Tướng công Lê Liễu trên đất Bản Định
Bản “Sự tích họ Lê” ở làng Bản Định, xã Hoằng Sơn viết bằng chữ Hán cho biết dòng họ này có 9 người được gia phong, ban tước công, hầu, trong đó 4 người có tước công. Vì thế dòng họ này còn được gọi là họ Lê Công thần. Và Lê Liễu – “Bình Ngô khai quốc công thần thái úy Quỳ quốc công” chính là thủy tổ.
Đền thờ Tướng công Lê Liễu, thôn Bản Định, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa).
Vốn người Lam Xuyên, hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, làm gia thần cho Lê Lợi, vì có võ nghệ hơn người nên Lê Lợi đặt họ tên là Võ Liễu. Ông là một số ít người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và lập được nhiều công lao to lớn nên được ban họ vua. Từ đó ông có tên là Lê Liễu.
Theo tài liệu ghi lại: Thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa, Lê Liễu cùng với hào kiệt khắp nơi âm thầm liên kết với Lê Lợi tụ về đất Lam Sơn dấy nghĩa. Trong quá trình khởi nghĩa chống giặc Minh, Lê Liễu luôn sát cánh bảo vệ chủ tướng Lê Lợi, lập nhiều chiến công trong bảo vệ căn cứ địa Lam Sơn, xây dựng căn cứ địa tại miền Tây Thanh Hóa, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1428, sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Thái Tổ xét công cho các tướng sĩ, Lê Liễu vinh dự được ban thưởng là Bình ngô khai quốc công thần và được phong là Quỳ thái hầu.
Xung quanh Lê Liễu, trong bài viết: “Dòng họ Lê Công thần ở vùng đất Băng Sơn”, TS Lê Thanh Thủy (Đại học Hồng Đức) đã khẳng định: Mặc dù Lê Liễu được biết đến như một nhân vật lịch sử có công lao to lớn đối với Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhưng tài liệu ghi chép về ông rất ít. Qua nghiên cứu các tư liệu lịch sử, còn có những điều như: Họ và tên, quê quán, công trạng, hành tung của ông sau cuộc khởi nghĩa, về vùng đất và việc phụng thờ Lê Liễu... cần làm sáng tỏ.
Điểm qua một vài tư liệu có thể khẳng định được vai trò và vị thế của Lê Liễu trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sách “Lam Sơn thực lục” có chép, Lê Liễu là người nổi bật trước khi khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ. Ông cùng với 13 người khác trong đó có Trương Lôi, Trịnh Khả, Bùi Quốc Hưng... tham gia cướp linh xa hài cốt của cha Lê Lợi về táng ở Chiêu Nghi. Trong 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, Lê Liễu không rời Lê Lợi nửa bước. Sách Quốc sử quán triều Nguyễn: “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục” chép chuyện Lê Liễu cùng với Lê Thạch là hai người bên cạnh Lê Lợi bàn bạc tổ chức khởi nghĩa. Sách “Việt sử giai thoại” đã ghi việc Lê Liễu luôn ở bên Lê Lợi, trong đó có chuyện khi Lê Lợi bị quân Minh truy đuổi đến bờ sông gặp và chôn cất xác người con gái bị chết đuối; chuyện Lê Liễu và Lê Lợi ẩn nấp vào thân cây rỗng khi bị quân Minh và chó ngao truy lùng. Sách “Đại Việt thông sử” có viết: Đến tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lê Liễu là những người được cử làm tướng văn, tướng võ chỉ huy đội quân Thiết đột chống Minh. Sách “35 vị khai quốc công thần Lam Sơn” khẳng định: “Làm gia thần cho vua Lê Thái tổ, ngày đêm bảo vệ hầu cận vua, Lê Liễu không có điều kiện làm tướng chỉ huy các trận đánh, nhưng bảo vệ vua, giúp vua đốc chiến cùng bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác thì công của Võ Liễu cũng không phải là nhỏ”. Còn tài liệu “Sự tích họ Lê” kể chuyện Lê Liễu để cho Lê Lợi đứng trên vai mình và bị mũi giáo của giặc Minh đâm xuyên đùi; chuyện gặp lão nông đi cày ruộng dâng cơm cho Lê Lợi... Và còn một vài câu chuyện mang màu sắc huyền sử, song tựu chung đều nói lên rằng từ thuở “nằm gai nếm mật” Lê Liễu luôn ở bên chủ soái Lê Lợi.
Ông chính là 1 trong 19 người anh hùng Lam Sơn trong hội thề Lũng Nhai. “Trước núi sông, họ nguyện đoàn kết thương yêu như anh em một nhà, trung thành với sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Lời thề Lũng Nhai là lời thề non nước. 19 người dự lễ thề là hạt nhân đầu tiên của Bộ Chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn” (Khởi nghĩa Lam Sơn, Phan Huy Lê – Phan Đại Doãn, NXB Hồng Đức, 2019).
