Thơ Hà Khang và nguồn mạch tâm hồn
Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hà Khang tên thật là Hà Phúc Khang (1924 - 2002) lên đường nhập ngũ. Ông viết báo, làm thơ trong quân đội sau đó về công tác ở Hội Văn nghệ liên khu IV. Ông say mê đi theo con đường sáng tác văn học trong những ngày kháng chiến gian khổ. Bút danh Hà Khang bắt đầu có từ thời kỳ này. Nhà thơ lặn lội trong nắng gió miền Trung suốt cả thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Thanh Hóa trong chiến tranh chống Mỹ.
Nhà thơ, nhà viết kịch Hà Khang (1924-2002). Ảnh: tư liệu
Ông đã có 14 tác phẩm chính về sân khấu bao gồm kịch thơ, cải lương và chèo truyền thống. Trong đó có hai kịch bản cải lương đoạt giải cao: “Nghĩa quân Lam Sơn” - Huy chương vàng Hội diễn sân khấu năm 1962; “Nàng ba Châu Long” - Giải A Hội diễn sân khấu liên khu IV năm 1960. Ngoài ra, ông có nhiều tác phẩm thơ viết trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hơn hai mươi bài thơ của Hà Khang mà chúng tôi được đọc, có nét tự tin của tuổi thanh xuân buổi đầu cầm súng diệt thù, có tính chất hào hoa, sang trọng của người trí thức, luôn biết tôn vinh ý thức sống để làm người, có mĩ cảm tinh tế mà gần gũi với những đối tượng, hoàn cảnh cụ thể.
Giáo sư, nhà thơ Mã Giang Lân đã khái quát: “Trong số những bài thơ thực sự đã sống trong lòng Nhân dân ngày ấy có thơ Hà Khang... Người ta thuộc thơ Hà Khang như thuộc thơ Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Chính Hữu, Hồng Nguyên... Đây là một lực lượng sáng tác đã góp phần quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự hình thành một nền thơ mới, một quan niệm thẩm mĩ mới cho văn học”...
Trong bài “Hai nhà thơ mở đầu thơ ca hiện đại Thanh Hóa”, cố nhà thơ Mạnh Lê viết: ...“Nhóm nhà thơ Thanh Hóa tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu đã đóng góp cho thơ ca kháng chiến những bài thơ mang ý nghĩa cách tân đích thực từ nội dung đến hình thức. Đây là một trong những chùm thơ tiêu biểu cho một giọng điệu thi ca mới. Thi ca cách mạng, chống Pháp và chống Mỹ. Đó là Trần Mai Ninh với Nhớ máu và Tình Sông Núi; Hữu Loan với Đèo Cả, Màu tím hoa sim; Thôi Hữu với Lên Cấm Sơn; Hồng Nguyên với Nhớ; Hà Khang với Có một mùa chiêm, Nghìn ngày kháng chiến gặp mùa lúa chiêm; Minh Hiệu với Mưa núi... Đây là những tác giả, những tác phẩm tiêu biểu của thơ ca kháng chiến Thanh Hóa”.
Bài thơ “Đường vào làng Đại” của Hà Khang đăng trên báo “Chiến sĩ” năm 1946, mang đến cảm xúc nhuyễn ngọt, sâu đằm về tư tưởng nhưng lãng mạn, mơ ước hò hẹn yêu thương của tuổi thanh xuân nơi vùng địch hậu: Trăng khuya vườn cải thêm vàng/ Lắng nghe giọng hát dặm trường ghé qua. Và cả niềm thương cảm, ngậm ngùi với đơn côi, đằng đẵng trong ánh lửa mờ của người mẹ chiến sĩ: Đêm đêm mượn ánh lửa mờ/ Nhẩm thư con gửi đâu từ miền trong (Đường vào làng Đại).
Bản thể tươi mới, thi vị chín vào tình em, tình mẹ, tình làng, tình đất và cao hơn tất cả là từ trong dung dị làng quê, Hà Khang đã nhận ra một khát vọng, một hy sinh bền bỉ, niềm tin thầm lặng cho những người lính yên tâm cầm súng diệt thù...
Thơ Hà Khang hội tụ đủ đầy những sắc diện hiện đại, nhân văn, mĩ cảm, ám gợi. Những thi liệu đời sống dung dị, mộc mạc địa phương, vùng miền được tìm tòi, đời sống được soi rọi bằng tâm hồn thơ tinh tế mà thấm giọt thương vương... Một ngòi bút bản lĩnh, tin yêu và ý thức: Cầu sông nín nhịp tre mòn/ Chợ xa gió khép mưa tròn hai vai/ Thương nhau mắt ngược mây dài/ Đi xanh áo lính đã vơi trai làng (Đường vào làng Đại).
Lại hừng hực một lời thề: Có ai bức bối dưới trời sương/ Lửa rọi phố phường tan gạch ngói?/ Có ai thù giặc tiệc hoa đăng/ Cha mẹ ta lề đường chết đói? (Tiệc lửa).
