Từ “ẩm thấp” đến “ẩm ương”
Khi nghe đến hai từ “ẩm thấp” và “ẩm ương”, hầu như ai cũng nghĩ rằng đây là hai từ “thuần Việt”, được cấu tạo nên bởi các yếu tố Nôm. Tuy nhiên, cả “ẩm thấp” và “ẩm ương” đều là hai từ Việt gốc Hán, hoặc có chứa yếu tố gốc Hán.
1- Ẩm thấp
Không thấy Từ điển Hoàng Phê (bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt - Trung tâm từ điển học Vietlex) ghi chú chữ Hán cho mục từ ẩm thấp. Đây là từ ghép đẳng lập gốc Hán, trong đó, ẩm là biến âm của âm 陰 nghĩa là ẩm thấp; còn thấp 濕 cũng có nghĩa là ướt, ẩm ướt. Từ ẩm ướt, chính là Việt hóa ở mức cao hơn của ẩm thấp 陰濕, trong đó, thành tố ướt được thay cho thấp.
Hán ngữ đại từ điển giảng chữ “âm/ẩm” (nghĩa thứ 15) là “ẩm thấp; thấm nhuần”. [nguyên văn: âm thấp; nhuận trạch-陰濕; 潤澤]; và giảng chữ chữ “thấp”, là “ẩm ướt, trái nghĩa với khô”. [nguyên văn: triều thấp, dữ “càn” tương đối-潮濕. 與“乾”相對].
Từ “ẩm thấp” trong tiếng Việt chính là “âm thấp” 陰濕 trong tiếng Hán, mà hiện Hán ngữ hiện đại vẫn dùng, và được Hán ngữ đại từ điển giảng là “tối tăm ẩm ướt” [nguyên văn: âm ám triều thấp-陰暗潮濕].
2- Ẩm ương
Từ “ẩm ương” được Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập và giải nghĩa là: “Dở dở ương ương, chẳng ra làm sao cả”, và lấy ví dụ “Chuyện ẩm ương. Tính khí ẩm ương”.
Thực ra “ẩm ương” là từ ghép đẳng lập, trong đó “ẩm” là biến âm của âm 陰, gốc Hán có nghĩa là ẩm thấp, ướt át, tình trạng không khô, nhưng cũng không ướt hẳn (chính là ẩm trong “ẩm ướt”; và “ẩm” trong ẩm thấp 陰濕; ví dụ: Chiếc áo phơi không được nắng nên hãy còn ẩm). Ương, có nghĩa là chỉ trạng thái không xanh, nhưng cũng chưa chín hẳn (như ổi ương; cam ương).
Phương ngữ Thanh Hóa có thành ngữ “Ương như ổi”, chỉ người có tính ương bướng. Đây là một kiểu chơi chữ: ương-怏 gốc Hán nghĩa là miễn cưỡng, tấm tức [nguyên văn: miễn cưỡng; cương cầu - 勉強; 強求]; bướng bỉnh, cứng đầu; đây chính là chữ “ương” trong ư ơng ngạnh-怏硬 (Hán Việt Việt tạo); với ương央 (Nôm) trong quả ổi ương, chỉ quả hãy còn cứng, chưa chín hẳn, ví dụ: Thằng ấy tính nó ương như ổi.
Rõ ràng, ở đây có sự chơi chữ: ương trong ương bướng, ương ngạnh được đồng nhất với ương chỉ hoa quả chưa chín hẳn. Trong từ ương gàn, thì ương cũng có nghĩa là bướng bỉnh; còn gàn là gàn dở.
Như vậy, khi hợp nghĩa, ẩm ương hiểu theo nghĩa bóng, chỉ tính khí của người “Dở dở ương ương, chẳng ra làm sao cả”; hoặc rộng hơn, chỉ đặc điểm thời tiết ẩm ương, mưa không ra mưa, nắng không ra nắng, chợt mưa rồi lại chợt nắng.
Như vậy, cả “ẩm thấp” và “ẩm ương” đều là những từ có yếu tố gốc Hán, trong đó, “ẩm ương” là từ ghép đẳng lập, không phải là từ láy.
Mẫn Nông (CTV)
- 2024-11-16 13:37:00
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
- 2024-11-16 13:33:00
Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc Việt Nam
- 2024-11-15 15:48:00
Xót xa di tích cách mạng đình làng Long Linh Ngoại
Trung Quốc khai quật hơn 90.000 hiện vật thời đồ đá cách đây hơn 5.000 năm
500 nghệ sĩ quy tụ tại chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Cùng nhau giữ nước”
“Vùng đất màu mỡ” cho điện ảnh Việt Nam
Lần đầu tiên một tiểu thuyết về không gian giành giải Booker 2024
Hoa hậu Thanh Thủy đăng quang Miss International 2024
“Tứ tung ngũ hoành” hay “tứ tung ngũ hành”?
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Cuộc đời vẫn đẹp sao”
Những thành tích đầu tiên của Nam vương Tuấn Ngọc tại Mr World 2024
Mỗi thanh niên là một sứ giả văn hóa