Thư viện tư nhân góp phần phát triển văn hóa đọc
Với mong muốn chia sẻ nhiều cuốn sách hay đến cộng đồng, nhiều thư viện tư nhân đã trở thành điểm đến hấp dẫn, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc.
Không gian đọc Yên tại thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn).
Hơn 3 năm nay, đường sách khu phố 7 do ông Hoàng Văn Lược cùng một vài người thành lập, đã và đang trở thành điểm hẹn tri thức, văn hóa của nhiều người dân trên địa bàn phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn). Ông Lược cho biết: “Bản thân tôi thích đọc sách, và thấy nhiều người trong khu dân cư, đặc biệt là nhiều bạn nhỏ muốn đọc sách mà không tìm được chỗ mượn và nơi đọc sách thư giãn. Xuất phát từ điều đó, tôi và một số người cùng đam mê đã thực hiện ý tưởng thành lập đường sách trong khu dân cư. Ý tưởng này được người dân ủng hộ nhiệt tình. Người đóng góp sách, người góp công sức cùng xây dựng đường sách”.
Đường sách khu phố 7 khi mới hình thành có khoảng 500 bản sách. Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, nhiều cá nhân, nhà hảo tâm đã góp sách, tặng sách cho đường sách khu phố 7. Đến nay, số sách trưng bày và sách trong kho luân chuyển của đường sách khu phố 7 đã có khoảng 15.000 bản sách. Số đầu sách khá đa dạng, phong phú thuộc nhiều lĩnh vực: văn học, tiểu thuyết, kỹ năng sống, khoa học - kỹ thuật. Đặc biệt, sách thường xuyên được người quản lý luân chuyển, bổ sung để làm mới tủ sách trưng bày.
Đường sách khu phố 7 tọa lạc tại một con ngõ nhỏ, hai bên cây xanh mát. Đến đầu ngõ, ai cũng bị thu hút bởi băng rôn với dòng chữ: “Một cuốn sách hay là một giấc mơ mà bạn cầm trong tay”. Không gian đọc sách được bố trí gần gũi, thân thiện với thiên nhiên. Trưởng ban công tác mặt trận khu phố 7 Nguyễn Hữu Quang cho biết: “Vào mỗi buổi sáng, những người nghỉ hưu tập trung tại đây để đọc sách, uống trà, trò chuyện, thảo luận về những cuốn sách. Trẻ em thì thường đến mượn sách vào cuối buổi. Những ngày hè, trẻ em trong khu phố tập trung tại đường sách nhiều hơn để tìm những cuốn sách yêu thích để mượn về hoặc đọc tại chỗ. Đặc biệt, người dân trong khu phố đều đoàn kết, chung tay gìn giữ các tủ sách tại đường sách”.
Em Nguyễn Lê Phương Thảo, 15 tuổi, cho biết: “Từ khi có đường sách, em thường xuyên ra để mượn sách đọc. Bởi, em thích đọc tiểu thuyết và truyện tranh bằng sách hơn đọc trên mạng. Đường sách có nhiều sách hay. Em còn rủ em của mình và bạn đến mượn sách đọc. Với mong muốn tủ sách luôn được duy trì, mỗi khi mượn sách em đều gìn giữ sách và trả lại cho các bác quản lý khi đọc xong. Em cũng đã góp vài cuốn sách của mình đã đọc xong cho đường sách với mong muốn cuốn sách hay sẽ đến với nhiều người”.
Cũng được thành lập từ những người yêu sách, thư viện tư nhân - “Không gian đọc Yên” nổi bật trên đường Đinh Công Tráng, tiểu khu 3, thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn). Không gian đọc Yên được thành lập từ tháng 4/2021, thiết kế hiện đại, không gian yên tĩnh, thoáng mát với hơn 10.000 bản sách thuộc nhiều lĩnh vực. Không quá khi nói đây là một không gian khá lý tưởng để thả hồn vào những trang sách. Ông Phạm Văn Trường, người thành lập thư viện tư nhân - Không gian đọc Yên cho biết: “Từ mong muốn có một tủ sách nhỏ cho bản thân, tôi đã mạnh dạn thành lập thư viện tư nhân để chia sẻ những cuốn sách hay đến cộng đồng. Đến với Không gian đọc Yên, bạn đọc sẽ được đọc sách và trải nghiệm không gian ở đây miễn phí”.
Điểm nổi bật của thư viện không chỉ ở không gian mà cả cách thức hoạt động. Thư viện thường xuyên giới thiệu những bản sách hay lên facebook. Đồng thời, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về sách với phần thưởng là sách cho bạn đọc. Em Mai Ngọc Phương ở thị trấn Nga Sơn cho biết: “Đây làm một điểm đến thú vị mỗi khi em muốn thay đổi không gian đọc sách và học. Những cuốn sách về kỹ năng sống, triết lý sống ở đây rất hay, cho em nhiều lời khuyên bổ ích”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Như Quỳnh ở thị trấn Nga Sơn cho biết: “Các hoạt động tại thư viện rất hấp dẫn. Tôi thường cùng con đến đọc sách, trò chuyện về những cuốn sách yêu thích. Đặc biệt, tôi thường tham gia các chương trình, cuộc thi tìm hiểu về sách của thư viện để khích lệ, động viên các con của mình và người thân tích cực đọc sách, yêu sách”.
Theo thống kê của Thư viện tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 10 thư viện tư nhân, thư viện dòng họ. Số lượng thư viện tư nhân tuy ít nhưng sự xuất hiện của các thư viện tư nhân đang từng bước được khẳng định và nhận được sự quan tâm của nhiều người dân.
Để thư viện tư nhân phát triển và hoạt động hiệu quả cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa đọc; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hình thành thư viện tư nhân, hỗ trợ hoạt động của thư viện tư nhân. Đồng thời, cần tôn vinh những người tâm huyết hình thành thư viện và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Bài và ảnh: Thùy Linh
- 2024-11-09 14:59:00
Ảnh hưởng của địa lý tới vị thế của quốc gia
- 2024-11-09 07:54:00
Hãy để tuổi trẻ viết tiếp câu chuyện văn hóa
- 2024-08-20 08:41:00
“Mũ mãng” và“mũ mão”
Nhiều tài liệu về hoạt động ngoại giao dưới triều Nguyễn lần đầu được công bố
Nếp sống văn minh hiện hữu trong đời sống người dân miền núi
Cây muỗm tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân) được công nhận Cây di sản Việt Nam
[E-Magazine] – Không có gì quý hơn độc lập tự do - Vững tin con đường chủ nghĩa xã hội Việt Nam
CLB Văn hóa nghệ thuật truyền thống phường Quảng Thắng: Đa dạng sắc màu văn hóa
“Từ thụ yếu quy” - Tâm huyết của vị quan thanh liêm
[Mega Story] - Gần rồi Sài Khao ơi!
Sao lại gọi là “khóc như ri”?
Siêu nhạc hội 8Wonder và Lễ hội mùa Thu quốc tế lần đầu tiên đến Hà Nội