Bản Định là thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của xã Hoằng Sơn.
Tuy nhiên, cuộc đời và công lao của Lê Liễu gần như chỉ dừng ở những trang sách, những tư liệu giai đoạn trước khi Lê Lợi lên làm vua. Nói về vấn đề này, TS Lê Thanh Thủy cho rằng: có thể vì lý do sức khỏe. Điều này trong “Sự tích họ Lê” có vài dòng ghi lại. Ngoài ra, “Sự tích họ Lê” chép việc Lê Liễu gặp vua Lê Thái tổ như sau: Đất nước bình định, Lê Lợi lên ngôi vua xét ban thưởng cho những người có công dẹp giặc. Ban đầu quên công Lê Liễu, ông Liễu đã đem gà, măng ra kinh đô Thăng Long thăm nhà vua. Tới kinh đô, lính ngự lâm không cho vào, ông Liễu khóc và hô lớn: “Nhà vua đã quên ơn cũ, nghĩa xưa”. Quan nội thị nghe được tâu lên vua, Đức Thái Tổ nói: Đó là cố nhân của ta, cho vào. Ông Liễu vào, trông thấy vua khóc nức nở vì cảm động. Ông được nhà vua phong ban tước Lũng Nhai công thần Quỳ quốc công tứ quốc tính”.
Về thôn Bản Định, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) chúng tôi được ông Lê Thanh Sơn, hậu duệ của Quốc công Lê Liễu, hiện đang là thành viên Ban tự trị họ Lê, cho biết: Trước đây đền có 7 sắc phong. Trong đó có 2 sắc phong được ban vào năm Thành Thái thứ 10 (1898) và Khải Định năm thứ 9 (1924) ghi lại rất rõ về “Lê tướng công chi thần, hộ nước giúp dân”. Tiếc là đến nay, bản gốc đã bị mất, dòng họ chúng tôi chỉ còn lại bản photo, song cũng phải cất giữ rất kỹ càng.
Là người trông coi đền thờ Tướng công Lê Liễu, ông Lê Triệu Tường, giới thiệu: Đền thờ Tướng công Lê Liễu được xây dựng từ thời Lê sơ nhưng do thời gian và binh biến, đến thời Khải Định đã được trùng tu, tôn tạo lại. Sau đó, con cháu dòng họ cũng nhiều lần tu sửa. Hiện tại đền còn một số hiện vật có giá trị như cấu trúc gỗ của hậu cung thời Nguyễn, khám thờ, bài vị, kiệu long đình 2 tầng mái được chạm khắc công phu, các đồ thờ như đinh hương, mâm bồng, chén, bát, đĩa... thời Lê – Nguyễn. Hằng năm, vào ngày 27 tháng 10 âm lịch, con cháu dòng họ Lê ở Bản Định tổ chức lễ hội rước kiệu từ lăng mộ về đền thờ Lê Liễu và làm các nghi lễ cúng tế.
“Không riêng gì con cháu họ Lê, người dân Bản Định ở xã Hoằng Sơn luôn tự hào có Quốc công Lê Liễu, người đứng hàng thứ 8 trong những người tham gia Hội thề Lũng Nhai. Tiếp nối truyền thống yêu nước, yêu làng, người dân thôn Bản Định hiện có 233 hộ/780 khẩu, trong đó có 33 hộ công giáo với hơn 100 khẩu, song lương giáo hòa hợp, bà con đoàn kết. Đây cũng chính là lý do mà thôn Bản Định là thôn đầu tiên của xã Hoằng Sơn và là 1 trong 9 thôn của huyện Hoằng Hóa đạt NTM kiểu mẫu sớm”, ông Lê Văn Chơn, Trưởng thôn Bản Định chia sẻ.
Bài và ảnh: Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-06-02 09:48:00
Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp
Tiến sĩ Nguyễn Dục - Rạng rỡ vùng đất Thiệu Thịnh
Tướng quân Nguyễn Bá Lệ và dòng họ Nguyễn ở Nga Hải
Thầy giáo hơn 20 lần hiến máu tình nguyện
Thầy giáo đam mê sáng tạo Bộ Flashcard 100 nhân vật lịch sử Việt Nam
Ước mơ của Sùng A Phềnh
Hổ tướng Nguyễn Hữu Tiến
Nữ trưởng thôn làm dân vận khéo
Từ Thổ ty xứ Mường đến vị Quận công được vua Nguyễn tin quý
Thượng tướng quân Hoàng Văn Luyện