(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn Đắc sinh năm 1942, tại Sầm Sơn. Ông tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh năm 1966. Tập thơ đầu tay “Hai triền sông” là tập hợp các bài thơ ông sáng tác từ 1969 đến 1973. Đến nay, với tập thơ mới nhất ra mắt “Cát lầm” (2022), hành trình thơ Văn Đắc đã 55 năm và vẫn chưa dừng lại.

Thơ Văn Đắc – cái tôi trữ tình luôn mới mẻ

Văn Đắc sinh năm 1942, tại Sầm Sơn. Ông tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh năm 1966. Tập thơ đầu tay “Hai triền sông” là tập hợp các bài thơ ông sáng tác từ 1969 đến 1973. Đến nay, với tập thơ mới nhất ra mắt “Cát lầm” (2022), hành trình thơ Văn Đắc đã 55 năm và vẫn chưa dừng lại.

Thơ Văn Đắc – cái tôi trữ tình luôn mới mẻNhà thơ Văn Đắc. Ảnh: Hạnh Mai

Dường như, trong con người căn cốt của Văn Đắc luôn thuộc về cuộc sống nguyên sơ, mặc dòng đời nổi trôi, ông dường như chỉ quan tâm đến vẻ nguyên thủy của Tạo hóa. Tác giả luôn để tâm hồn trực diện với Tự nhiên (nature) để mọi giác quan có thể cọ sát, nắm bắt sớm nhất những tín hiệu của Tự nhiên và phản hồi lại các tín hiệu ấy bằng trực giác nhạy cảm của tâm hồn thi sỹ. Hiện diện trong thơ Văn Đắc là cái tôi - nghệ sỹ, đó là nguyên nhân khiến thơ Văn Đắc không/ chưa khi nào đứng “bên lề” của hành trình thơ ca Việt Nam đương đại.

Cái “tôi” trữ tình trong thơ Văn Đắc luôn bắt nhịp với thời cuộc của quê hương, đất nước. Đó là “cái tôi - công dân” khi quê hương đất nước phải làm nhiệm vụ “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Cái tôi trữ tình trong thơ Văn Đắc khi ấy hòa chung khí thế lan tỏa tinh thần sẵn sàng xả thân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, lạc quan tin tưởng vào chiến thắng của dân tộc. Cái tôi ấy, hóa thân vào cảm xúc của những người làng đi sơ tán tránh những cuộc không kích của máy bay Mỹ với một tinh thần chủ động, ung dung đối mặt với nguy hiểm, thậm chí cái chết: Giặc bỏ bom ngang/ Ta xây làng dọc/ Giặc bỏ bom dọc/ Ta dựng làng ngang. Đó là tinh thần của người làm chủ, chỉ có “chủ nhà” mới có tinh thần tự tin chủ động và cũng sẵn sàng xả thân để bảo vệ “nhà mình” như vậy. Rồi chủ thể trữ tình lại hóa thân vào của những người con đang cầm súng chiến đấu tâm sự với mẹ của mình. Có tình cảm quân - dân trong cuộc tâm sự mẹ - con này: Mẹ ơi, đừng đi lại nhiều mẹ nhé/ Giặc Mỹ bắn chiều, bắn sáng/ Nhà ta cháy rồi... Bài thơ Tiếng chim sáo khắc tạc hình tượng sự sống không bao giờ chán nản, sự sống luôn mạnh hơn cái chết: Đậu mãi trên cành cây cháy dở/ Thả rơi mồi xuống gốc cây/ Xòe cánh nhìn trời sáo hót (Tiếng chim sáo). Cái tôi trữ tình khỏe khoắn, lạc quan này chính là biểu hiện lý tưởng của con người Việt Nam thời đại chống Mỹ.

