(vhds.baothanhhoa.vn) - Cẩm Tú - vùng đất bán sơn địa “non xanh nước biếc” của huyện Cẩm Thủy là một thung lũng rộng lớn, có sông núi bao quanh, đẹp tựa như một bức tranh. Vùng đất cổ Cẩm Tú còn là địa bàn cư trú lâu đời của người Mường với những nét đẹp văn hóa được trao truyền, lưu giữ.

Trên đất Cẩm Tú

Cẩm Tú - vùng đất bán sơn địa “non xanh nước biếc” của huyện Cẩm Thủy là một thung lũng rộng lớn, có sông núi bao quanh, đẹp tựa như một bức tranh. Vùng đất cổ Cẩm Tú còn là địa bàn cư trú lâu đời của người Mường với những nét đẹp văn hóa được trao truyền, lưu giữ.

Trên đất Cẩm TúSông Mã chảy qua địa bàn làng Cùng và làng Ngốc (nay là thôn Liên Sơn), xã Cẩm Tú.

Từ TP Thanh Hóa theo Quốc lộ 1A ra phía Bắc, đến Hà Trung rẽ vào Quốc lộ 217 qua Vĩnh Lộc, lên Cẩm Thủy - Cẩm Tú cách thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) chỉ vài cây số. Những dãy núi cao hùng vĩ nơi miền Tây xứ Thanh là thế, khi về đến Cẩm Thủy đã thấp dần, tạo nên một dải núi đồi lượn sóng. Dòng sông Mã cuộn chảy, khi về đến Cẩm Tú “chợt” như mở rộng, tạo nên những bãi bồi phì nhiêu, tốt tươi. Người Cẩm Tú đã nương theo đó để xây dựng, phát triển nên xóm làng trù mật, cuộc sống no đủ.

Sông núi bao quanh đã “kiến tạo nên Cẩm Tú trở thành một thung lũng rộng lớn. Đặc biệt, thung lũng này đã được bao bọc bởi dãy núi đá vôi, núi đất và các đồi lượn sóng. Đó là núi Vực, núi Cồ Đang, núi Đều chạy dọc đến Thung Ma, Cồ Bương, đồi Đổng kéo dài từ phía Bắc xuống phía Đông xã. Sự bao bọc của núi đồi như một bức tường thành thiên nhiên chở che cho mảnh đất Cẩm Tú... Xưa kia, rừng ở Cẩm Tú cũng như ở Cẩm Thủy bạt ngàn với nhiều loại lâm sản quý như lát, lim, dẻ, táu...” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Tú). Cùng với rừng núi thì dòng sông Mã chảy qua địa phận Cẩm Tú không chỉ bồi đắp phù sa mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của vùng đất cổ. Đặc biệt, khi giao thông đường thủy còn giữ vai trò trọng yếu, Cẩm Tú như “cửa ngõ” nối liền miền xuôi với miền ngược, từ đó để thuyền bè tỏa đi muôn phương.

Tại Cẩm Tú, nhiều năm trước, các nhà khảo cổ tìm thấy những dấu tích, di vật của người Việt cổ cách ngày nay hàng vạn năm (di tích khảo cổ hang Trống)... Đến thế kỷ XV, sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thành công, vương triều Hậu Lê ra đời. Những xóm làng trên đất Cẩm Tú dần được tạo lập. Việc lập xóm, dựng làng ở Cẩm Tú diễn ra mạnh mẽ ở thời kỳ này. Đó là làng Trại, sau gọi là làng Ngốc (thôn Liên Sơn nay) được dòng họ Trương tạo dựng năm 1442 đời Lê Thái tông... Đến đầu thời Nguyễn trên vùng đất Cẩm Tú dân cư đã đông đúc... chủ yếu là người Mường gốc ở Hòa Bình. Thời kỳ này Cẩm Tú thuộc Mường Voong (có tài liệu viết Mường Vong - pv), sách Mông Sơn.

Trên đất Cẩm TúĐền Cùng trên đất Cẩm Tú thờ Thượng Ngàn Đào Nguyên công chúa.

Trong số những xóm làng ở Cẩm Tú, làng Ngốc và làng Cùng (nay là thôn Liên Sơn) được biết đến là hai làng có lịch sử lập dựng sớm nhất ở Cẩm Tú và đây cũng là hai làng cổ nằm bên bờ sông Mã, nơi có đại đa số là đồng bào Mường sinh sống. Đi qua thời gian, cùng với nỗ lực “khai sơn phá thạch”, xây dựng cuộc sống, người Cẩm Tú nói chung, người làng Liên Sơn nói riêng đã cùng nhau vun đắp, tạo nên những giá trị văn hóa lâu đời. Trong đó, đặc sắc hơn cả là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của người Mường cổ, gắn liền với những di tích, lễ hội.

