(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng triệu người con lên đường ra trận, họ không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, nhiều Anh hùng liệt sĩ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Bằng tấm lòng tri ân thành kính, những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực trong công tác tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ, đưa các anh, các chị trở về với “đất mẹ” anh hùng.

Trở về với “đất mẹ”

Trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng triệu người con lên đường ra trận, họ không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, nhiều Anh hùng liệt sĩ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Bằng tấm lòng tri ân thành kính, những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực trong công tác tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ, đưa các anh, các chị trở về với “đất mẹ” anh hùng.

Trở về với “đất mẹ”Huyện Quan Sơn tổ chức Lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào trở về Tổ quốc.

Tuổi thanh xuân không tiếc máu xương...

Quê mẹ chồng tôi ở thôn Tiền Thôn, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương. Ông bà sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 2 bác trai lên đường ra trận chiến đấu ở các chiến trường Quảng Trị, chiến trường miền Nam. Bác hai Viên Đình Uyển may mắn trở về, còn bác cả Viên Đình Tuyển (sinh năm 1940) đã hy sinh tại mặt trận Lao Bảo (Quảng Trị) năm 1972, khi tròn 32 tuổi. Mãi cho đến những năm 1986–1987, sau hành trình tìm kiếm, nhờ sự giúp đỡ của những đồng đội của bác, gia đình mới xác định được danh tính và đưa phần mộ bác về với quê hương. Hiện nay, bác đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Xương. Vào dịp 27/7, các anh chị em tôi lại trở về quê nhà Tiền Thôn để thắp hương cho gia tiên, cho bác và đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Xương dâng hương lên phần mộ bác cũng như các liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây.

Vào dịp 27/7, cựu chiến binh Phạm Quang Thư (quê ở huyện Thọ Xuân, hiện đang sinh sống tại TP Thanh Hóa), nguyên Trưởng Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thanh Hóa lại đến Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng thắp nén hương thơm lên phần mộ các Anh hùng liệt sĩ. Từng là người lính chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, may mắn trở về quê hương, cựu chiến binh Phạm Quang Thư luôn nhớ đến sự hy sinh của những người đồng chí, đồng đội. Từ những năm 1985, ông là trợ lý chính sách, đội phó đội quy tập mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở tỉnh Hủa Phăn (Lào). Những năm 1990-2001, ông là Trưởng Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian 11 năm, ông trực tiếp đi cùng đội quy tập mộ liệt sĩ quân tình nguyện hy sinh ở tỉnh Hủa Phăn (Lào) và các huyện: Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn),... để tìm kiếm thông tin, cất bốc mộ liệt sĩ. Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng hiện là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 phần mộ liệt sĩ trên mọi miền đất nước, cựu chiến binh Phạm Quang Thư xúc động với sự đóng góp nhỏ bé của mình để các Anh hùng liệt sĩ được trở về quê hương yên nghỉ. Và ông cũng trăn trở khi nhiều gia đình vẫn còn đau đáu chưa tìm được người thân. Ông chia sẻ: “...Tôi đã gặp bao nhiêu gia đình đến nghĩa trang tìm tên liệt sĩ là người thân của mình nhưng đều không thấy. Nỗi đau chiến tranh là như thế, người mất, người còn, liệt sĩ người có tên, người chưa xác định được tên, nhưng tên các anh, các chị trở thành tên chung của đất nước. Tổ quốc ngàn đời luôn ghi nhớ đến sự hy sinh của các liệt sĩ để hôm nay đất nước được nở hoa độc lập, tự do. Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm (Bá Thước) và còn bao nghĩa trang liệt sĩ ở các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Thanh Hóa đã có hàng chục ngàn phần mộ các liệt sĩ là con em cả nước. Họ trở nên bất tử”. Mới đây, cựu chiến binh Phạm Quang Thư đã cho ra đời cuốn sách “Những ký ức còn lại” (NXB Thanh Hóa, 2024), trong đó ông đã ghi lại những ký ức về người lính, tình đồng chí, đồng đội và sự hy sinh, anh dũng của những người lính trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tình hữu nghị hai nước Việt Nam – Lào; về tình yêu quê hương, đất nước trong thời chiến đến thời bình, xây dựng quê hương Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới, phát triển. Khi được cầm cuốn sách trên tay, thế hệ trẻ chúng tôi xúc động, tự hào, trân trọng, biết ơn sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cũng như những người anh hùng, những người lính đã sống, chiến đấu và may mắn trở về, tiếp tục xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước trên con đường đổi mới.

Tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên nước bạn Lào

Hàng năm, vào dịp mùa khô, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) trầm mặc, nghiêng mình chào đón đoàn công tác đặc biệt đưa các Anh hùng liệt sĩ, chuyên gia, quân tình nguyện hy sinh ở nước bạn Lào trở về với đất mẹ. Các lực lượng chức năng, các tầng lớp Nhân dân xã Na Mèo, huyện Quan Sơn xếp hàng, tay cầm lá cờ đỏ sao vàng vẫy chào xúc động đón các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào trở về quê hương. Sau nghi thức đón nhận tại cửa khẩu, đoàn công tác tiếp tục đưa các anh về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm (Bá Thước) để làm lễ truy điệu, an táng.

Những năm qua, công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt chiến sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ kháng chiến được hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn phối hợp thực hiện hiệu quả, nghĩa tình. Trong chuyến công tác trên mảnh đất Sầm Nưa (Hủa Phăn, Lào), chúng tôi có dịp gặp gỡ cựu chiến binh - Trung tá Bun Phon Nhoong Sổm Pheng (sinh năm 1949), nguyên Phó Chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn. Trong câu chuyện của ông là những người đồng đội, là những người con quê hương Thanh Hóa dũng cảm, chân tình, đã sống, chiến đấu cho quê hương nước bạn Lào. Chúng tôi còn gặp cán bộ trẻ như anh Xiêng Phay Văn Xay Văng Mương, công tác ở Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn, anh từng được cử tham gia công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Vinh dự khi chúng tôi còn được gặp gỡ, trò chuyện cùng Đại tá Phăn Sỉ Xón Mi Xay, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn. Ông bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc trước sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của quân và dân Thanh Hóa, quân và dân Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào. Hòa bình lập lại, lực lượng hai bên tiếp tục nỗ lực, phối hợp trong công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên mảnh đất Hủa Phăn, đưa các anh về an nghỉ tại quê hương.

Trong 5 năm (2016-2020), tỉnh Thanh Hóa đã quy tập được 103 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Từ mùa khô năm 2021 đến 2024, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ban công tác đặc biệt tỉnh Hủa Phăn đã tìm kiếm, cất bốc và quy tập 47 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trở về quê hương. Trước khi bàn giao cho tỉnh Thanh Hóa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hủa Phăn đã tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và tiến hành lễ tiễn biệt với nghi thức trang trọng để tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc các liệt sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Nghi lễ được tổ chức tại Nhà làm lễ cầu siêu liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở thị xã Sầm Nưa - một công trình do tỉnh Thanh Hóa tài trợ.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 741 công trình ghi công liệt sĩ, gồm 31 nghĩa trang liệt sĩ (trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh), với tổng số 10.912 mộ liệt sĩ; 253 đài tưởng niệm liệt sĩ, 368 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 89 tượng đài liệt sĩ. Vào các dịp lễ tết, nhất là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, các cấp, các ngành, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể đã có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức cho học sinh, đoàn viên, thanh niên vệ sinh, chỉnh trang nghĩa trang, các phần mộ liệt sĩ, dâng hương nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân... góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho nơi yên nghỉ các Anh hùng liệt sĩ, đồng thời góp phần giáo dục đạo lý, truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa cho thế hệ trẻ.

Trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, giai đoạn 2021-2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tìm kiếm, quy tập, bàn giao và an táng 25 hài cốt liệt sĩ trong nước và 47 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm (Bá Thước). Sở LĐTB&XH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là các cơ quan quân đội xác định được thông tin bằng phương pháp thực chứng đối với 241 trường hợp liệt sĩ; cấp giấy báo tin mộ cho 58 gia đình liệt sĩ là người tỉnh ngoài và trong tỉnh; cấp giấy giới thiệu cho 425 gia đình liệt sĩ di chuyển hài cốt liệt sĩ an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài tỉnh về an táng tại quê nhà theo nguyện vọng của gia đình liệt sĩ.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]