Ở chặng hậu chiến, cái tôi trữ tình của thơ Văn Đắc sớm bắt nhập với những diễn biến của cuộc sống thời bình. Tác giả nói nhiều về những tín hiệu cuộc sống hòa bình, hạnh phúc: Buổi học đầu tiên, Tiếng chim hót trong mưa, Lại đến mùa xuân, Bất chợt một lần trăng... Tuy nhiên, ít lâu sau, thấy xuất hiện những trăn trở, những ưu tư buồn: Chưa đề, Khoảng trống, Người lái xe ngựa ơi, Gửi những người đàn bà, Tự khúc, Thoáng hiện... Nhà thơ - những kẻ vốn mang giác quan nhạy cảm khác người, cũng là những kẻ cả tin nhất khi nhìn vào tương lai. Nhưng khi thực tiễn hậu chiến không như tưởng tượng lãng mạn, trái tim thi sĩ đa cảm chỉ biết trút nỗi tấm tức lên ngòi bút. Vẫn chưa thôi hy vọng vào tương lai nên đành “khóc” thầm, chấp nhận đau đớn “khoảng trống tâm hồn” vì lúng túng, bế tắc trước thực tiễn: Ngồi viết/ Mực chảy tấm tức/ Tình chết trong giấy/ Ý chết trong lời/ Ta đành thả bút tiễn đưa (Khoảng trống). Thi sĩ vẫn quen với xúc cảm tình yêu không khỏi choáng váng trước sự khắc nghiệt của đời sống, nhưng lòng yêu đời, yêu sống vốn là “sức mạnh” bền bỉ của quy luật tạo hóa, vì vậy, thi sĩ quay về hướng nội, trò chuyện với chính mình, với những gì mình yêu thương, trân trọng. Cái làng biển của ông, nơi ông chào đời giữa gió cát và tiếng sóng ì ầm từ thuở hồng hoang, đã là điểm tựa cho trái tim nhạy cảm ấy đi về. Cái tôi trữ tình hướng nội hóa ra lại đánh thức, khơi dậy thế mạnh của chủ thể trữ tình, kể từ khi buộc phải “chọn” quay về với cái tôi - cá nhân, cá thể đồng điệu với những nỗi niềm riêng tư, ngòi bút Văn Đắc như phát hiện ra thế mạnh của mình, ông liên tiếp trình làng các tập thơ. Bước vào ngưỡng tuổi U60 đến nay, tác giả liên tiếp trình làng các tập thơ. Điều đáng kể là, trong các tập thơ này, xuất hiện cái tôi trữ tình thăng hoa, mới mẻ, trẻ trung từ cảm xúc đến cách biểu đạt.

