(vhds.baothanhhoa.vn) - Đi qua đỉnh cao sự nghiệp, hết tuổi thi đấu, vận động viên (VĐV) trở về đời thường với những lựa chọn mưu sinh. Có người tiếp tục đi theo con đường thể thao, trở thành huấn luyện viên (HLV); có người buộc phải rẽ ngang... Nhưng họ, chưa bao giờ hối hận vì những năm tháng nhiệt huyết cống hiến, cháy hết mình cho niềm đam mê thể thao.

Phía sau vinh quang: Trở về đời thường

Đi qua đỉnh cao sự nghiệp, hết tuổi thi đấu, vận động viên (VĐV) trở về đời thường với những lựa chọn mưu sinh. Có người tiếp tục đi theo con đường thể thao, trở thành huấn luyện viên (HLV); có người buộc phải rẽ ngang... Nhưng họ, chưa bao giờ hối hận vì những năm tháng nhiệt huyết cống hiến, cháy hết mình cho niềm đam mê thể thao.

Phía sau vinh quang: Trở về đời thườngKhi Ngân Thị Nhiên lập gia đình, hành trang theo cô gái vùng cao xứ Thanh vào TP Đà Lạt chính là những tấm huy chương kỷ niệm.

Từ vận động viên đến huấn luyện viên

Với thành tích 5 lần vô địch SEA Games liên tiếp, võ sĩ Taekwondo Nguyễn Văn Hùng quê huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) được người hâm mộ thể thao gắn cho biệt danh “độc cô cầu bại”. Không chỉ vậy, anh còn là gương mặt VĐV bóng rổ nổi tiếng được nhiều người trong cả nước biết đến. Nhắc đến anh, người ta nhớ đến một VĐV tài năng, nhiệt huyết và tận hiến cho thể thao.

Sau 28 năm gắn bó với sự nghiệp thể thao, thời điểm hiện tại Nguyễn Văn Hùng vẫn đi trên con đường đưa anh đến với vinh quang. Anh đang là Phó Trưởng phòng Khoa học Y học TDTT kiêm Trưởng bộ môn Taekwondo (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh). Mong muốn nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc cho người dân, ươm mầm, phát hiện, phát triển những tài năng thể thao trẻ, năm 2021 anh Nguyễn Văn Hùng đầu tư mở Trung tâm MMA Kickfitness VH Thanh Hóa với sự đầu tư đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến cho hoạt động của trung tâm thường xuyên bị gián đoạn. Anh chia sẻ: “Là một VĐV, rồi HLV nên bản thân tôi hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc tập thể thao đối với sức khỏe người dân. Ngay từ khi mở trung tâm, tôi đã xác định, đầu tư cho thể thao là hành trình lâu dài, muốn hiệu quả thì phải kiên trì, bền bỉ. Cũng may, trên hành trình này, tôi không đơn độc, bởi có sự hỗ trợ của những người bạn đồng hành say mê thể thao”.

Cũng như HLV Nguyễn Văn Hùng, HLV Nguyễn Thị Phương Thúy - bộ môn Pencak Silat (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) cũng từng là VĐV gặt hái được nhiều thành tích rực rỡ. Trong 10 năm làm VĐV (từ năm 2000 đến 2010) chị đã 2 lần giành HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc; 3 lần tham gia SEA Games giành được 2 HCV, 1 HCB; 8 năm liên tục giành HCV Giải vô địch Pencak Silat toàn quốc. Sau khi dừng thi đấu năm 2010, chị tập trung cho việc học, rồi trở thành HLV làm việc tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh.

Trở thành HLV, được làm việc tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh sau khi dừng sự nghiệp thi đấu là mong muốn của nhiều VĐV đã gắn bó thanh xuân, tuổi trẻ của mình để cống hiến cho sự nghiệp thể thao của quê hương, đất nước. Tuy vậy, từ mong muốn đến thực tế lại rất khác.

Những ngã rẽ...

Sự nghiệp thi đấu của mỗi VĐV ngắn, dài khác nhau. Có người tuổi 30 vẫn ở đỉnh cao sự nghiệp, nhưng cũng không ít VĐV mới đôi mươi đã không còn đủ sức thi đấu, rồi thì chấn thương, bệnh tật... có thể khiến sự nghiệp dừng lại.

