Vẫn còn khó khăn khi thực hiện hướng dẫn mới về môn tích hợp
Ngày 10/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Công văn số 5636 hướng dẫn về xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở bậc THCS. Bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn khó khăn khi thực hiện công văn này.
Thầy giáo Lê Văn Duy, giáo viên dạy phân môn Vật lí, Trường THCS Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn): Khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: việc phân công dạy; việc sắp xếp thời khóa biểu (thời khóa biểu phải điều chỉnh liên tục); việc thực hiện kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ (ra đề, chấm bài, vào điểm...) Theo hướng dẫn của Công văn 5636, nội dung chương trình các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí được thực hiện song song, giải quyết được tình trạng nhiều giáo viên dạy một môn (khi chưa có giáo viên được đào tạo dạy môn tích hợp) bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên và bảo đảm chất lượng dạy học. Các chủ đề của môn học được Bộ GD&ĐT định hướng số tiết dạy phù hợp, thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch dạy học của giáo viên. Kế hoạch dạy học linh hoạt về thời gian, địa điểm thực hiện các mạch nội dung và các chủ đề của chương trình để xếp thời khóa biểu phù hợp. Nhà trường đang thực hiện đúng theo hướng dẫn của Công văn số 5636. Tuy nhiên, hiện tại vẫn phải sắp xếp nhiều giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên (do chưa có giáo viên đảm nhiệm cả 3 môn). Đối với môn Lịch sử và Địa lí, môn Khoa học tự nhiên theo hướng dẫn mới, các trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công (theo phân môn Lịch sử, phân môn Địa lí, phân môn Lí, phân môn Hóa, phân môn Sinh và các chủ đề liên môn). Cô giáo Trịnh Thị Hải, giáo viên dạy phân môn Hóa học, Trường THCS Cẩm Tú (Cẩm Thủy) Đối với Trường THCS Cẩm Tú, nơi tôi đang giảng dạy, đa phần giáo viên được phân công giảng dạy theo phân môn, nhưng vì thiếu giáo viên nên một số giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí của nhà trường còn băn khoăn: Giáo viên đơn môn được phân công dạy đa môn liệu có bảo đảm chất lượng hay không? Giáo viên có thể dạy học tích hợp đối với lớp 6, lớp 7, còn lớp 8, lớp 9 không phải thầy, cô nào cũng dạy được, vì kiến thức mang tính chuyên ngành, chuyên sâu, như vậy chất lượng liệu có bảo đảm. Việc ra đề thi định kỳ cho từng phân môn cũng gặp không ít khó khăn đối với giáo viên. Việc tổ chức ôn và thi học sinh giỏi cho các môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí cũng rất bất cập, một giáo viên không thể bảo ôn cho 1 học sinh cả 3 phân môn, hoặc 1 học sinh rất vất vả để thi cả 3 phân môn. Hiện tại trường tôi đang ôn theo từng phân môn, nếu như vậy là học sinh giỏi theo phân môn chứ không phải theo môn. Bản thân tôi được đào tạo cao đẳng sư phạm Hóa - Địa lí nhưng cũng không muốn dạy học tích hợp 2 môn vì không có thời gian nghiên cứu bài vở. Nếu dạy môn Khoa học tự nhiên thì bản thân cần phải tìm hiểu thêm môn Lí và Sinh. Nếu dạy Lịch sử - Địa lí phải tìm hiểu Lịch sử. Mặt khác bản thân lại không chuyên sâu các phân môn mình không được học dẫn đến chất lượng sẽ không cao. Tôi và nhiều giáo viên trong trường mong muốn, đối với môn Khoa học tự nhiên thì tách thành 3 môn độc lập Vật lí, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lí tách làm Lịch sử và môn Địa lí; môn Nghệ thuật tách thành Âm nhạc và Mĩ thuật; nội dung giáo dục địa phương nên lồng ghép vào các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật. Cô giáo Trịnh Thị Thanh, giáo viên dạy phân môn Địa lí, Trường THCS Định Tăng (Yên Định) Công văn số 5636 có sự “điều chỉnh” chủ yếu từ phương án bắt buộc dạy tuyến tính sang có thể dạy đồng thời, giáo viên phân môn nào dạy phân môn đó. Tuy nhiên, còn có nhiều bất cập. Vì 2 - 3 giáo viên dạy một môn học đều khó khăn trong vấn đề sắp xếp thời khóa biểu, kiểm tra đánh giá, nhận xét học sinh... Như vậy, sự “điều chỉnh” này vẫn còn gặp khó khăn. Vì khi quay lại 2 - 3 giáo viên phải dạy 1 môn học, phương án này trước đây đã triển khai ở năm học 2021-2022 nhưng không hiệu quả. Nếu 2 - 3 giáo viên dạy một môn học theo hình thức logic tuyến tính hay song song thì vẫn 2 - 3 giáo viên đánh giá 1 học sinh. Trong khi đó, mỗi học sinh có một năng lực khác nhau, như em có năng lực Vật lí, em khác có năng lực Hóa học nhưng khi dạy thì cả 3 giáo viên phải đánh giá học sinh là khiên cưỡng. Giáo viên và học sinh rất mong được điều chỉnh môn tích hợp một cách cụ thể hơn. Rất khó khăn khi 1 giáo viên dạy 2 - 3 phân môn hoặc 2 - 3 giáo viên dạy 1 môn học, như vậy rất phức tạp... |
Bài và ảnh: Vi An
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2023-12-03 09:33:00
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Tiếp tục hay dừng?
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Khó thực hiện chính sách ưu đãi
Thăm Làng học sinh Mường Lát
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Bình mới, rượu cũ?
Sự học ở Suối Tôn
Tinh thần khuyến học
Giáo dục trên đại ngàn vùng cao Mường Lát: Khát vọng “nở hoa”: Từ thực tế đến những quyết tâm
Thạch Thành nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Vượt gian khó theo đuổi ước mơ: Chuyện của những thầy, cô giáo người Mông đầu tiên
Khi cái khó vẫn “bó” con chữ