(vhds.baothanhhoa.vn) - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), nhất là người dân vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiCác em học sinh Trường PTDT nội trú THCS Như Thanh tham gia hội thi tìm hiểu pháp luật năm 2023.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình 1719), UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 5/5/2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 năm 2023. Thời gian qua, các cấp, các ngành, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh, vùng đồng bào DTTS&MN đã triển khai thực hiện Chương trình 1719 với nhiều nội dung, dự án thành phần. Trong đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động đồng bào DTTS là nội dung trọng tâm được triển khai sâu rộng tới đồng bào DTTS&MN, nhất là người dân tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 106/KH-UBND, triển khai nội dung, tiểu dự án thuộc Dự án 10 (Chương trình 1719) về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch 861/KH-BDT ngày 1/8/2023 thực hiện nội dung số 01 và nội dung số 02, thuộc Tiểu dự án 01, Dự án 10 Chương trình 1719, năm 2023. Đối với nội dung số 02 (PBGDPL và tuyên truyền, vận động cho đồng bào DTTS), Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Công an tỉnh tổ chức 6 hội nghị tại các huyện: Lang Chánh, Quan Sơn, Thạch Thành, Ngọc Lặc cho đối tượng là cán bộ thôn, bản và người dân các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nội dung hội nghị tập trung tuyên truyền nội dung một số văn bản luật như Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2025... Các hội nghị đã thu hút hơn 1.000 người tham dự. Đây là những cá nhân tiêu biểu đại diện cho các thôn, bản, người dân thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua tổ chức hội nghị góp phần giúp mỗi cán bộ thôn, bản, người dân nâng cao hiểu biết, củng cố thêm các kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc thực hiện các chính sách dân tộc. Qua đó, tạo động lực cho mỗi người dân vươn lên trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng bản, làng ấm no, đổi mới.

Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với UBND huyện Như Thanh, Thạch Thành tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh Trường PTDT nội trú THCS Như Thanh, Thạch Thành. Dưới hình thức sân khấu hóa, các em học sinh, các đội thi đã được tìm hiểu về một số nội dung thiết thực phù hợp đối với học sinh như: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng chống ma túy; Luật Phòng chống mua bán người; an toàn giao thông; phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an ninh mạng...

Việc tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực, lý thú cho các em học sinh. Đây là dịp để các em được giao lưu, củng cố, cập nhật, trang bị thêm kiến thức pháp luật nói chung và các luật có liên quan trực tiếp đến lứa tuổi các em. Các hội thi được tổ chức thành công đã góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào DTTS ở trường học; thúc đẩy giao lưu học hỏi, tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết của các em học sinh. Qua hội thi các em truyền tải kiến thức đến những người thân xung quanh khu dân cư các em sinh sống góp phần vào công cuộc xây dựng văn hóa ở khu dân cư. Hội thi tìm hiểu pháp luật cho các em học sinh đã góp phần nâng cao và củng cố kiến thức pháp luật cho các em học sinh, vốn đang ở độ tuổi nhạy cảm với các vấn đề xã hội. Những kiến thức này sẽ là hành trang bảo vệ các em trên hành trình trưởng thành và phát triển bản thân trong cuộc sống học đường cũng như đối mặt với các cạm bẫy, cám dỗ khi ra ngoài xã hội.

Những tấm gương tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động

Hiện nay, vùng đồng bào DTTS&MN đã và đang triển khai công tác tuyên truyền về các chương trình của tỉnh, các chương trình MTQG, các chính sách dân tộc, trong đó trọng tâm là Chương trình 1719. Thông qua việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, PBGDPL, các phương tiện thông tin đại chúng, qua phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín... đã góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi người dân, cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy nỗ lực vươn lên xóa nghèo, làm giàu của mỗi cá nhân, phát triển KT-XH ở mỗi địa phương.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiCác đồng chí lãnh đạo huyện Quan Sơn khen thưởng cho các cá nhân tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023.

Đó là những tấm gương tiêu biểu, điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động như: Ông Lương Văn Mơ, già làng bản Cang, xã Mường Chanh (Mường Lát); ông Trương Ngọc Quản, thôn Cò Con, xã Hạ Trung (Bá Thước); ông Vi Đình Thoan, bản Bôn, xã Yên Khương (Lang Chánh); ông Triệu Văn Mạnh, trưởng dòng họ Triệu, làng Phùng Sơn, xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc). Nhiều tấm gương của đồng bào DTTS&MN đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương, XDNTM. Tiêu biểu như bà Lò Thị Thanh, dân tộc Thái, thôn Thành Lãm, xã Tân Thành (Thường Xuân), là chủ hộ sản xuất, kinh doanh, đi đầu trong phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi, cho thu nhập hàng năm gần 200 triệu đồng, tạo việc làm, thu nhập cho 6 lao động. Gia đình bà cũng đã hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh... Ông Vi Hắc Hải, dân tộc Thái, người có uy tín xã Xuân Thắng (Thường Xuân) gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế hộ, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chỉnh trang nhà cửa, tự giải phóng hành lang, hiến đất làm đường, nhờ đó có hộ đã hiến 500m2 đất ao vườn. Ông Hải cũng vận động người dân địa phương và các nhà trường trên địa bàn xã mở rộng diện tích đất đảm bảo tiêu chuẩn, xây dựng cơ sở vật chất, khuôn viên cây xanh, khu vui chơi cho học sinh. Ở huyện vùng cao Quan Sơn có ông Hà Văn Tý, bản Piềng Khóe, xã Tam Lư; ông Lữ Trọng Đạm, bản Ngàm, xã Trung Thượng... là những cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo. Họ đều là những người có uy tín của bản, với tinh thần cần cù, giàu kinh nghiệm là tấm gương sáng, vận động cộng đồng tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Còn nhớ, tại hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN huyện Quan Sơn năm 2023, Bí thư Huyện ủy Lương Thị Hạnh nhấn mạnh: Quan Sơn là huyện vùng biên có đông đồng bào các DTTS sinh sống, thời gian qua công tác dân tộc và các chính sách dân tộc luôn được huyện quan tâm triển khai đồng bộ. Các Chương trình 135, 30a, Chương trình MTQG, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS... được các cấp, ngành triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, qua đó góp phần thay đổi diện mạo vùng DTTS&MN. Đến nay, huyện đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 94/94 bản, khu phố có điện lưới quốc gia. Toàn huyện có 2/11 xã đạt chuẩn NTM, trong đó Tam Lư là xã biên giới đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM. Nhờ có kết quả tích cực về kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, an ninh biên giới được giữ vững, khối đại đoàn kết được tăng cường... Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, các tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS&MN.

Có thể khẳng định, từ công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện dưới nhiều hình thức đã và đang góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS&MN. Tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình MTQG: Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTTS&MN; giảm nghèo bền vững; XDNTM; các cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN. Vì vậy, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được quan tâm. Trong đó tập trung tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, mô hình mới tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Qua đó động viên, khích lệ đồng bào tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh vùng DTTS&MN.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]