Năm 2016, 20 tuổi - đang ở đỉnh cao sự nghiệp, nhà vô địch Muay thế giới Bùi Thị Quỳnh buộc phải tạm dừng thi đấu vì bị chấn thương và lý do sức khỏe. Ngoài việc chuyên tâm tập luyện để hồi phục, Quỳnh được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh tạo điều kiện đi học đại học. Sau đó, về làm HLV hợp đồng tại trung tâm. Tuy nhiên, cuối năm 2021, trung tâm không còn chỉ tiêu hợp đồng nên Quỳnh chính thức nghỉ việc. Ở thời điểm hiện tại, 26 tuổi, Quỳnh đang nỗ lực tìm một công việc khác phù hợp với chuyên môn. “Điều em mong muốn nhất là được trở thành HLV như các thầy, cô để có thể truyền lửa, truyền dạy kinh nghiệm bản thân cho những bạn trẻ yêu thể thao nói chung, môn Muay nói riêng. Nhưng điều này rất khó nên em đang nộp hồ sơ vào một số trường phổ thông tư thục xin tuyển làm giáo viên dạy thể dục”.

Phía sau vinh quang: Trở về đời thườngỞ tuổi 26, nhà vô địch Muay thế giới Bùi Thị Quỳnh đang nỗ lực tìm kiếm một công việc phù hợp với năng lực bản thân, song cô chưa bao giờ hối hận vì con đường thể thao mà mình đã lựa chọn.

Khi tôi hỏi Quỳnh, liệu em có hối hận về con đường mà mình đã đi qua? Quỳnh thẳng thắn: “Em chưa bao giờ hối hận về việc trở thành VĐV của mình. Em được thỏa mãn đam mê, có vinh quang, thành tích, giải thưởng, kiếm được tiền về phụ giúp gia đình. Có thể ở thời điểm hiện tại so với bạn bè cùng trang lứa, em có chút chênh vênh, song khi mình có năng lực, có đam mê, em tin mình sẽ tìm được một công việc phù hợp”.

Khác với Bùi Thị Quỳnh, Ngân Thị Nhiên là cô gái vùng cao đến từ Bản Lát, xã Tam Chung (Mường Lát). Trong một lần tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh, Nhiên được các HLV bơi - lặn phát hiện, rồi đưa vào lớp năng khiếu, Trường Cao đẳng TDTT Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vào năm 2010 khi mới 12 tuổi. Sau đó, Nhiên được vào Đà Nẵng tập huấn rồi nhanh chóng có tên trong Đội tuyển trẻ bơi lội Quốc gia. Không lâu sau đó, em đã tỏa sáng và được đánh giá là tài năng trẻ sáng giá nhất của Thanh Hóa trong một thời gian dài. Trong sự nghiệp, Nhiên đã sở hữu HCĐ tại Giải lặn châu Á năm 2017; HCV Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, năm 2018. Sau đó, do chấn thương cổ chân, em lựa chọn dừng thi đấu, khép lại sự nghiệp khi mới 20 tuổi.

Ngân Thị Nhiên chia sẻ: “Em thực sự biết ơn những năm tháng làm VĐV. Bên cạnh thành tích, vinh quang và tiền thưởng, em được lớn, trưởng thành để đi con đường của mình, chứ không phải ở quê... lấy chồng sớm như bạn bè cùng trang lứa”.

22 tuổi, Ngân Thị Nhiên trở thành bà mẹ trẻ một con. Hành trang em mang theo vào “thành phố mờ sương” cùng chồng là những tấm huy chương kỷ niệm của một thời VĐV - tuổi trẻ với biết bao hoài bão. Nhiên chia sẻ thêm: “Do Đà Lạt khí hậu lạnh nên các bể bơi ít, để tìm được công việc làm HLV dạy bơi là không dễ. Tuy nhiên, với em, dù làm công việc gì đi nữa, chỉ cần có thể phù hợp với sức khỏe, năng lực bản thân, kiếm tiền chính đáng thì đều cảm thấy vui”.

Ông Đàm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, nhìn nhận: “Câu chuyện định hướng, hỗ trợ việc làm cho VĐV sau khi nghỉ thi đấu luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo trung tâm. Mỗi năm, có hàng chục VĐV giải nghệ, phần lớn đều có nhu cầu ở lại trung tâm làm việc, trở thành HLV, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng theo quy định của tỉnh là không có, hoặc có nhưng rất ít. Trong thời gian còn là VĐV, các em đã dồn toàn bộ thời gian, sức lực và tâm huyết cho việc luyện tập, thi đấu. Bởi vậy, nếu buộc phải tìm một công việc khác hoàn toàn không liên quan đến chuyên môn thực sự lãng phí tài năng và khó khăn, dù rằng VĐV thể thao thường khá năng động. Hy vọng, các cấp, ngành, cơ quan trong tỉnh có sự quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, giới thiệu việc làm cho các VĐV tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị... trên địa bàn tỉnh. Khi ấy câu chuyện mưu sinh của VĐV sau khi dừng thi đấu sẽ dễ dàng hơn”.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]