(vhds.baothanhhoa.vn) - Ai từng đi du lịch Thái Lan và đến một vài khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng biển của họ, đều không khỏi cảm thán về cách người Thái biến tiềm năng tự nhiên trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Điển hình phải kể đến là Phuket, vùng biển đảo có diện tích gần tương đương với Phú Quốc của Việt Nam.

Chờ thêm “gió đông”...

Ai từng đi du lịch Thái Lan và đến một vài khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng biển của họ, đều không khỏi cảm thán về cách người Thái biến tiềm năng tự nhiên trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Điển hình phải kể đến là Phuket, vùng biển đảo có diện tích gần tương đương với Phú Quốc của Việt Nam.

Chờ thêm “gió đông”...

Biển Sầm Sơn thanh bình những ngày đầu hè.

Du khách đến với Phuket có thể khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và trải nghiệm đủ các loại hình dịch vụ từ ăn uống, vui chơi, mua sắm và nhất là tham gia nhiều chương trình giải trí được tổ chức cả ngày lẫn đêm. Không chỉ vậy, Phuket đã khai thác rất tốt hệ thống đền chùa để phát triển loại hình du lịch tâm linh đặc trưng của quốc gia này. Có người cho rằng, đến Phuket có thể đi 5 ngày vẫn chưa thấy đủ vì có quá nhiều thứ để ăn, chơi, khám phá và trải nghiệm. Chính vì vậy mà chỉ tính riêng năm 2019, Phuket đã đón khoảng 9 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bài học thành công của Phuket là khả năng khai thác rất tốt tiềm năng biển đảo và văn hóa sẵn có, để biến nó thành lợi thế thúc đẩy du lịch phát triển. Đồng thời, gia tăng giá trị từ chính những tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi đó.

Từ câu chuyện phát triển du lịch của Phuket, thử làm một phép so sánh. Rõ ràng là, Thanh Hóa có trữ lượng tài nguyên du lịch biển đảo rất dồi dào, phong phú, đa dạng. Song nguồn tài nguyên này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, thậm chí là đang để lãng phí. Chính vì vậy, mặc dù được xác định là sản phẩm mũi nhọn, song du lịch biển đảo Thanh Hóa vẫn đang có phần “lép vế” nếu đặt cạnh một số điểm du lịch trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc..., chứ chưa nói đến Phuket. Xét về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa khá phân tán, phát triển manh mún và chưa có sự liên kết chặt chẽ với các điểm đến khác để xây dựng các tour, tuyến du lịch hoàn chỉnh. Song, điểm yếu “cốt tử” của du lịch biển đảo Thanh Hóa là còn thiếu những khu nghỉ dưỡng cao cấp sản phẩm chất lượng cao và đa dạng các dịch vụ, nhằm thu hút du khách suốt 4 mùa trong năm. Bên cạnh đó, một hạn chế nữa của du lịch Thanh Hóa nói chung, đã và đang ảnh hưởng đến du lịch biển đảo là chất lượng nhân lực, phong cách phục vụ và văn hóa giao tiếp, ứng xử thân thiện, văn minh trong du lịch. Ngoài ra, Thanh Hóa được biết đến là vùng đất có kho tàng di sản văn hóa phong phú, giàu giá trị. Song, thế mạnh này cũng chưa được khai thác hiệu quả, nhằm kết nối với du lịch biển và gia tăng trải nghiệm cho du khách. Từ đó, thu hút và giữ chân họ lưu trú dài ngày và kích thích chi tiêu nhiều hơn.

Để du lịch biển đảo xứ Thanh có thể phát triển tương xứng với tiềm năng, thì trước hết phải khắc phục được những “điểm nghẽn” cố hữu kể trên. Đồng thời, lấy việc thu hút đầu tư là một khâu đột phá để nâng tầm sản phẩm du lịch. Qua đó, hình thành những tổ hợp du lịch bài bản, đẳng cấp hay những hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng, để du lịch không chỉ phát triển theo chiều rộng mà còn đi vào chiều sâu, gia tăng giá trị cho nguồn tài nguyên vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Vài năm trở lại đây, Thanh Hóa đã thu hút được nhiều dự án kinh doanh du lịch quy mô lớn, với nhiều cái tên nổi trội mà điển hình là FLC. Quần thể nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn được xây dựng như một “thiên đường nghỉ dưỡng 4 mùa”, với hệ tiện ích đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí quanh năm. Đó là hệ thống bể bơi nước mặn ngoài trời rộng 5.100m2 và 152 bể bơi trong nhà; trài nghiệm du lịch golf tại sân FLC Samson Golf Links 18 hố; tận hưởng các dịch vụ 5 sao từ chuỗi nhà hàng, spa, cafe sang trọng; tham dự các hoạt động văn hóa hấp dẫn quanh năm như hội chợ ẩm thực, hội chợ giáng sinh, lễ hội âm nhạc...

Tuy vậy, cũng cần khách quan nhìn nhận, so với nhu cầu phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển theo hướng hiện đại, đẳng cấp thì bấy nhiêu là chưa đủ. Thanh Hóa vẫn cần thêm nhiều “gió đông” để thổi bùng lên sức sống mới cho dải bờ biển dài hơn 100km. Hiện, tỉnh Thanh Hóa đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào đại Dự án Quảng trường biển và Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Sầm Sơn của Tập đoàn Sun Group. Với tổng vốn đầu tư lên đến gần 25.000 tỷ đồng, quảng trường biển sau khi hoàn thành có sức chứa lên đến 10.000 người sẽ là không gian công cộng chính của TP Sầm Sơn. Đồng thời là nơi tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao quy mô lớn. Cùng với đó, các dự án như khu đô thị Quảng trường biển, Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng sông Đơ... cũng được định hướng trở thành trung tâm thương mại và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, thu hút khách quốc tế đến với Sầm Sơn. Ngoài ra, Tập đoàn Sun Group cũng hướng đến gia tăng trải nghiệm cho du khách thông qua việc xây dựng các công viên chủ đề mang thương hiệu Sun World, vốn đã rất nổi tiếng tại Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc...

Hy vọng rằng, những dự án quy mô lớn sẽ sớm được định hình và đưa vào khai thác. Từ đó, tạo đà cho du lịch biển đảo nói riêng, du lịch Thanh Hóa nói chung, cất cánh mạnh mẽ để có thể sánh ngang với nhiều tên tuổi đẳng cấp cả trong và ngoài nước.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]