(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm hôn, vò đầu nhìn ngắm của bà Trịnh Thị Hẩy (82 tuổi) với người con trai cả Nguyễn Văn Kế trở về sau hơn 30 năm công nhận liệt sỹ ai cũng nghẹn ngào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trở về sau hơn 30 năm là... liệt sỹ

(VH&ĐS) Chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm hôn, vò đầu nhìn ngắm của bà Trịnh Thị Hẩy (82 tuổi) với người con trai cả Nguyễn Văn Kế trở về sau hơn 30 năm công nhận liệt sỹ ai cũng nghẹn ngào.

Trong căn nhà cấp 4 ở thôn Tân Đa, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, vốn lâu nay vắng bóng người của bà Trịnh Thị Hẩy bỗng đông vui hơn. Ngồi đối diện tôi, bà Hẩy như còn chưa dám tin vào sự trở về thần kỳ của anh con cả mà nấc nghẹn: “Ở cái tuổi gần đất xa trời, lâu nay chỉ có một mình còm cõi không dám nghĩ cuộc đời mình còn nở được nụ cười! Chỉ tiếc cho ông ấy (chồng bà Hẩy - pv) vì thương nhớ con mà mất sớm không đợi được ngày vui!”…

Ông Kế đã đi đâu và làm gì trong suốt ngần ấy năm không một tin tức? Không vội trả lời, ông Kế châm điếu thuốc, rít một hơi dài mới kể: “Câu chuyện của mấy chục năm qua thực một sáng, một chiều không thể kể hết!... Tháng 4/1978, tôi nhập ngũ tại đơn vị F442 Quân khu 4 đóng trên địa bàn huyện Nông Cống, sau 3 tháng huấn luyện thì chuyển đến đơn vị D8E3F330 thuộc quân khu 9, đóng quân và chiến đấu tại biên giới Tây Nam, sau đó đơn vị chuyển sang Campuchia. Vào khoảng năm 1979 đang trong thời gian chiến đấu, do chịu sức ép của đạn pháo nên được chuyển điều trị tại bệnh xá của Sư đoàn 330. Bước ngoặt oái om cuộc đời bắt đầu sau thời gian điều trị trở về nhưng đơn vị đã chuyển đi nơi khác!... và rồi tôi thất lạc từ đó”.

Ông Nguyễn Văn Kế trở về trong niềm vui của gia đình, xóm giềng.

Là người lính nhưng lại không được cầm súng chiến đấu, lay lắt đói khát, ông được người dân bản địa dẫn vào rừng làm kinh tế. Không biết tiếng cũng như phong tục tập quán, ông Kế được giao làm bảo vệ, canh gác đồi rừng. Được khoảng hơn 4 năm, ông quyết định tìm đường trở về quê hương. Khổ nỗi, ông không biết đường, cũng chẳng biết tiếng. Ông cứ đi, một ngày, hai ngày, đi mãi rồi cuối cùng ông cũng ra đến bờ biển, vào khu dân cư đất bạn. Đói khát, ông lay lắt tìm kiếm một công việc có cái ăn, duy trì cuộc sống.

Ông Kế nói: “Phải mất một thời gian dài tôi mới biết mình đang sinh sống trên đất Thái Lan chứ không còn bên Campuchia nữa! Vì không biết tiếng, lại bị bệnh tật hành hạ nên không xin được một công việc nào cụ thể, nên tôi đi lượm nhặt ve chai. Lượm nhặt được bao nhiêu thì đưa cho người dân rồi họ cho tiền, cho cái ăn, cho chỗ ở”.

Cứ thế tới một ngày tháng 9/2017 ông gặp được vị cứu tinh - một thương nhân buôn bán người Việt trên đất Thái. Ông vỡ òa hạnh phúc khi câu chuyện cuộc đời mình được vị thương nhân Trần Văn Sáu kia chia sẻ và tình nguyện tìm cách đưa ông trở về đất Việt.

“Ông thương nhân ấy tốt lắm! Cho điện thoại, mua sim rồi lên mạng tìm kiếm thông tin, liên lạc báo về địa phương!... Sau khi lên mạng, chỉ mấy giờ đồng hồ đã có cán bộ xã điện vào số máy xác minh. Họ bảo tôi là liệt sỹ, tôi hơi giật mình nhưng rồi nghĩ lại cũng đúng. Mấy chục năm không một tin tức nếu là tôi thì tôi cũng nghĩ… đã chết!” - ông Kế cười bảo.

5 giờ ngày 1/10 ông Kế về tới nhà. Vui nhất vẫn là bà Hẩy, bà chạy bổ ra ôm cổ ghì đầu mà vò, mà đánh trách đứa con cả sau ngần ấy năm mới về. Rồi hàng xóm, chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên, trao quà! Thế nhưng, sau niềm vui lại là nỗi buồn, sự day dứt của ông Kế khi biết hoàn cảnh éo le của gia đình mắc phải.

Ông bảo, là anh cả trong gia đình có tới 7 anh em nhưng các em đều có hoàn cảnh khó khăn, người thì bỏ xứ vào Nam làm ăn, người thì thần kinh không ổn định. Đau xót hơn, vì thương con mà bố khóc cạn nước mắt rồi mất. Đứa em gái xinh xắn Nguyễn Thị Vân mới học lớp 8 thì bị mất tích đến nay vẫn chưa tìm được… Ngần ấy năm, ông trở về khi căn nhà chỉ còn mỗi mẹ già chờ ngóng. “Bà có tuổi, không đủ sức làm ruộng, sống bằng đồng lương liệt sỹ của tôi. Giờ tôi về thì chế độ chính sách không còn, bản thân bệnh tật không biết rồi sẽ làm gì nuôi mẹ” - Ông Kế buồn rầu.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp liệt sỹ Nguyễn Văn Kế trở về sau hơn 30 năm báo tử, ông Lê Bá Sáu - Chủ tịch UBND xã Quảng Tân cho biết: Sau khi biết tin ông Kế trở về, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể xã, thôn đến thăm hỏi chúc mừng và trao quà. Tuy nhiên trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Kế, chính quyền địa phương cũng đã gửi văn bản thông báo lên huyện. Cũng mong sau khi xác minh thông tin, trường hợp ông Kế có ốm đau bệnh tật sẽ được Nhà nước, các cơ quan chức năng xem xét chế độ.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]