(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát triển du lịch thông minh, các điểm đến trong tỉnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đưa du lịch số trở thành một loại hình du lịch yêu thích tại Thanh Hóa.

Trải nghiệm du lịch số

Phát triển du lịch thông minh, các điểm đến trong tỉnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đưa du lịch số trở thành một loại hình du lịch yêu thích tại Thanh Hóa.

Trải nghiệm du lịch sốDu khách đến với Thành Nhà Hồ không chỉ được trực tiếp nhìn ngắm di sản tồn tại hơn 600 năm qua mà còn có thể tìm hiểu thêm thông tin qua công nghệ số.

Nguyễn Nhật Nam (sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) sau khi chiêm ngưỡng Thành Nhà Hồ thông qua website: thanhnhaho.vn thì quyết định vào Thanh Hóa tham quan di sản văn hóa thế giới này. Nam cho biết “Một người bạn ở Thanh Hóa đã giới thiệu trải nghiệm du lịch số này cho mình, mình thấy rất thú vị khi ở một nơi xa nhưng vẫn có thể tìm hiểu về các di tích văn hóa lịch sử ở xứ Thanh. Tìm hiểu trên không gian số, biết được đây là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc nên mình mong muốn được xem trực tiếp và nghiên cứu kỹ hơn nữa”. Tại buổi tham quan trực tiếp, Nguyễn Nhật Nam được chạm tay vào di sản, được nghe thuyết minh về kỳ tích xây thành của cha ông và có những bức ảnh lưu niệm đẹp.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ bắt đầu thực hiện chuyển đổi số từ năm 2009. Đến nay, trung tâm đã có các ứng dụng tiêu biểu, như: tích hợp thông tin số hóa di sản trên bảng biển trực quan thông qua việc quét mã QR; ứng dụng tham quan 3D trên nền tảng mạng xã hội và trên website của đơn vị; ứng dụng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số trong quản lý di sản; ứng dụng nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, zalo để quảng bá di sản... Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, quản lý di sản và khai thác phát huy giá trị di sản được triển khai đồng bộ, tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm.

Trong đó, “tham quan 360” là ứng dụng tiêu biểu, cho phép du khách được tham quan, chiêm ngưỡng Thành Nhà Hồ trong không gian ảo. Theo đó, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng, truy cập vào địa chỉ website du khách có thể tìm hiểu đầy đủ thông tin và hình ảnh trực quan về Thành Nhà Hồ. Việc tìm hiểu kiến thức từ trước sẽ giúp du khách có cái nhìn sâu sắc hơn khi có dịp tham quan trực tiếp. Không những thế việc ứng dụng số còn cho phép du khách kết nối tour, đặt lịch phù hợp với chi phí hợp lý nhất.

Cùng với đó, công nghệ số tại di sản Thành Nhà Hồ còn được thực hiện triệt để trong quản lý hành chính, đã số hóa toàn bộ hồ sơ, giấy tờ (công vụ và cá nhân) thay thế cho việc sử dụng giấy như trước đây. Giúp tiết kiệm chi phí và góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

Trải nghiệm du lịch sốHọc sinh trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại Bảo tàng Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: “Hiện trung tâm đã số hóa các hiện vật tiêu biểu trong kho, hiện vật trưng bày bổ sung, hiện vật qua khai quật khảo cổ... Các hiện vật được chụp ảnh, đánh số, cập nhật thông tin và lưu trữ dạng file mềm trên nền tảng số. Điều này cho phép phục vụ nhanh chóng nhu cầu lưu trữ, tìm hiểu thông tin của cán bộ, nhân viên trung tâm cũng như du khách. Thời gian qua, việc số hóa đã giúp du khách thuận tiện, thoải mái tra cứu thông tin về di sản và giới thiệu di sản đến mọi người”. Hiện nay Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ số ở lĩnh vực quản lý và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là hoạt động du lịch. Từ đầu năm 2023 đến nay Thành Nhà Hồ đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Một trong những điểm đến tiêu biểu, tiên phong trong chuyển đổi số là Bảo tàng Thanh Hóa. Thời gian qua, nhờ sự đổi mới trong việc quảng bá di sản đến công chúng, ứng dụng công nghệ, đưa bảo tàng trở thành điểm đến yêu thích tại TP Thanh Hóa. Năm 2023, Bảo tàng Thanh Hóa đón khoảng 28.000 lượt du khách.

Bà Hoàng Thị Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa, cho biết: “Làm tốt công tác bảo tồn di sản, đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá di sản văn hóa đến với công chúng, Bảo tàng tỉnh đã đầu tư, ứng dụng công nghệ như: mã QR, máy quét Hologram thể hiện hình ảnh 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo - VR vào công tác trưng bày. Đồng thời, bảo tàng cũng tập trung xây dựng trang thông tin điện tử, coi đây là một kênh thông tin kết nối để du khách có thể tham quan bảo tàng bằng hình thức trực tuyến”. Giờ đây, đến với bảo tàng du khách không chỉ là ngắm nhìn hiện vật qua khung kính mà còn được chạm, ngắm nhìn kỹ hơn hiện vật với đa chiều không gian qua công nghệ thực tế ảo.

Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 30.000 hiện vật, trong đó có hơn 2.000 hiện vật được lựa chọn trưng bày. Năm 2022, 3 hiện vật quốc gia, gồm: kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang, vạc đồng Cẩm Thủy đã được số hóa. Năm 2023, bảo tàng đã số hóa được 200 hiện vật tiêu biểu bằng phương pháp quét laser phổ thông, xây dựng 2 bộ sưu tập hiện vật “Vật liệu trang trí kiến trúc tại các di tích ở Thanh Hóa thời kỳ phong kiến” và "Những kỷ vật chiến tranh của quân và dân Thanh Hóa”. Bảo tàng phấn đấu giai đoạn 2023-2025 sẽ số hóa từ 10 - 15% hiện vật và tư liệu đang lưu giữ.

Ứng dụng công nghệ đã và đang mang đến nhiều trải nghiệm thú vị hơn tại các điểm đến, là xu hướng tất yếu phát triển du lịch thông minh, đồng thời đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]