(vhds.baothanhhoa.vn) - “Chữa lành” - là cụm từ giới trẻ nhắc đến nhiều nhất mỗi khi gặp vấn đề bế tắc trong cuộc sống: công việc áp lực, đi chữa lành; chia tay người yêu, đi chữa lành; thi cử mệt mỏi, đi chữa lành....

Muôn kiểu “chữa lành” của người trẻ

“Chữa lành” - là cụm từ giới trẻ nhắc đến nhiều nhất mỗi khi gặp vấn đề bế tắc trong cuộc sống: công việc áp lực, đi chữa lành; chia tay người yêu, đi chữa lành; thi cử mệt mỏi, đi chữa lành....

Xu thế hay thực tế?

Xã hội ngày càng phát triển, guồng quay công việc, áp lực đồng trang lứa, tiêu chí phải có nhà, có xe, có nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng... mới được gọi là thành công đang đè nặng lên vai của thế hệ trẻ bây giờ khiến cho nhu cầu được chữa lành - cần chữa lành càng cao. Gõ tìm kiếm cụm từ “chữa lành” trên thanh tìm kiếm Google, thu về hơn 40 triệu kết quả chỉ trong 25 giây, đủ để thấy trào lưu “chữa lành” đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Cụm từ “chữa lành” xuất hiện khắp mạng xã hội từ: “du lịch chữa lành“, 'bộ phim chữa lành“,”đọc chữa lành“,”điện ảnh chữa lành“,”âm nhạc chữa lành“, đến”cách chữa lành tâm hồn“,”cách chữa lành vết thương tâm lý"... Nhiều người lớn vẫn thắc mắc: “Tí tuổi đầu, chịu dăm ba cái áp lực mà bày đặt đi chữa lành”.

Muôn kiểu “chữa lành” của người trẻ

Hội nhóm chữa lành thu hút đông đảo thành viên. Ảnh chụp màn hình

Không phủ nhận, vai trò của “chữa lành” khi nhiều người tự xoa dịu được vết thương tâm lý, thoát khỏi rối loạn, trầm cảm, lo âu...

Đang ở giữa “đỉnh cao” của sự nghiệp với mức lương cao ngất ngưởng khiến nhiều bạn bè đồng trang lứa ngưỡng mộ bạn H - chuyên viên cấp cao của một tập đoàn lớn lựa chọn cách dừng lại, dừng lại không phải để kết thúc công việc đang làm mà đây là khoảng thời gian H muốn nhìn lại xem mình cần gì và thích gì.

“Quả thực, gắn bó với công việc truyền thông đã được 3 năm, em dường như đang mất dần cảm hứng trong công việc không còn idea (ý tưởng - PV) dạt dào như mọi khi. Các bạn trẻ hơn chúng em vào công ty, họ có sự nhiệt huyết, có nhiều ý tưởng táo bạo khiến cho em cảm thấy mình đang bị thụt lùi. Đấy là lúc em quyết định xin nghỉ phép một thời gian, em chọn về quê đầu tiên vì quanh năm công việc bận rộn cũng chẳng về thăm nhà được mấy. Ở nhà khoảng 1 tuần câu hỏi em nhận được nhiều nhất có lẽ là: thất nghiệp à?; nghe cháu/em/bạn giỏi lắm mà giờ sao lại về quê?... Em chọn đi du lịch như một giải pháp giúp em “chữa lành” nội tâm bên trong tìm lại cảm hứng, động lực mới trong công việc, thoát luồng suy nghĩ tiêu cực, bất an", H tâm sự.

Muôn kiểu “chữa lành” của người trẻ

Đa dạng hình thức “chữa lành”. Ảnh minh họa

Việc nhà nhà, người ngườimuốn được chữa lành tạo nên hiệu ứng đám đông khiến cho các hội nhóm gắn mác “chữa lành” mọc lên như nấm, thu hút đông đảo thành viên ghé thăm, xin biện pháp “trị liệu tâm lý”. Người dùng chỉ cần đăng một dòng trạng thái “Tôi cần được chữa lành” hay “Có cách nào giúp tôi chữa lành”, ngay lập tức những “chuyên gia” tâm lý nhảy vào tư vấn nhanh như chớp.

Gần bước vào kỳ thi tốt nghiệp, U - một học sinh trường THPT lại rơi vào tình trạng bế tắc: “Mỗi ngày công việc của em lặp đi lặp lại chỉ có học - học - học, hết lớp học chính khóa lại đến lớp học thêm. Em thấy mình không khác gì con robot được lập trình sẵn. Em nhận thức việc đỗ vào trường đại học tốt sẽ mở ra cho em một tương lai tốt, bố mẹ cũng được nở mày nở mặt, nhưng đôi khi em cảm thấy ngột ngạt nhưng không biết kêu ai, than ai. Em tìm đến mạng xã hội như một “người bạn”. Sau khi đăng bài trong group em được chị M - chuyên gia tư vấn tâm lý tư vấn khóa học “chữa lành” 20 ngày với giá khá cao. Chị M đảm bảo học xong khóa này tâm lý em sẽ ổn định, thoải mái, chỉ cần mất tiền mua một lần".

Muôn kiểu “chữa lành” của người trẻ

Chuyên gia tư vấn tâm lý “mọc lên như nấm”. (Ảnh minh họa)

Đừng để chữa không lành mà còn "rách" thêm...

“Chữa lành” là thuật ngữ dùng để thể hiện các biện pháp trong việc hàn gắn, phục hồi sức khỏe, thể chất cũng như cảm xúc, tâm lý, tình cảm của con người sau các tổn thương. Với mong muốn được xoa dịu, chữa lành những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, gạt bỏ cảm xúc tiêu cực là nhu cầu bình thường, chính đáng của nhiều người trong cuộc sống hiện đại.

Tuy nhiên, trào lưu trên đã và đang bị thương mại hóa, được coi như một công việc “hái ra tiền” các lớp học yoga, thiền, biện pháp trị liệu tâm lý, bài thuốc, khóa học chữa lành cũng từ đó mà “ra đời”. Ranh giới giữa việc chữa lành “thật” - chữa lành “giả” thực sự rất mong manh khiến nhiều người khó lòng mà phân biệt được. Và dĩ nhiên, không ít bạn trẻ đã “tiền mất tật mang” khi trót tin vào những dịch vụ chữa lành bất ổn.

Để tránh “ném tiền qua cửa sổ”, mỗi người cần nắm rõ tình trạng sức khỏe tinh thần của bản thân. Không vội tin tưởng vào các “chuyên gia tâm lý” online một cách mù quáng.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]