Theo chân người dẫn đường, tôi ghé thăm đền Cùng dựa lưng vào núi Liên Sơn, “ngoảnh nhìn” xống dòng sông Mã. Sau khi thắp nén tâm hương lên vị Thánh được người dân trong vùng bao đời tôn kính, ông Trương Văn Trọng, người trông coi Di tích lịch sử văn hóa đền Cùng, tự hào kể: “Đền Cùng thờ vị Thánh Mẫu vẫn thường được người dân gọi là Thượng Ngàn Đào Nguyên công chúa. Tương truyền từ xa xưa, vào một ngày trên ngọn núi cao nhất thuộc dãy núi Liên Sơn (làng Liên Sơn ngày nay) người dân trong làng bỗng phát hiện thấy có đám mây hình ngũ sắc tuyệt đẹp, suốt 3 ngày không “tan”. Trông thấy vậy, người trong thôn đều cho là sự lạ. Đêm xuống, hai cụ già làng trong thôn lại mộng thấy hai vị tiên nhân dung mạo đẹp đẽ, xưng là Thượng Ngàn Đào Nguyên công chúa Lê Mai đại vương và Sơn tiên đại vương Ngô Liên dạo bước nhân gian, thấy cảnh sắc nơi đây tươi đẹp, núi non tĩnh lặng, sông xanh chảy quanh nên dừng chân ở lại... Sau khi tỉnh giấc, hai bậc cao niên mang giấc mộng lạ kể với dân làng. Cho rằng đó là điềm báo có tiên thánh giáng ngự, người dân trong vùng đã cùng nhau đóng góp để dựng đền thờ cúng... Trong đó, đền Cùng dưới chân núi Liên Sơn thờ Thượng Ngàn Đào Nguyên công chúa Lê Mai đại vương. Tên làng được đặt cho ngôi đền thiêng”.

Người dân địa phương luôn tin, vị Thánh Mẫu được thờ ở đền Cùng có công bảo trợ cho cuộc sống của dân làng ấm no “nhân khang vật thịnh” - ngài được coi như vị phúc thần của làng. Vì thế, với người làng Liên Sơn nói riêng, người dân Mường Voong nói chung, đền Cùng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh.

Đền Cùng khi xưa có quy mô to lớn, bề thế. Đáng tiếc, chiến tranh khiến ngôi đền thiêng bên dòng sông Mã bị phá hủy. Nhiều năm trước, trên nền móng cũ dân làng đã lập nên ngôi đền quy mô nhỏ hơn để thờ Thánh Mẫu. Hằng năm, vào ngày 20 tháng giêng, người dân trong vùng lại theo nhau về đền Cùng tham gia lễ hội truyền thống, gửi gắm những mong cầu tốt đẹp. Trong lễ hội đền Cùng, bên cạnh những nghi thức tế thần linh thành kính, người dân Mường Voong lại hòa mình vào không gian của tiếng cồng chiêng, với những trò chơi, trò diễn dân gian đậm nét văn hóa Mường.

Cùng với đền Cùng, trên đất Cẩm Tú trước đây còn có đình làng Ngốc, chùa Mổng (Mộng Sơn tự), chùa Cùng... tạo nên một không gian văn hóa - tín ngưỡng phong phú và giàu giá trị của đất và người Cẩm Tú.

Trên đất Cẩm TúCẩm Tú có người Mường đến sinh sống từ rất sớm. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường tại đây đang được giữ gìn.

Chia sẻ về những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường nơi đây, nhà nghiên cứu văn hóa Cao Sơn Hải - một người Mường của quê hương Cẩm Tú, tự hào: “Cùng với người Mường xứ Thanh, người Mường Cẩm Tú đã đóng góp vào kho tàng văn hóa cổ xưa của người Mường với sử thi “Đẻ đất đẻ nước”; dân ca Xường; lễ tục Pồn Pôông; Sắc bùa... Bên cạnh đó, những truyền thuyết, chuyện kể, tín ngưỡng văn hóa lưu truyền trên đất Cẩm Tú đã làm “dày” thêm vẻ đẹp văn hóa của vùng đất cổ”.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, cho biết: “Cẩm Tú là vùng đất cổ có con người đến cư ngụ, lập làng từ rất sớm, từ đó tạo nên bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất cổ. Hiện nay, ở Cẩm Tú người Mường chiếm 52%. Việc bảo tồn, gìn giữ, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống như di tích, lễ hội, lễ tục trên địa bàn xã Cẩm Tú những năm qua đã và đang được quan tâm, phát huy hiệu quả...".

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Tú và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]