(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra trong gia đình danh giá ở làng Hộ Thịnh (Phú Thịnh) nay là thôn Khang Thịnh, xã Xuân Thịnh, huyện Triệu Sơn, Thượng thư Lê Trạc Tú được biết đến là nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp quan trọng đối với triều đình Lê - Trịnh. Không chỉ vậy, ông còn được người đời nhắc nhớ bởi sự thanh liêm, chính trực.

Thượng thư Lê Trạc Tú - danh thơm để lại cho đời

Sinh ra trong gia đình danh giá ở làng Hộ Thịnh (Phú Thịnh) nay là thôn Khang Thịnh, xã Xuân Thịnh, huyện Triệu Sơn, Thượng thư Lê Trạc Tú được biết đến là nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp quan trọng đối với triều đình Lê - Trịnh. Không chỉ vậy, ông còn được người đời nhắc nhớ bởi sự thanh liêm, chính trực.

Thượng thư Lê Trạc Tú - danh thơm để lại cho đờiThượng thư Lê Trạc Tú một đời làm quan thanh liêm, tài sản lớn nhất ông để lại cho cháu con là danh thơm.

Theo sử liệu, Lê Trạc Tú sinh năm Quý Tỵ (1533) trong một gia đình khoa bảng ở tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên (nay là xã Xuân Thịnh, huyện Triệu Sơn). Ông nội và chú của Lê Trạc Tú đều đỗ tiến sĩ, đề danh bảng vàng. Đáng nói, cả ông nội và chú của ông đều làm đến chức Thượng thư. Và theo gia phả dòng họ Lê ở Xuân Thịnh, Lê Trạc Tú còn gọi lão tướng - Thái tể Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái là cậu ruột.

Sinh ra trong gia đình danh giá, Lê Trạc Tú được thừa hưởng truyền thống học hành và cả sự dạy dỗ nghiêm khắc. Năm 16 tuổi, Lê Trạc Tú thi đỗ tam trường. Bấy giờ, cũng là lúc xung đột giữa hai thế lực Lê - Trịnh (Nam triều) với nhà Mạc (Bắc triều) diễn ra gay gắt, quyết liệt. Và xứ Thanh trở thành “chiến trường” nóng bỏng.

Là bởi, “đến năm Bính Ngọ (1546), sau 13 năm kể từ khi Lê Trang tông lên ngôi vua, Trịnh Kiểm đã lập hành cung vua Lê ở Vạn Lại (nay thuộc xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân), lấy danh nghĩa phù Lê diệt Mạc. Như vậy, đến thời điểm này, nhà Lê Trung hưng đã bố cáo với bách tính thiên hạ xác định khu vực kinh thành kháng chiến chống quân Mạc ở Vạn Lại. Đây là một điều đáng mừng cho việc Trung hưng của nhà Lê. Bởi lẽ, muốn lấy lại được đất nước bị nhà Mạc cướp thì nhà Lê không thể lưu vong mãi ở đất Ai Lao mà sớm muộn phải về nước thiết lập kinh thành để khẳng định chủ quyền của nhà Lê và kháng chiến lâu dài với nhà Mạc. Lúc bấy giờ, nhiều hào kiệt, danh sĩ trong nước nghe tiếng... đã tìm về Thanh Hóa để hội quân... Cơ nghiệp nhà Lê Trung hưng bắt đầu từ đây” (sách Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường).

Nhà Lê với sự phò giúp của họ Nguyễn, về sau là họ Trịnh đã từng bước khôi phục lại sự nghiệp. Và đất xứ Thanh trong suốt một giai đoạn dài đã trở thành nơi đào tạo, rèn đúc nhân tài. Tại Thanh Hóa, nhà Lê đã tổ chức một số khoa thi để chọn nhân tài phụ giúp cho sự nghiệp trung hưng. Trong khoa thi năm Đinh Sửu (1577), Lê Trạc Tú tham gia và đỗ Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, tên ông đứng đầu trong những người thi đỗ. Năm đó, Lê Trạc Tú 44 tuổi.

Thi đỗ, làm quan, Lê Trạc Tú giữ chức Đô ngự sử và được phong tước Văn Trinh sử. Là người có văn tài, hiểu biết sâu rộng, ông được giao giữ thêm chức Hàn lâm viện Hiệu lý.

