(vhds.baothanhhoa.vn) - Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tham gia vào chuỗi giá trị thị trường đã góp phần tạo lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng tầm sản phẩm OCOP.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP nhờ công nghệ số

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tham gia vào chuỗi giá trị thị trường đã góp phần tạo lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng tầm sản phẩm OCOP.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP nhờ công nghệ sốChị Hà Thị Xem, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thắng (Lang Chánh) livestream bán hàng.

Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu chọn lọc nguyên liệu đầu vào, trong quá trình sản xuất khép kín đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì của sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, HTX nông dược sống hạnh phúc (xã Cẩm Bình, Cẩm Thủy) còn chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như tiktok, facebook... thông qua việc quảng bá và giới thiệu các sản phẩm bằng các thước phim ngắn với nội dung thực tế và hấp dẫn người xem.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông dược sống hạnh phúc Phạm Thị Hậu cho biết: “HTX có 1 sản phẩm trà túi lọc Trà xạ đen - cà gai leo Happy life đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Doanh thu năm 2024 của HTX đạt khoảng 700 triệu đồng, thông qua việc xuất bán trên 30.000 sản phẩm bao gồm các loại trà: Xạ đen cà gai leo, trà Thìa canh, trà Giảo cổ lam, trà Tía tô..., trong đó 80% sản phẩm được bán online qua tiktok, facebook và shopee và khoảng 20% sản phẩm được bán trực tiếp tại hội chợ, sự kiện thương mại”.

“Hiện nay bán hàng trên các kênh thương mại điện tử đang là xu thế không chỉ của các tổ chức doanh nghiệp nhỏ mà đối với cả những doanh nghiệp lớn. Các sàn thương mại điện tử không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận tệp khách hàng rộng hơn với chi phí thấp hơn rất nhiều so với các hình thức marketing khác mà thông qua việc livestream bán hàng trên các nền tảng như tiktok, facebook đã giúp HTX nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, bán hàng để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng” - chị Phạm Thị Hậu cho biết thêm.

Trong những bộ sắc phục rực rỡ sắc màu của dân tộc Thái, cùng với “người bạn” đồng hành là chiếc điện thoại di động, chân máy và một nhân viên chốt đơn, chị Hà Thị Xem, sinh năm 1992, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thắng (Lang Chánh) đã có thể giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm hàng hóa của mình trên các nền tảng số.

Là một trong những người tiên phong đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số để quảng bá sản phẩm của địa phương và bán hàng trên các nền tảng số, chị Hà Thị Xem chia sẻ: “Việc bán hàng trên các nền tảng số như facebook, zalo, tiktok... đã giúp tôi quảng bá sản phẩm của HTX đến với mọi người một cách rộng rãi, tiếp cận được với đông đảo khách hàng trên khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí là cả khách hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, những phiên livestream bán hàng trực tuyến còn giúp tôi có thể giao lưu với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, giải đáp những thắc mắc của khách hàng một cách chính thống và chốt đơn hàng nhanh gọn, giúp sản phẩm muối mắc khẻn Mường Đeng của HTX được vươn xa, tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP nhờ công nghệ sốHTX nông dược sống hạnh phúc (xã Cẩm Bình, Cẩm Thủy) livestream bán hàng trên các nền tảng số.

Nhờ nắm bắt tốt các lợi thế từ công nghệ, khai thác sớm các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội, sản phẩm muối mắc khẻn Mường Đeng của HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thắng đã có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. “Ngoài muối mắc khẻn Mường Đeng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, HTX còn có các sản phẩm tiềm năng khác như: măng khô, măng rối, măng lưỡi lợn, măng bẹ, các loại hạt gia vị thô như hạt mắc khẻn, hạt dổi, đũa tre vót thủ công... Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển thương hiệu rộng hơn trên các nền tảng tiktok, tiki, shopee...” - chị Hà Thị Xem cho biết thêm.

Với việc có thêm 10 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng 3 sao trong năm 2024 đã nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện Yên Định lên 41 sản phẩm. Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của huyện đã được thị trường ưa chuộng như bánh cam Duyên (Yên Thịnh); dứa thơm Thạo Thủy (thị trấn Thống Nhất); bánh bột lọc (Định Công)...

Chị Nguyễn Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa Nam Hương (Định Long, Yên Định) chia sẻ: “Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa của gia đình tôi đã được hướng dẫn đăng ký, mở tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, nhập dữ liệu sản xuất và đăng ký mã QR để khách hàng tiện truy xuất nguồn gốc... Nhờ đó, khách hàng yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, việc tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng hơn”.

Thanh Hóa hiện có khoảng 1.050 sản phẩm của khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm tham gia quảng bá, giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, góp phần làm tăng doanh số bán hàng bình quân từ 15 - 20%/năm. Để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản phẩm, phân phối, bán hàng, nhất là thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm... góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, đưa các sản phẩm OCOP trở thành những thương hiệu mạnh vươn tầm.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]