(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, huyện Thạch Thành đã và đang phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Thạch Thành phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, huyện Thạch Thành đã và đang phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Thạch Thành phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

Điểm du lịch Thác Mây, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành được công nhận điểm du lịch cấp tỉnh năm 2019.

Những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch

Nằm trên hành lang kinh tế phía Bắc của tỉnh, Thạch Thành có Quốc lộ 45 đi qua nối với tỉnh Ninh Bình, có Quốc lộ 217B kết nối từ Quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh đi qua vùng đệm của rừng quốc gia Cúc Phương. Đây được xem là “điểm dừng chân”, lợi thế cho Thạch Thành phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Thạch Thành những thác nước dài, nhiều tầng kỳ vỹ như thác Mây, thác Voi, thác Đẹn; những hồ nước rộng lớn quanh năm xanh trong như: Hồ Đồng Ngư, hồ Bỉnh Công, hồ Vũng Sú, suối nước nóng Vó Ấm… Ngoài ra ở những vùng núi đá vôi có nhiều hang động khá đẹp gắn với di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ như hang Con Moong, hang Lai, hang Diêm, hang và mái đá Mộc Long, hang Treo…

Thạch Thành phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận nằm trên địa bàn xã Thành Yên, huyện Thạch Thành đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định 2367/QĐ-TTg, ngày 23-12-2015.

Thạch Thành là huyện có hệ thống di tích lịch sử phong phú về số lượng và loại hình, với 16 di tích đã được xếp hạng, 46 di tích, địa điểm di tích đã được kiểm kê. Trong số đó, có nhiều di tích có giá trị về lịch sử cũng như kiến trúc, nghệ thuật như Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong; Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo; Di tích thắng cảnh Phố Cát.

Thạch Thành phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

Khu di tích chiến khu Ngọc Trạo được công nhận di tích cấp quốc gia thuận lợi trong phát triển du lịch về nguồn của huyện Thạch Thành.

Bên cạnh đó, hệ hống di sản văn hóa phi vật thể của Thạch Thành cũng rất đa dạng và độc đáo, mang sắc thái văn hóa riêng của 2 dân tộc Kinh - Mường, với 78 di sản đã được kiểm kê bảo vệ như: Lễ hội Đình Mường Đòn; lễ hội Đền Phố Cát; lễ hội Đình Tam Thánh, Đền Thánh Mẫu; các lễ tục tryền thống như lễ dựng cây nêu; lễ mừng cơm mới; lễ xóa tội vong nhân; các loại hình văn học truyền miệng, những bài ca dao, câu đố, tục ngữ, truyện kể, thơ ca như: “Đẻ đất đẻ nước”, chuyện “Nàng Nga - Hai Mối”, chuyện “Út lót - Hồ Liêu”; Các nghệ thuật trình diễn dân gian như: Xường bộ mệnh, hát đối, hát đúm, mo Mường, hát Mường, hát Tuồng cổ, séc bùa, cồng chiêng…; các làng nghề và nghề truyền thống đặc sắc như: Làng nghề nấu mật mía, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường; các trò chơi, trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, sắc phong, văn bia, thần tích, phong tục tập quán và nét ẩm thực phong phú…

Thạch Thành phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

Thác Voi nằm trên địa bàn thị trấn Vân Du - điểm đến hấp dẫn du khách trong dịp hè.

Từ những điều kiện thuận lợi của địa phương, huyện Thạch Thành đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Khôi phục, phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển du lịch trên địa bàn được chú trọng; Phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu của huyện nhằm thu hút du khách, như du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại thác Mây, thác Voi, thác Đẹn; du lịch văn hóa tâm linh tại đền Phố Cát, chiến khu du kích Ngọc Trạo; du lịch khám phá, trải nghiệm tại hang Con Moong...; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành chính sách thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, hoạt động du lịch trên địa bàn.

Đến nay, huyện Thạch Thành đã thu hút được doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển hạ tầng các dự án du lịch với các dự án trọng điểm, như: Tuyến giao thông từ đường Hồ Chí Minh đến điểm du lịch thác Mây, xã Thạch Lâm; tuyến đường từ Quốc lộ 217B đến Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, xã Thành Yên; tuyến đường từ Quốc lộ 45 đi Di tích hang Treo, xã Thành Tâm... Đồng thời các dự án như Dự án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng, xã Thành Minh; dự án đầu tư xây dựng Thiền viện Tịnh Lạc, tại thị trấn Vân Du; dự án đầu tư khu du lịch sinh thái hồ Cầu Mùn, thị trấn Vân Du; dự án khu dịch vụ du lịch cộng đồng Memorina Thác Mây Ecologe, xã Thạch Lâm... cũng đang triển khai thực hiện về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng.

