa trở về báo hiếu với gia đình và dòng họ, vì vậy nhà nào cũng muốn làm cỗ tết thật to. Trong dịp Tết năm cùng không phải gia đình nào có điều kiện thì tổ chức thật linh đình và ngược lại gia đình điều kiện eo hẹp thì tổ chức giản đơn. Từ bao đời nay, người Dao có một quy định chặt chẽ, Tết năm cùng bao giờ cũng được tổ chức trước ở nhà trưởng họ, sau đó mới đến các gia đình khác. Trong dịp này, các gia đình tề tựu đến nhà trưởng họ, ai có gì góp nấy, nhà vài con gà, nhà mấy cân nếp, mấy chai rượu... không bắt buộc, mọi nhà đều tự giác góp lương thực, thực phẩm để cùng trưởng họ làm một cái tết thật vui, báo hiếu ông bà, tổ tiên, dòng họ.
Lễ vật trong Tết năm cùng là những sản vật, thành quả lao động sau một năm sản xuất do đồng bào làm ra. Ngoài thịt lợn, thịt gà, lễ vật không thể thiếu là bánh giầy, đó là lễ vật truyền thống của người Dao. Để có bánh giầy dẻo thơm, trắng ngần, bà con sau khi thu hoạch đã chọn ra những bông nếp bông sai, hạt mẩy để riêng ra từng lọn. Đến tết, cử những người phụ nữ đảm đang, lanh lợi xay giã, dần sàng, đồ xôi quạt cho nguội bớt, tiếp đó chọn những trai khỏe mạnh, dẻo dai nhất đảm nhiệm việc giã bánh. Những thanh niên này thi nhau giã, họ giã đến khi nào những hạt cơm nếp nhuyễn ra tạo thành một khối dẻo quẹo mới thôi. Bánh giã nhuyễn được ông trưởng họ vắt ra thành từng chiếc, bên trên rắc muối vừng đặt lên trên lá chuối, sắp thành mâm và dâng lên tiên tổ. Mẻ bánh đầu tiên không ai được nếm hay thử vì đây là mẻ bánh dành để cúng tổ tiên, từ mẻ bánh thứ hai mọi người mới được ăn và các cụ cao niên bao giờ cũng được nếm trước.
Đàn cúng của người Dao trong Tết năm cùng đặt cạnh nhà thờ tổ, không cầu kỳ như các dân tộc khác. Đàn lễ là một miếng ván dài và phẳng, trên đặt bát hương, lễ vật gồm có: thủ lợn, 4 chân giò để sống, tim gan và một miếng thịt chín. Các loại thịt, lòng, gan được thái nhỏ, trộn đều và dồn vào miếng lá chuối lớn gọi là cỗ lá. Lễ vật còn có một con gà trống luộc chín, 12 chiếc bánh giầy tượng trưng cho 12 tháng trong năm, 1 chén nước, 5 chén rượu, trầu cau. Lễ vật đầy thịt cũng là mong ước cho một năm mới đủ đầy và sung túc của người dân. Thay cho tiền vàng mã, người Dao cắt những tờ giấy màu vàng, bạc thành từng thỏi và “triện” dấu lên đó. Cúng xong, nhà chủ sẽ đốt những thỏi vàng, bạc ấy. Phía dưới đàn thờ còn có những xấp giấy bản vừa gấp thành từng thỏi và để phẳng đặt trên chiếc mâm gỗ hoặc đan bằng mây tre dâng lễ cho những linh hồn khác. Khi việc chuẩn bị đã hoàn tất, ông trưởng họ lên hương, rót nước, rưới trên bàn thờ tổ rồi mời các thầy cúng có uy tín trong làng, trong vùng đến làm lễ. Trong lễ cúng tổ tiên, người Dao không dùng hương để đốt mà dùng một thứ vỏ cây mỏng rất thơm đựng trong cái chén nhỏ. Mỗi lần đốt vỏ cây lại phải dùng một viên than hồng để đốt cùng, cho đến khi nào cái chén đầy than và vỏ hương mới thôi. Thông thường một lễ cúng Tết năm cùng phải có 3 thầy cúng, nếu một thầy thì thời gian cúng phải kéo dài tới hơn 2 tiếng đồng hồ mới hoàn tất buổi lễ. Thầy cúng không nhất thiết phải đứng mà có thể ngồi theo các hướng.
