(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau nhiều năm thầm lặng cống hiến, ngay cả khi chính sách hỗ trợ bị cắt giảm thì những “cô đỡ” thôn, bản tại huyện vùng biên Mường Lát vẫn tận tâm gắn bó với nghề.

Thêm động lực cho “cô đỡ” thôn, bản vùng biên

Sau nhiều năm thầm lặng cống hiến, ngay cả khi chính sách hỗ trợ bị cắt giảm thì những “cô đỡ” thôn, bản tại huyện vùng biên Mường Lát vẫn tận tâm gắn bó với nghề.

Thêm động lực cho “cô đỡ” thôn, bản vùng biênChị Giàng Thị Sáng đến thăm khám sau sinh cho sản phụ Va Thị Ly ở bản Cá Nọi, xã Pù Nhi (Mường Lát).

Ngược bản Cá Nọi, xã Pù Nhi những ngày đầu xuân, chúng tôi gặp chị Giàng Thị Sáng, một trong những “cô đỡ” thôn, bản được bà con người Mông nơi đây hết mực quý mến. Bằng nghiệp vụ và tình yêu nghề, chị đã giúp hàng trăm sản phụ “mẹ tròn con vuông”. Chị Sáng cho biết: "Cá Nọi là một trong những bản người Mông xa xôi nhất của xã Pù Nhi. Bản có hơn 100 hộ dân sinh sống ở những nơi có địa hình đồi núi hiểm trở, đường sá đi lại rất khó khăn. Vì vậy, chị em sản phụ sinh nở tại nhà là chủ yếu. Công việc của “cô đỡ” thôn, bản không chỉ dừng lại ở việc đỡ đẻ, mà còn bao gồm thăm khám trong suốt quá trình của thai kỳ, chăm sóc sức khỏe mẹ và bé sau khi sinh".

Chị Sáng kể, có ngày chị phải đi bộ hàng giờ đồng hồ đến được hộ dân để tuyên truyền về khám sức khỏe định kỳ và vận động sản phụ đến cơ sở y tế khi gần đến ngày sinh. Thậm chí, có những trường hợp chị phải lặn lội lên tận rẫy để vận động sản phụ về nhà trước ngày dự sinh. Sản phụ Va Thị Ly ở bản Cá Nọi, cho biết: “Tôi mang thai con đầu lòng nhưng thuộc ca khó đẻ, may được cô Sáng thăm khám kịp thời và khuyên xuống bệnh viện huyện để sinh đẻ thay vì sinh tại nhà nên “mẹ tròn con vuông””.

Vất vả là thế nhưng chị Sáng chỉ nhận được 2 năm tiền phụ cấp, mỗi tháng 625 nghìn đồng, sau đó thì không còn cơ chế. Chị Sáng tâm sự: “Số tiền chẳng là bao, sau khi trừ chi phí nạp thẻ điện thoại, xăng xe đi lại thì gần như không còn. Kinh phí hạn hẹp như vậy, nếu không có tình yêu nghề và lòng tận tâm, khó ai có thể bám trụ với công việc này”.

Được biết, chị Sáng đã tham gia chương trình do Quỹ Thiện Tâm tổ chức. Theo đó, sau quá trình theo dõi, thăm khám, sản phụ sinh nở thành công, chị sẽ được hỗ trợ chi phí khoảng 800 nghìn đồng. Mở cuốn sổ nhật ký ghi lại từng chi tiết quá trình theo dõi sản phụ mang thai và sự phát triển của trẻ sơ sinh, chị Sáng nói: “Khi thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, tôi đều tư vấn ngay cách chăm sóc cho sản phụ, trường hợp nặng thì khuyên sản phụ đến bệnh viện kịp thời”.

Bà Hà Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, cho biết: “Trên địa bàn huyện Mường Lát hiện còn 10 “cô đỡ” thôn, bản. Nhiều sản phụ do thiếu hiểu biết về chăm sóc thai kỳ và trẻ sơ sinh, cộng với điều kiện giao thông cách trở nên lựa chọn sinh con tại nhà. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cả mẹ và con nếu như thiếu đi vai trò của các “cô đỡ” thôn, bản".

Trong những năm qua, đội ngũ “cô đỡ” thôn, bản đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Mường Lát. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của đội ngũ này gặp không ít khó khăn do nguồn ngân sách hạn hẹp. Từ năm 2019, theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, thì đối tượng “cô đỡ” thôn, bản không còn được hưởng phụ cấp hàng tháng. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập và sự gắn bó với nghề của đội ngũ này. Một số trường hợp đã chuyển sang tìm công việc khác, số còn lại tham gia dự án do Quỹ Thiện Tâm tổ chức, duy trì nhưng mức hỗ trợ cũng không đáng kể.

Tin vui đến với đội ngũ “cô đỡ” thôn, bản khi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024 bổ sung đối tượng “cô đỡ” thôn, bản, nhân viên y tế thôn, bản được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Điều này giúp đội ngũ cán bộ y tế và “cô đỡ” thôn, bản có thêm động lực để gắn bó với nghề. Đây là sự quan tâm của Nhà nước nhằm động viên, khích lệ và đảm bảo chính sách thỏa đáng cho những người chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa. Chính sách này không chỉ giúp họ yên tâm công tác, mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại những khu vực khó khăn.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]