Điểm nhấn trong phát triển du lịch ở Thạch Thành

Dịp 30-4, 1-5, điểm du lịch Thác Mây nằm trên địa bàn thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, vui chơi. Đây là một trong những thác nước được đánh giá là đẹp nhất xứ Thanh. Thời gian qua, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch.

Thạch Thành phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

Thác Mây là địa điểm thu hút đông đảo du khách trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay.

Trong hệ thống tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và du lịch của huyện Thạch Thành, xã Thạch Lâm có vị trí, vai trò rất quan trọng. Là vùng đất cửa ngõ của huyện, thuộc vùng đệm của Rừng Quốc gia Cúc Phương, nơi tiếp giáp và giao thoa văn hóa với các vùng như: Bá Thước, Hòa Bình, Ninh Bình.

Thạch Lâm là nơi định cư lâu đời của dân tộc Mường xứ Thanh với 98,5% dân số là người dân tộc Mường. Người Mường ở Thạch Lâm hiện vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng và phong phú, mang sắc thái văn hoá riêng, như: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”; các loại hình diễn xướng văn hóa dân gian (cồng chiêng, hát ru, hát sắc bùa, mo Mường..); các trò chơi dân gian (đánh mảng, tung còn, bắn nỏ, chơi đu...); các phong tục tập quán tốt đẹp; những món ăn truyền thống đặc sắc (xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu lá lồm, cá thính Sông Ngang, thịt lợn rừng, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng..); trang phục thổ cẩm váy áo Mường... Đặc biệt, Thạch Lâm còn lưu giữ được hệ thống nhà sàn đặc trưng của dân tộc mình, đây là tài sản văn hóa đặc biệt quý giá, góp phần quan trọng trong nền văn hóa bản địa xã Thạch Lâm nói riêng và huyện Thạch Thành nói chung.

Thạch Thành phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

Món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc Mường xã Thạch Lâm.

Ngoài ra, Thạch Lâm là địa phương có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp với hệ thống núi, rừng, sông suối và thác Mây. Thác Mây hiện nay đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là Điểm du lịch. Đây là một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú được thiên nhiên ban tặng, là điểm tham quan lý tưởng, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Lượng khách du lịch đến Thạch Lâm ngày một tăng, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ngày càng được đầu tư, nâng cấp với 10 hộ gia đình làm cơ sở lưu trú tại thôn Đăng Thượng; nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm, tìm hiểu và đầu tư như Tập Đoàn Viễn Đông A…

Để khai thác các lợi thế về cảnh quan tự nhiên của khu vực, hình thành mô hình khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng động đồng, trải nghiệm khám phá sông núi và con người Thạch Lâm, một cách bài bản xứng tầm với giá trị thiên nhiên ban tặng, ngày 16-11-2021 UBND Thạch Thành đã ban hành Quyết định số 4612 phê duyệt Quy hoạch phân khu Khu du lịch thác Mây.

Thạch Thành phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

Năm 2022 là năm đầu tiên xã Thạch Lâm tổ chức Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch gắn với khai trương du lịch Thác Mây. Đây là dịp giới thiệu, quảng bá các nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của địa phương đến với du khách trên mọi miền tổ quốc.

Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm cho biết: Vừa qua, xã Thạch Lâm Tổ chức Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch gắn với khai trương du lịch Thác Mây. Ngày hội lần đầu tiên được tổ chức, là một sự kiện quan trọng, thể hiện sự quyết tâm, vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân sau một thời gian dài bị “đóng băng” vì đại dịch COVID-19. Thông qua các hoạt động của ngày hội Thạch Lâm đã giới thiệu, quảng bá các nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của địa phương đến với du khách trên mọi miền tổ quốc; tạo điều kiện cho việc hợp tác trong lĩnh vực văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường kết nối tour, tuyến, thu hút du khách. Đồng thời là cơ hội để xã Thạch Lâm kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, thút các nhà đầu tư về thương mại dịch vụ đầu tư xây dựng tại Thạch Lâm, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế hình ảnh miền đất văn hóa con người Thạch Lâm.

“Trong thời gian tới Thạch Lâm sẽ tập trung nguồn lực, tạo mọi điều kiện để người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển từng bước chuyển hóa tài nguyên ở dạng tiềm năng theo định hướng phân khu quy hoạch trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc thực tế góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại Hội đảng bộ xã Thạch Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra”, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm cho biết thêm.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]