Tác giả đã hiện diện bằng cái tôi trữ tình mới, cái tôi trữ tình cá nhân riêng tư bộc lộ suy nghĩ và chia sẻ cảm xúc với chung quanh, với mọi người. Cái cách nhà thơ đồng nhất với chủ thể trữ tình, đồng nhất với đối tượng trữ tình có lẽ hiếm thấy, nhưng xuất hiện dày đặc trong thơ Văn Đắc sau 1986: Lắm lúc tôi ríu rít với đường làng/ Bọn trẻ hò reo: A, Ông Đắc. Ống Đắc/ Thế là cái tên thành tiếng hát/ Bạn nhỏ làng ơi, bạn nhỏ làng (Làng ơi). Một cái tôi trữ tình riêng tư hòa vào làng quê, vào thiên nhiên, vào không gian sống, vào “trí nhớ” từ trẻ đến già, đến cả con chim trời cũng “nhớ mặt” thì đó là cái tôi trữ tình kiêu hãnh kiểu nghệ sỹ. Trong bài “Tôi người Thanh Hóa” cái tôi nghệ sỹ ấy hào sảng tự nhận chân cốt của mình: Tôi không lẫn vào ai được/ Chỉ rặt một máu Thanh Hóa mẹ cha tôi với niềm yêu tha thiết mảnh đất sinh thành: Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó/ Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên. Trong cái tôi nghệ sỹ ấy còn có cái tôi đa cảm, hiền lành với căn cốt là lòng yêu thương, chia sẻ. Cái tôi ấy tạo nên sự lan tỏa kết nối yêu thương giữa con người với nhau, con người với cuộc sống. Bài thơ “Cô đơn” bộc lộ một cái tôi trữ tình đáng trân trọng như vậy: Hai nhà ở bên nhau/ Ngõ đi chung tính nết rẽ hai đường/ Ngày anh chuyển đi/ Những cái đinh đóng trên đường lặng thinh ở lại/ Anh đi rồi/ Tôi một mình như chiếc đinh cô đơn (Cô đơn). Lạ thật đấy, ở cạnh một người hàng xóm với tính cách trái ngược, thế mà khi hàng xóm chuyển đi lại thấy cô đơn, trống vắng, buồn man mác. Có thể thấy sự tôn trọng sự khác biệt của nhân vật trữ tình trong bài thơ, mỗi người là “cái đinh” cá tính. Phía bên kia không biết có khó chịu với “cái đinh” bên này không, việc chuyển đi không biết có liên quan gì đến cá tính đối lập nhau hay không, nhưng khi bên ấy chuyển đi thì bên này thấy “gian nhà vắng tanh đầy ắp nỗi buồn”. Đa cảm và hữu tình đến thế thì thôi. Cái tôi giàu cảm xúc, hiền lành, nhân ái này có thể là bạn của tất cả mọi người. Ông đến với mọi người bằng trái tim cảm thông, chia sẻ, đặc biệt, dĩ nhiên, với những người có số phận không may mắn, ông luôn giành cho họ sự an ủi, động viên chân thành. Đây, bài thơ như lời động viên, bênh vực người đàn bà góa thờ chồng ba mươi năm “trăng khuyết, trăng tròn” bỗng một ngày “lạy vong hồn người xưa” vì “đã trót”, rồi quyết định “Ai chê thì cũng mặc đời/ Một mình dì trở lại thời trẻ trung” (Dì tôi). Hai câu thơ cuối như khúc hoan ca cổ vũ cho “dì tôi” đón nhận hạnh phúc mới. Cái tâm luôn nghĩ cho người khác, thấu hiểu người khác, tiếp cận con người và cuộc sống bằng căn tính của lòng nhân, điều này đã tạo nên cái tôi trữ tình không bao giờ lạc hậu trong thơ Văn Đắc. Lý giải vì sao thơ ông luôn “trẻ”, vì cái tôi trữ tình ấy luôn đồng hành cùng với nhu cầu, khát vọng của quy luật sống.

Theo dõi tiến trình thơ Văn Đắc sẽ thấy, cho dù âm hưởng thơ Văn Đắc khá giàu cung bậc giọng điệu: khi sôi nổi, hào sảng, lúc trữ tình vời vợi, khi triết lý xa xôi... Sự đa dạng cung bậc giọng điệu một phần, liên quan đến sự vận động của cái tôi trữ tình trong những hoàn cảnh khác nhau. Phần nữa, đó là sự phong phú của tâm hồn nghệ sỹ với khả năng “phân thân”, hóa thân xuất sắc vào những cảnh huống sự kiện, tâm lý. Song, dường như âm hưởng chính xuyên suốt, hiện diện nổi bật nhất trong thơ Văn Đắc lại là âm hưởng trữ tình với những cung bậc: dịu dàng, da diết, duyên dáng pha chút hóm hỉnh, triết lý. Các cung bậc ấy trộn lẫn, hòa quyện vào nhau để lại ấn tượng nơi người đọc dư âm tha thiết bay bổng.

Đó là cá tính Văn Đắc, phong cách Văn Đắc - một cái tôi trữ tình đầy chất nghệ sỹ. Văn Đắc làm thơ như người ta phải uống nước và hít thở khí trời. Kẻ có khí chất ngang tàng nghệ sỹ ấy có lần bộc lộ nỗi sợ của mình: Nỗi kinh sợ nhất mà tôi bắt gặp/ Là khi mình không viết nổi một câu thơ. Thơ làm gì có tuổi. Nghệ sỹ cũng không có tuổi. Đó là nguyên nhân Văn Đắc vẫn làm thơ cho đến bây giờ.

PGS.TS Hỏa Diệu Thúy (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]