(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua huyện Thường Xuân đã và đang phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương nhằm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; khuyến khích, động viên đồng bào các dân tộc tích cực tham gia XDNTM; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên, môi trường; đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, xây dựng quê hương, bản làng ấm no, đổi mới.

Thường Xuân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Những năm qua huyện Thường Xuân đã và đang phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương nhằm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; khuyến khích, động viên đồng bào các dân tộc tích cực tham gia XDNTM; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên, môi trường; đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, xây dựng quê hương, bản làng ấm no, đổi mới.

Thường Xuân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiBản Mạ - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của huyện Thường Xuân.

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Thường Xuân có các dân tộc Thái, Mường, Kinh chung sống với 22.956 hộ, hơn 100.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 60%.

Những năm qua, các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội dân gian của đồng bào DTTS được huyện từng bước khơi dậy, bảo tồn và phát huy giá trị như lễ hội Cửa Đạt, lễ hội mừng cơm mới, đua thuyền, lễ hội Nàng Han. Đến nay đã có 5 di tích lịch sử - văn hóa và di tích cách mạng được xếp hạng cấp tỉnh. Lễ hội Nàng Han (xã Vạn Xuân) được công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhiều thôn, bản phát huy tiềm năng thế mạnh về điều kiện tự nhiên, nét văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng như bản Vịn, xã Bát Mọt; bản Mạ (khu phố Thanh Xuân), thị trấn Thường Xuân... thu hút du khách về với địa phương. Nhiều thôn, bản đã xây dựng được các đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.

Bản Mạ (khu phố Thanh Xuân), thị trấn Thường Xuân là bản làm du lịch cộng đồng ở huyện Thường Xuân có 54 hộ gia đình với trên 300 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Trước đây, nhiều hộ dân trong bản chỉ biết làm ruộng, trồng cây, chăn nuôi đơn thuần, sau khi được tuyên truyền, vận động, tham gia các lớp tập huấn kỹ năng về phát triển du lịch đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các homestay, khu dịch vụ du lịch. Bản đã thành lập đội văn nghệ truyền thống chuyên biểu diễn, giới thiệu đến du khách các điệu khua luống, nhảy sạp, cồng chiêng, múa xòe, khặp Thái; tổ chức các trò chơi dân gian và giới thiệu ẩm thực của người Thái đến du khách như xôi ngũ sắc, các món ăn từ cá, tôm sông và đồ nướng, thịt trâu gác bếp, canh uôi,...

Anh Lữ Văn Tính, chị Hà Thị Tuyến (homestay Tính Tuyến) là một trong những hộ gia đình đầu tiên trong bản Mạ làm du lịch cộng đồng. Hiện gia đình anh đã đầu tư, chỉnh trang khu ăn uống, nghỉ ngơi phục vụ du khách, tạo ra các sản phẩm du lịch như điểm check-in khi du khách về với bản. Không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình từ làm du lịch cộng đồng, anh còn tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Thời gian qua, huyện Thường Xuân đã triển khai thực hiện các tiểu dự án, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi (MN) giai đoạn 2021-2030. Năm 2023, Dự án 6 hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch cộng đồng bản Mạ (khu phố Thanh Xuân); hỗ trợ hoạt động cho 10 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN thuộc các xã Bát Mọt, Yên Nhân, Vạn Xuân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Xuân Lộc, Xuân Thắng, Luận Khê, Tân Thành và thị trấn Thường Xuân...

Chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Những năm qua các cấp, ngành ở huyện Thường Xuân đã tranh thủ các chính sách, nguồn lực sớm triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Huyện khuyến khích đồng bào các DTTS phát huy tiềm năng, lợi thế miền núi phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia XDNTM.

Thường Xuân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiNhân dân xã Xuân Lẹ ươm giống cây quế ngọc.

Huyện Thường Xuân có diện tích tự nhiên 110.717ha, diện tích rừng bao phủ lớn, trên 75% diện tích tự nhiên, gồm các loại rừng đặc dụng, phòng hộ đầu nguồn và rừng sản xuất, có nhiều loại cây gỗ quý và cây đặc sản quế ngọc. Các loại cây trồng chủ lực, lợi thế được huyện xác định là cây quế, cây mía, cây sắn, keo lai, cây ăn quả... và chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Ở các xã, thị trấn cũng xác định tiềm năng, lợi thế địa phương để phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh. Trong đó, thị trấn Thường Xuân đã tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; xã Ngọc Phụng phát triển vườn cây ăn quả, gia trại chăn nuôi; xã Lương Sơn phát triển cây dược liệu; xã Xuân Lẹ bảo tồn và phát triển cây quế ngọc; xã Vạn Xuân XDNTM; xã Bát Mọt giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc, xây dựng biên giới hữu nghị; xã Luận Thành phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; xã Tân Thành và Yên Nhân hỗ trợ xây dựng các sản phẩm tiêu chuẩn OCOP; xã Luận Khê đẩy mạnh chăn nuôi giảm nghèo bền vững...

Đến nay, toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP, 41 chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm; xây dựng 6 vùng sản xuất nông, thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 21,78ha; thực hiện trồng trọt theo hướng hữu cơ 62,79ha, trong đó cây ăn quả 20ha tại xã Ngọc Phụng, Thọ Thanh, rau, củ, quả trong nhà lưới, nhà màng 7,79ha tại các xã Thọ Thanh, Xuân Dương, Ngọc Phụng, Lương Sơn, Xuân Cao, lúa nếp A Sào 35 ha tại xã Yên Nhân...

Thường Xuân đã có nhiều gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào DTTS như chị Hà Thị Tuyến, chủ kinh doanh nhà hàng Tính Tuyến ở bản Mạ (khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân); chị Vi Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Lẹ vận động hội viên thành lập 3 mô hình tổ hợp tác giúp nhau phát triển kinh tế (thảo dược Hoa Núi, dệt thổ cẩm và mây tre đan thủ công); anh Lương Ngọc Lai, Bí thư Đoàn xã Luận Thành làm kinh tế trang trại có hiệu quả; chị Lương Thị Hương ở thôn Yên Mỹ, xã Luận Khê là chủ hộ đi đầu trong sản xuất, kinh doanh giỏi...

Giai đoạn 2019-2024 tổng nguồn vốn thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế của các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Thường Xuân là 16 tỷ 296 triệu đồng. Huyện lựa chọn 37 mô hình hỗ trợ sản xuất, trong đó một số mô hình đã được triển khai như nuôi bò sinh sản, nuôi vịt cổ xanh, trồng cây sa nhân tím, cây mít Thái, nuôi gà ri lai... Ngoài chính sách từ các chương trình mục tiêu, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ một số mô hình như nhà lưới trồng dưa vàng, rau, quả, nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Chu, bảo tồn và phát triển cây quế ngọc... tạo động lực hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 31 triệu đồng/năm, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, thu hút nhiều nhà đầu tư vào địa bàn giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 15,13%.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]