Ngôn ngữ thơ được biểu đạt mà các bộ môn nghệ thuật khác thật rất khó thể hiện được chất tinh tươi, nét giao cảm hòa hợp của sự vật, hiện tượng.
Những góc cạnh, giao diện nhân văn trong thơ Hà Khang cho ta những liên cảm vừa vời vợi sâu xa lại vừa sắc sảo, ngỡ ngàng thú vị. Chữ thơ như những mầm sống, mầm yêu của con người trong hiểm nguy rình rập, bất cứ ở hoàn cảnh nào, đó là những bật mở. Tự mạch nguồn nhân văn nội sinh, Hà Khang đã vượt lên, soi lòng, thấm mình vào thể chế, vào những phân hóa vô hình, đẳng cấp để tới tầm dân tộc, con người, nhân loại...
Như tự bản năng nòi giống, biết tìm đến huyết lệ của con người. Bài thơ “Có một mùa chiêm”, từ khổ mở đầu bài thơ: Bữa cơm vội lên đèn/ Ngờ ăn lầm máu giặc đến khổ kết: Có một mùa chiêm máu đọng đen ngòm/ Ghê hôi tanh bò để cỏ xanh um, thông điệp tư tưởng đã vượt khỏi trái tim để lan tỏa.
Với Hà Khang đất Thanh, rừng Thanh, biển Thanh, người Thanh, lính Thanh là những tiếng lòng thổn thức rất đỗi thân thương mà ông gửi tình vào từng con chữ: Rừng Thanh hùng vĩ nhường bao/ Mới lên dốc Mướp đã cao giáp trời (Mến rừng); Quê Thanh tôi/ Khoai thơm đang thời tụ bột/ Ngọn dừa múa kiếm vào thu (Giản dị); Tôi là lính Thanh/ Điểm giờ đổi canh/ Trao lại bạn đủ từng thước đất! (Có một mùa chiêm).
Hầu hết các bài thơ của Hà Khang đều có cảm xúc sâu đậm tạo nên tầng trữ lượng được biểu đạt qua mĩ cảm làm cho người đọc mở khơi, liên tưởng tới miền tri thức sang trọng... Trong bài “Mến rừng” tác giả đã viết: Càng lên càng đẹp rừng ơi/ Thực ư! Phú Lệ đây rồi thực ư!/ Bởi vin câu ví ngày xưa/ Nên giờ vụt tỉnh giấc mơ ngàn đời (...) Rừng ơi lưu luyến trăm bề/ Hoa đào chòm Mẹo Pù Nhi đầy cành/ Nhà thơm mái gỗ long lênh/ Đón ta có tiếng sỏ kênh nhịp nhàng. Và trong “Tiệc lửa”, những câu thơ: Mình súng gối lưng đao/ Ăn trong ánh lửa chờm mâm lá/ Ngỡ tiệc rừng Đê cạnh thú gào/ Dập dềnh bóng đũa dài thân cỏ/ Thơm mát cơm mùa khói bốc cao... đã thể hiện sự tìm tòi sáng tạo trong ngôn từ, trong tứ thơ.
Tìm hiểu về thơ Hà Khang, chúng tôi luôn thấy hình bóng, gương mặt ông. Có lúc ánh vui, có lúc lặng lẽ đăm chiêu. Điều gì đó như là đang tri tâm ngẫm ngợi về cuộc sống, về thân phận con người... Ông khao khát: “Đất vườn văn nghệ tỉnh nhà hiện nay rất cởi mở, hào phóng, ai trồng thì vườn đất này đều cho hoa nhưng trong vạn ngàn hoa ấy mà thiếu trổ lên mấy bông sang trọng thì vườn hoa nghĩ cũng thường thường bậc trung, nó không sáng giá mấy! Có thể vì vườn đất tỉnh nhà còn có chỗ khó tính, nó chỉ cho ai có được bông hoa sang trọng nếu như người đó vừa “phải duyên” với nó, vừa thật sự đổ mồ hôi tưới chăm cho nó”... (Tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa tháng 1+2/1998).
Dường như “Sang trọng” đó là hồn cốt của thơ Hà Khang, hồn cốt ấy đã dần dần tự thấm, tự mở, tự lan truyền nội sinh tinh chất nhân văn mĩ cảm... Mong rằng rồi đây Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa sẽ có tập hợp thơ Hà Khang và những bài viết về thơ ông. Điều đó rất cần thiết cho thơ ca nói riêng và văn học nói chung.
Vũ Quang Trạch (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-07-05 08:32:00
Tướng quân Lê Đăng Tiệm, nhân vật lịch sử thời Lê Trung Hưng
Tình người...
Cao Đình Độ: Đệ nhất tổ sư nghề kim hoàn
Bí thư chi bộ tâm huyết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Lê Tất Đắc “Một cốt cách xứ Thanh”
Tống Phước Trị, người góp phần vào việc mở đất phương Nam
Trưởng dòng họ Ngân với công tác bảo đảm an ninh trật tự
Ông Bí thư chi bộ “mở đường”
Cô học trò nỗ lực giữ gìn văn hóa dân tộc
Thơ Văn Đắc – cái tôi trữ tình luôn mới mẻ