(vhds.baothanhhoa.vn) - Tương lai của nền kinh tế di động dường như là vô hạn. Đó là nhận định của tác giả Anindya Ghose trong cuốn “Chạm để mở nền kinh tế di động”.

Chạm để mở nền kinh tế di động

Tương lai của nền kinh tế di động dường như là vô hạn. Đó là nhận định của tác giả Anindya Ghose trong cuốn “Chạm để mở nền kinh tế di động”.

Chạm để mở nền kinh tế di động

Dựa trên nghiên cứu chuyên sâu của mình ở Mỹ, châu Á và châu Âu, chỉ ra nghịch lý trong hành vi của người tiêu dùng cũng như 9 động lực hành vi của người tiêu dùng, Ghose đã nhận định: Người tiêu dùng tạo ra kho dữ liệu bằng cách chạm vào chiếc điện thoại của mình còn các doanh nghiệp có thể khai thác kho dữ liệu này để làm chủ sức mạnh của nền kinh tế di động.

Sách gồm 14 chương được kết cấu gồm 3 phần. Phần đầu lý giải hành vi con người và hành trình của chiếc điện thoại di động cho đến ngày hôm nay. Phần thứ hai làm rõ những động lực hình thành nền kinh tế di động. Phần 3 mở ra các động lực công nghệ thế hệ tiếp theo.

Trong bối cảnh hệ sinh thái điện thoại di động đã đóng góp hơn 4% tổng GDP toàn cầu (số liệu năm 2015), lối sống trực tuyến thường trực ngày càng phổ biến khiến chúng ta gần như xem là điều hiển nhiên. Phải chăng việc bạn phụ thuộc vào chiếc điện thoại cả về mặt cảm xúc lẫn tinh thần là điều chúng ta lựa chọn? Lý do ra đời của cuốn sách chính là đi tìm câu trả lời làm thế nào và bằng cách nào mà màn hình trong suốt của chiếc điện thoại di động có tiềm năng trở thành quả cầu ma thuật trong kinh doanh? Và chính điều đó đã dẫn lối tác giả hơn 7 năm (từ 2009 đến năm 2016) đã tìm hiểu và nghiên cứu người tiêu dùng đang làm gì với chiếc điện thoại thông minh của họ và làm sao doanh nghiệp có thể tận dụng tri thức này để cải tiến sản phẩm và dịch vụ của họ.

Người tiêu dùng chạm vào chiếc điện thoại thông minh và vuốt, từ đó tạo ra kho dữ liệu. Doanh nghiệp có thể chạm và khai thác luồng dữ liệu này để tiên đoán các sở thích của chúng ta và lựa chọn các lời chào hàng phù hợp. Con đường hai chiều này đem lại cảm giác gần gũi, thân thuộc nhưng đầy ảo diệu.

Sau khi đọc cuốn sách, chúng ta sẽ hiểu được cách tâm lý vận hành đã hình thành nên hành vi sử dụng điện thoại di động của con người như thế nào. Những kiến thức trong cuốn sách sẽ trao quyền cho độc giả khai thác những cơ hội chưa từng có từ nền kinh tế di động đang chờ đợi phía trước, giải quyết các mâu thuẫn trong hành vi của người tiêu dùng, cùng lúc làm thỏa mãn họ. Cuối cùng, đây cũng là cuốn sách nói về hành vi con người. Nếu bạn muốn thấu hiểu sự giao thoa giữa tâm lý xã hội với kinh doanh và nền kinh tế di động, đây là quyển sách dành cho bạn. Nếu bạn là người được truyền cảm hứng bởi phát minh công nghệ mới nhất, mà đó chính là để giúp các doanh nghiệp bước vào thế giới những cơ hội, đây cũng là quyển sách dành cho bạn.

Ngay trong phần 1 của cuốn sách, tác giả đã chỉ ra 4 mâu thuẫn cơ bản giữa những gì chúng ta mong muốn và hành xử. Đó là, con người tìm kiếm sự ngẫu hứng nhưng lại rất dễ đoán và coi trọng sự chắc chắn; con người thấy quảng cáo rất phiền phức nhưng lại sợ bỏ lỡ; con người muốn có sự lựa chọn và tự do nhưng lại dễ bị choáng ngợp; con người bảo vệ sự riêng tư nhưng lại không ngừng sử dụng dữ liệu cá nhân như một thứ tiền tệ. Có đến 9 động lực xuất hiện khi phải quyết định cách cung cấp thông tin nhằm tác động hiệu quả đến quyết định của người tiêu dùng, cụ thể: bối cảnh, địa điểm, thời gian, sự nổi bật, đám đông, thời tiết, lịch sử chu trình mua sắm, tương tác xã hội và hỗn hợp công nghệ.

Phần 2 của cuốn sách đã lý giải thuyết phục: Sức mạnh của quảng cáo di động nằm ở sự kết hợp 9 động lực trên. Không nền tảng nào thích hợp để vốn hóa 9 động lực ấy bằng kênh di động. Điện thoại di động là một công cụ tuyệt vời cho tiếp thị, có khả năng tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng. Doanh nghiệp có thể biến chiếc điện thoại đi động vận hành như một người gác cổng, người quản gia mà không phải là một kẻ rình rập. Đó chắc chắn là điều mà tác giả Ghose đã nói trong chương 2.

Phần 3 là một sự hé mở về bức tranh tương lai mà tác giả đã vẽ ra dựa trên nghiên cứu của mình. Doanh nghiệp có thể tiên đoán chính xác hơn hành vi của người dùng. Kéo theo đó là những lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cả người dùng và doanh nghiệp. Điện thoại di động sẽ giúp xoa dịu rất nhiều mâu thuẫn. Trong cuộc sống có muôn vàn tình huống mở ra, cuộc sống của chúng ta đều có thể được cải thiện đáng kể nếu chúng ta thấu hiểu và khai thác được sức mạnh chưa khai phá của người gác cổng hay người quản gia trong túi của mình. Dù bạn hay đơn vị của bạn có nhận thức điều ấy hay chưa, thì tương lai ấy cũng đã thực sự bắt đầu.

Ở tương lai ấy, có một ngôi làng toàn cầu, con người kết nối với nhau nhanh hơn, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, con người cũng cần nỗ lực hơn. Người tiêu dùng cần tìm cách tốt hơn để cân bằng cuộc sống cá nhân và công nghệ di động. Họ sẽ phải giữ chiếc chìa khóa quyết định mình đóng hay mở sự riêng tư dữ liệu cá nhân. Còn các doanh nghiệp, sẽ cần phải lưu ý trách nhiệm và vai trò của mình. Trong thế giới chạm đầy tiềm năng ấy, nếu hai bên đều học được giá trị của việc tôn vinh sự cam kết và cùng nhau kiểm soát các thế lực để dẫn dắt nền kinh tế di động thì chắc chắn tấm toan sẽ được vẽ bằng mảng màu tươi sáng nhất. Nhất định là vậy, và tác giả cũng luôn mong như vậy.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]