Năm 1581, khi Tiết chế Trịnh Tùng đem quân đánh giặc ở phía Tây Nam, Lê Trạc Tú cùng với Hình bộ Hữu Thị lang Bùi Khắc Nhất được giao tổ chức lực lượng phòng ngự và luận bàn việc quân cơ trong triều. Sau khi Nam triều đánh nhà Mạc khỏi kinh thành Thăng Long, Lê Trạc Tú cùng một số đại thần được cử đi hộ giá nhà vua từ hành cung Yên Trường trở về Thăng Long. Do có nhiều công lao đóng góp vào thắng lợi trong công cuộc khôi phục cơ nghiệp nhà Lê, năm Kỷ Hợi niên hiệu Quang Hưng thứ 22 (1599), Lê Trạc Tú được gia phong tước Văn Trinh bá.

“Dưới triều vua Lê Kính tông, năm 1600, một số quan lại trong triều (đứng đầu là 3 quận công Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê) nổi dậy chống lại triều đình, tập hợp lực lượng ở cửa Đại An. Giữa lúc tình hình “trong nước loạn lạc, lòng người dao động”, Bình An Vương Trịnh Tùng phải đưa nhà vua trở về Tây Đô (Thanh Hóa) để đề phòng bất trắc. Lê Trạc Tú cùng với 16 bề tôi trung nghĩa cùng hộ giá nhà vua về Tây Đô và ông là một văn thần đã đóng góp nhiều mưu kế giúp triều đình vượt qua thời điểm gian nguy” (sách Danh nhân họ Lê Thanh Hóa).

Qua những ngày khó khăn, trở về Thăng Long, Đô ngự sử Văn Trinh bá Lê Trạc Tú được phong Hiệp mưu tá lý công thần, thăng lên chức Thượng thư Bộ Lại, tước Văn Dương hầu.

Là người giữ trọng trách lớn trong triều đình Lê - Trịnh bấy giờ, Lê Trạc Tú được biết đến là người có nhiều tâm huyết trong việc chú ý, phát hiện người có tài năng để từ đó tiến cử vua Lê - chúa Trịnh cất nhắc. Không chỉ vậy, là người đứng đầu Bộ Lại, Thượng thư Lê Trạc còn đóng góp ý kiến thiết thực, góp phần chấn chỉnh phép tắc, quy định của triều đình để văn võ bá quan cùng tuân theo.

Thượng thư Lê Trạc Tú - danh thơm để lại cho đờiVừa qua, lăng mộ Thượng thư Lê Trạc Tú ở xã Xuân Thịnh đã được con cháu tôn tạo khang trang.

Khi còn làm quan trong triều, Thượng thư Lê Trạc Tú cũng nổi tiếng là người khẳng khái, liêm khiết, không để danh lợi, tiền bạc làm mờ mắt. Khi người đứng đầu triều đình có những quyết sách không có lợi cho dân, cho nước, ông không sợ hãi mà thẳng thắn can ngăn. Và dù giữ quyền cao chức trọng nhiều năm, nhưng bản thân ông không để sự giàu sang cám dỗ làm mất thanh danh, ảnh hưởng đến khí chất của bậc đại quan.

Cũng bởi không tham lam tiền bạc, của cải nên khi tuổi cao, từ giã chốn quan trường thì tài sản lớn nhất ông mang theo bên mình là danh thơm, sự quý trọng của vua Lê - chúa Trịnh, văn võ bá quan và người đời. Theo sử gia Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Lê Trạc Tú được người đời ngợi ca thanh liêm, đĩnh đạc.

Khi qua đời, Lê Trạc Tú được triều đình gia tặng Thiếu bảo, ban tước Liêm Quận công và gia phong phúc thần, cho dân làng lập đền thờ phụng.

Về Xuân Thịnh (Triệu Sơn), tìm đến thăm nơi thờ tự vị quan Thượng thư, trong ngôi nhà đơn sơ, thắp nén tâm hương lên ban thờ tiền nhân, ông Lê Trạc Mơ - hậu duệ của quan Thượng thư, bày tỏ: “Nghe các cụ cao niên trong dòng họ kể lại, sau khi mất, cụ (tức Thượng thư Lê Trạc Tú) được triều đình ban sắc cho con cháu trong dòng họ và dân làng lập đền thờ phụng. Đồng thời, còn ban cho ruộng đất để làm hương hỏa. Tuy nhiên, trải qua thời gian, vì nhiều nguyên do đáng tiếc, đến nay đền thờ không còn. May mắn, gia đình còn giữ lại được một số sắc phong qua các triều vua và đồ thờ (bát hương, câu đối, ban thờ). Mới đây, lăng mộ cụ được con cháu trong dòng họ tôn tạo. Cụ tài hoa xuất chúng, một đời làm quan thanh liêm, đĩnh đạc nên khi mất, tài sản để lại là danh thơm, trở thành tấm gương sáng về học thức, đạo đức, nhân cách để cháu con tự hào”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số nội dung trong sách Danh nhân họ Lê Thanh Hóa; Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường và tài liệu lưu giữ tại dòng họ)

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]