Sau khi cử soát các lễ vật được bày trước bàn thờ gia tiên, thầy cúng có chức sắc nhất đứng trước bàn thờ cầm gậy thánh - chiếc gậy một đầu bịt sắt nhọn, đầu kia chạm trổ với những họa tiết hoa văn đẹp, trong khi làm lễ cây gậy luôn được thầy cúng sử dụng và còn có một cành lá tươi. Cây gậy thể hiện quyền uy của thầy cúng, còn cành lá xanh là để cho những điều run rủi, không có lợi cho gia chủ và toàn gia tộc trú ngụ và sau đó đem ra cửa để những gì không may mắn đi ra khỏi nhà. Thầy cúng đại diện cho gia chủ cẩn cáo thành quả của một năm lao động và xin gia tiên phù hộ cho một năm mới đến đạt được nhiều thành công hơn năm trước. Nội dung bài cúng tóm tắt như sau: Một năm đã đi qua, nhờ ơn gia tiên tông tộc phù hộ cho gia chủ, cho anh em họ tộc có của tươi, con tốt, trồng cây sai quả, nuôi vạt nên đàn, mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh... các con, các cháu phương trưởng nên người, học hành tấn tới, trên kính dưới nhường, trên bảo dưới nghe, đồng tâm, đoàn kết, vun đắp xây nền, nhớ công tiên tổ... Ngày lành tháng tốt, nhân Tết năm cùng, con cháu sắm sanh cơm canh vật phẩm dâng kính tổ tiên, thần linh chứng giám tọa hưởng chứng minh, lòng thành con cháu... Cúi mong phù hộ, khỏe mạnh an khang, làm ra của cải, mưa thuận gió hòa, nhà nhà hưng thịnh...
Sau khi thầy cúng lễ xong, cành lá được mang ra cắm trước cửa thì lần lượt các thầy cúng khác kế tiếp nhau vào làm lễ. Khi công việc tế lễ hoàn tất, thầy cúng xin ông bà, tổ tiên cho con cháu thụ lộc thì lễ vật được xuống để mọi người cùng hưởng.
Mâm cơm Tết năm cùng cũng rất đặc biệt. Thầy cúng và các vị chức sắc trong làng được bố trí ngồi cao nhất và được phép ăn trước, sau đó lần lượt đến khách mời của bố mẹ, con cái và anh em nội ngoại. Theo tục của người Dao thì tất cả thức ăn đều phải để trên lá chuối tươi. Trước khi cùng ăn bữa cơm cộng cảm, ông trưởng họ đi một vòng mời rượu bà con họ hàng, chúc cho mọi người sức khỏe, cùng nhau phấn đấu để tết năm sau sung túc và đông vui hơn.
Sau Tết năm cùng, cũng như người Kinh và các dân tộc khác, đồng bào Dao cũng đón Tết Nguyên đán. Trong đêm giao thừa, người Dao đốt đuốc xung quanh nhà. Đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chủ nhà sẽ cầm bó đuốc đi nhặt đá và lá cây tượng trưng cho đi hái lộc rồi mang về đặt dưới bàn thờ. Theo phong tục của người Dao, suốt mùng 1 và mùng 2, phụ nữ không được phép ra khỏi nhà. Chỉ tới khi đoàn chúc tết của cả xóm đi hết các nhà trong bản, họ mới được đi chơi. Sang mùng 3, các gia đình quét hết rác, đá và lá nhặt trong đêm giao thừa ra ngoài rồi dùng những thỏi vàng, bạc bằng giấy màu đốt hơ bên trên. Việc này nhằm xin các cụ phù hộ năm mới may mắn làm ra nhiều của cải. Ngày này cũng là dịp thanh niên trong làng tổ chức giao lưu bóng chuyền, còn các cô gái rủ nhau học thêu thùa váy áo chuẩn bị cho tết năm sau. Khoảng mùng 10 hoặc 15 tháng Giêng, các hoạt động chơi xuân kết thúc, người dân sẽ trở lại với nương rẫy.
Tết năm cùng là một trong số những mỹ tục đẹp của đồng bào Dao ở miền Tây tỉnh Thanh, đem đến không khí đầm ấm, tràn đầy hạnh phúc, vui tươi, từ trong nhà tới ngoài ngõ xóm, ai cũng mang trong mình niềm hân hoan, phấn chấn để rồi tin tưởng, hy vọng và gắng công sản xuất, học tập, công tác tốt để thời gian tới thu được nhiều thành quả mới, hạnh phúc, ấm no hơn.
Hoàng Minh Tường (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-24 10:50:00
Lai Châu mang đến miền Trung một sắc màu riêng để kết nối văn hóa, du lịch
-
2024-11-24 10:49:00
Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh
-
2023-12-20 14:18:00
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 20-12-2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 19/12/2023
Các con vật nhà Lão Bean - Hành trình tự lớn - Món quà tuyệt vời cho Giáng sinh
“Luân canh” là gì?
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 18-12-2023
Ra mắt cuốn Từ điển Arab-Việt đầu tiên nhân Kỷ niệm Ngày Quốc tế tiếng Arab
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 17-12-2023
Rộn ràng mùa giải thưởng văn học - nghệ thuật
Xã hội hóa tạo nguồn lực tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 16-12-2023