(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) “Quy trình” là thứ “bảo bối”ở thời điểm hiện tại của nhiều quan chức trong không ít các cơ quan, đoàn thể; đã và đang để lại những dư âm nhức nhối. Đáng nói hơn, ngay cả trong bóng đá - môn thể thao “thuần giải trí” - người ta cũng đang dựa vào hai chữ “quy trình” để bao biện cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ‘quy trình’ bất cập trong môn thể thao vua

(VH&ĐS) “Quy trình” là thứ “bảo bối”ở thời điểm hiện tại của nhiều quan chức trong không ít các cơ quan, đoàn thể; đã và đang để lại những dư âm nhức nhối. Đáng nói hơn, ngay cả trong bóng đá - môn thể thao “thuần giải trí” - người ta cũng đang dựa vào hai chữ “quy trình” để bao biện cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm.

Thời gian gần đây, truyền thông nước nhà đã truyền tải đến bạn đọc hàng loạt vụ việc “lùm xùm”, bê bối trên phạm vi cả nước. Quả thật, dẫu có óc tưởng tượng phong phú đến mấy thì chúng ta cũng “không tin được dù đó là sự thật”.

Hãy xem, ở một huyện tại thủ đô có tới hơn 10/13 phòng, ban chịu sự quản lý của anh em, người nhà lãnh đạo huyện. Tương tự như vậy, ở tỉnh nọ nơi đầu Tổ quốc, một vị “quan đầu tỉnh” có lần lượt vợ, em trai, em gái, người thân nắm giữ hàng loạt vị trí lãnh đạo. “Bom dư luận” cũng nổ ở một Sở khi cơ quan kia có 44 quản lý, lãnh đạo và... 2 nhân viên. Ngạc nhiên thay là chuyện “cả họ làm quan”, hay “sếp nhiều hơn nhân viên” ấy, tất cả đều... đúng quy trình.

Cái gọi là “quy trình” được nhắc đi nhắc lại đến mức nhàm chán. Đường ống nước Sông Đã vỡ trên dưới 15 lần nhưng để gọi thầu cho giai đoạn 2, nhà thầu Trung Quốc vẫn được chọn vì “đúng quy trình”. Thủy điện Hố Hô xả lũ khiến người dân trở tay không kịp song chẳng có ai bị quy trách nhiện vì nào có ai thực hiện sai “quy trình” đâu?

Đấy chỉ là vài trong rất nhiều dẫn chứng cho cái gọi là sử dụng “quy trình” như một “bà đỡ cho sai phạm” - lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) trong phiên chất vấn Bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội chiều 16-11-2016.

Đáng nói hơn, như chúng tôi đã đề cập ở đầu bài viết, có vẻ như trong “câu chuyện quy trình”, những người tổ chức, điều hành giải bóng đá cao nhất nước nhà cũng không chịu “thua chị kém em”.

Hẳn người hâm mộ túc cầu giáo nước nhà vẫn chưa quên pha vào bóng đầy bạo lực (Ban tổ chức giải đấu thích “chơi chữ” gọi là “liều lĩnh”) của Hoàng Vũ Samson (Hà Nội FC) ở vòng 3, V.League 2017. Trước sự phẫn nộ của dư luận, thật đáng trách là ông Trưởng Ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường lại giữ thái độ hết sức dửng dưng. Bị giới truyền thông nước nhà, sau đó là lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao gây sức ép, chẳng đặng đừng, người nắm “gia pháp” sân cỏ quốc nội buộc phải đăng đàn và đưa ra lý luận khiến tất cả đều cảm thấy ngỡ ngàng: Chúng tôi phải làm... theo quy trình. Án tại hồ sơ! BTC không gửi hồ sơ thì ban Kỷ luật không có căn cứ để xử phạt.

Cách làm việc theo kiểu “ngồi đợi hồ sơ” của ông Trưởng Ban Kỷ luật khiến khán giả không thể không đặt ra câu hỏi: Trước sự nghiêm trọng của vụ việc, sao cơ quan được ví như “cánh tay nối dài” của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam không chất vấn ngược BTC mà lại cứ phải máy móc, rập khuôn, “gò” theo quy trình như thể “lỗi không phải tại tôi”.

Ở một chuyển động khác, cách đây hơn mười ngày, làng cầu quốc nội đã thực sự “nổi sóng” trước “sự cố sân Thống Nhất”: Cầu thủ, Ban huấn luyện, Ban lãnh đạo câu lạc bộ Long An đã có màn phản ứng gay gắt với trọng tài Nguyễn Trọng Thư đến nỗi từ chối thi đấu, để đối phương thích ghi bao nhiêu bàn thắng thì ghi.

Trong bối cảnh gần như toàn bộ cầu thủ Long An tự nguyện “hóa đá”, ống kính truyền hình đã ghi được sự hiện diện của 2 nhân vật trên ghế VIP sân vận động Thống Nhất: ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Nguyễn Minh Ngọc - Trưởng Ban tổ chức V.League 2017. Trước, trong và sau sự cố vô tiền khoáng hậu này, cả 2 lãnh đạo “cấp cao” của V.League đều giữ thái độ trầm tư, lặng lẽ quan sát và cương quyết “đóng đinh” trên ghế dự khán chứ không chịu rời gót xuống sân cỏ để can thiệp.

Ông Võ Quốc Thắng (thứ 2 từ trái sang) trên khán đài sân Thống Nhất chiều 19-2.

Tại cuộc họp của VPF mới đây, trước chất vấn: Tại sao ông Thắng không lên tiếng bởi trong tư thế Chủ tịch VPF, lại từng là người đứng đầu CLB Long An trong nhiều năm, chỉ cần một câu nói của ông, rất có thể sự việc không bị đẩy đi quá xa (?), ông Thắng đã lên tiếng trần tình: Dẫu là Chủ tịch VPF nhưng không phải thành viên Ban tổ chức thì ông cũng không thể xuống sân vì như thế là sai nguyên tắc, không đúng quy trình! Một lời trần tình thật không thể không... bức xúc!

Không còn nghi ngờ gì nữa, làm việc, hành xử theo đúng “quy trình” rất đáng hoan nghênh nhưng trong những hoàn cảnh cụ thể, người ta không nên và không thể tự gò ép mình vào “quy trình” một cách bất chấp.

Bởi những quy trình kiểu ấy không biểu hiện cho tính chuyên nghiệp mà chỉ là cách làm việc quan liêu, “né trách nhiệm”?

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]