(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong nhiều giải và trận đấu bóng đá, có một nghi thức đá quả bóng danh dự. Người được đá quả bóng danh dự đầu trận thường là các yếu nhân, cựu danh thủ hoặc những người nổi tiếng. Quả bóng được đá đi, nhằm truyền bá một thông điệp, một nguồn cảm hứng tốt đẹp hướng tới cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lời Bác năm xưa: Quả bóng danh dự và rời răn dạy về sự công tâm

Trong nhiều giải và trận đấu bóng đá, có một nghi thức đá quả bóng danh dự. Người được đá quả bóng danh dự đầu trận thường là các yếu nhân, cựu danh thủ hoặc những người nổi tiếng. Quả bóng được đá đi, nhằm truyền bá một thông điệp, một nguồn cảm hứng tốt đẹp hướng tới cộng đồng.

Lời Bác năm xưa: Quả bóng danh dự và rời răn dạy về sự công tâm

Năm 1960, tại lễ khai mạc Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, Ban tổ chức mời Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống đá quả bóng danh dự. Khác với hình ảnh thường thấy là quả bóng được đá về một hướng cầu môn, hay được chuyền qua chân các đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đá ra khu vực khán đài B và tươi cười giải thích: “Bác mong các chú trọng tài và cán bộ TDTT hãy công tâm trong công việc”.

Sự “công tâm” mà Bác Hồ nhắn nhủ, hướng đến 2 đối tượng cụ thể là trọng tài và cán bộ TDTT. Trọng tài “cầm cân nảy mực” công tâm sẽ bảo đảm cho trận đấu diễn ra công bằng, khách quan, đúng quy định, hấp dẫn. Cán bộ TDTT “công tâm” sẽ không gây ra bất cứ áp lực “ngầm” nào ảnh hưởng đến mục tiêu của cả đội bóng. Lời nhắn nhủ của Bác, đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là phản ứng của dư luận trước vấn nạn những “ông vua áo đen một tay che cả bầu trời”, là những “tiếng còi ma”, “tiếng còi méo”, hiện tượng “bẻ còi”,…

Đối với cán bộ TDTT nói riêng và công tác quản lý nhà nước về TDTT nói chung, đó từng là câu chuyện sự mất đoàn kết nội bộ, “nhà dột từ nóc”; về “vây cánh” giữa những cán bộ được trao quyền quản lý, điều hành với những “ông bầu” – như từng xảy ra với bóng đá Việt Nam những năm 2016, 2017. Vẫn còn đó sự chồng chéo trách nhiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước với các liên đoàn, hiệp hội thể thao; những bất cập trong cơ chế chính sách trên lĩnh vực TDTT…

Sự “công tâm” còn là vấn đề thời sự nóng bỏng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong công tác cán bộ - “then chốt” của “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng.

Vì thiếu sự công tâm, khách quan mà một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với Nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Là không ít lãnh đạo, cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Là những biểu hiện “lợi ích nhóm chi phối chính sách“,”những giấy phép con“,”những cây đinh dưới tấm thảm đỏ",…

Cũng vì thiếu sự “công tâm” nên mới có chuyện “lệch chuẩn” trong rà soát, bình xét hộ nghèo; mới có chuyện cán bộ Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được giao nhiệm vụ kiểm kê tài sản đã “biến” lúa và rau ngổ thành hoa ly…

Cách đây 4 năm, ngày 8-12-2017, kết luận cuộc họp của Bộ Chính trị khóa XII cho ý kiến về kết quả kiểm tra của 5 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: Công tác đánh giá cán bộ là rất khó, thông tin phải đầy đủ, nhiều kênh, nhiều chiều, thật sự trong sáng, công tâm, khách quan.

Người đứng đầu Đảng ta đã đặt câu hỏi: “Tại sao người ta nói quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ? Thân quen ‘cánh hẩu’, thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ… đều liên quan đến đánh giá cán bộ cả. Gia đình, anh em, vợ con không nên bố trí ở một nơi. Nếu thật sự có tài, gia đình cách mạng, chúng ta khuyến khích, hoan nghênh, nhưng không vì thế mà đưa lên để tạo vây cánh”.

Câu trả lời, được chính Tổng Bí thư chỉ ra trong phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, tổ chức ngày 12-12-2020, tại Hà Nội. Theo đó, một trong những nguyên nhân cơ bản “là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm, thiếu bản lĩnh, dĩ hoà vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm”.

Trở lại câu chuyện của 61 năm trước, Bác “mong” về một trận đấu công bằng, khách quan, dựa trên sự “công tâm” của trọng tài và cán bộ TDTT – chứ không phải một yêu cầu, một mệnh lệnh. Cũng chính là bởi Bác đặt mình ở vị trí của khán giả, của các tầng lớp Nhân dân đang có chung một niềm háo hức.

Song chúng ta đều hiểu rằng, câu nói đó hàm chứa mong mỏi và yêu cầu của Người về nhận thức và hành động của người cán bộ “chí công vô tư”.

Đó cũng là yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và tiên phong giương cao ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" – như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]