(vhds.baothanhhoa.vn) - Làm công tác văn hóa cơ sở vốn đã vất vả, với cán bộ văn hóa công tác ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì sự vất vả ấy như nhân lên gấp bội. Họ đang cần được quan tâm đúng mức.

Để cán bộ vững tâm bám bản

Làm công tác văn hóa cơ sở vốn đã vất vả, với cán bộ văn hóa công tác ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì sự vất vả ấy như nhân lên gấp bội. Họ đang cần được quan tâm đúng mức.

Để cán bộ vững tâm bám bản

Công chức văn hóa - xã hội ở khu vực miền núi đang phải cùng lúc kiêm nhiệm nhiều công việc.

Kiêm nhiệm quá nhiều công việc

Với chức danh công chức văn hóa- xã hội, cán bộ văn hóa ở cơ sở không đơn thuần chỉ làm những công việc liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách (văn hóa, gia đình, giáo dục, thông tin, tuyên truyền, y tế...), mà còn là thành viên của các ban chỉ đạo cấp xã, thôn trong những công việc thường xuyên của địa phương. Anh Ngân Văn Tiến, công chức văn hóa - xã hội xã Thanh Phong (Như Xuân), từ năm 2015 đến nay phải kiêm nhiệm Trưởng đài truyền thanh xã. Anh cho biết: “Công việc kiêm nhiệm trưởng đài không có phụ cấp. Trong suốt một thời gian dài, tôi còn đảm nhiệm việc lập danh sách người dân được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế (biến động tăng, giảm mỗi năm)... nhiều công việc một lúc thực sự vô cùng áp lực. Cũng may, từ đầu tháng 9-2021, công việc này đã được chuyển giao cho người khác”.

Một công chức văn hóa - xã hội cùng một thời điểm phải làm nhiều công việc khác nhau, đó không chỉ riêng trường hợp anh Ngân Văn Tiến mà là câu chuyện khá phổ biến. Như cách nói của người trong nghề: “Cứ việc gì của xã, thôn, bản không biết giao cho ai thì lại phần cán bộ văn hóa”.

Đồng cảm với những vất vả của cán bộ văn hóa ở cơ sở, ông Cao Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Xuân, nhìn nhận: “Không chỉ riêng trên địa bàn huyện Như Xuân, nhiều năm nay, cán bộ văn hóa ở cơ sở đang phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc một lúc. Nói một cách dễ hiểu thì, cái gì cũng “có mặt” cán bộ văn hóa. Điều này khiến cho người làm văn hóa gặp rất nhiều áp lực. Để cán bộ làm văn hóa cơ sở có thể phát huy tốt năng lực, công việc chuyên môn, cần thiết phải giảm bớt các đầu việc, hoặc, cần có hỗ trợ kinh phí hợp lý có như vậy mới tạo “động lực” cho người làm văn hóa ở cơ sở nỗ lực vượt khó, làm tốt công việc”.

Cần có chế độ đãi ngộ hợp lý

Sau 3 năm công tác ở xã vùng cao Tam Chung (Mường Lát), mức lương thực hưởng hiện tại của công chức văn hóa - xã hội Lê Thị Thương là 8,5 triệu đồng. Trong đó, bên cạnh lương theo ngạch bậc quy định thì chị có thêm phụ cấp thu hút (hưởng trong 5 năm đầu công tác) và phụ cấp xã vùng biên. Với chị Thương, đây là mức lương phù hợp để trang trải cuộc sống của mình và gia đình. Tuy nhiên, không phải cán bộ văn hóa làm việc ở khu vực vùng cao nào cũng được hưởng mức lương và phụ cấp như chị Thương.

Về công tác tại Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa (Đội chiếu phim số 6) từ năm 2012, công việc của anh Lê Thế Chuyên là đi chiếu phim phục vụ đồng bào vùng cao Mường Lát và một phần huyện Quan Hóa. Mỗi năm, đội chiếu phim của anh được giao chỉ tiêu 190 buổi chiếu phục vụ bà con dân bản. Có nghĩa, trung bình mỗi tháng khoảng 15-17 buổi. Theo ông Trịnh Ngọc Tùng, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa, sau gần 10 năm công tác, tổng lương và phụ cấp (phụ cấp lưu động; phụ cấp khu vực) hiện tại của anh Chuyên là hơn 5 triệu đồng/tháng.

Để cán bộ vững tâm bám bản

Chị Lê Thị Thương, công chức văn hóa - xã hội xã Tam Chung (bên phải) giới thiệu, tư vấn cho người dân những kiến thức về việc ứng xử trong gia đình.

Chia sẻ với những khó khăn của cán bộ cơ sở, bà Lê Thị Thiết, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Lang Chánh, cho biết: “Có thực tế xuống cơ sở mới thấy anh em - những người làm văn hóa cơ sở ở khu vực vùng sâu, vùng xa vô cùng vất vả. Địa bàn lại rộng, có những bản cách trung tâm xã hàng chục cây số, đi lại hết cả ngày, nắm được địa bàn đã khó. Vậy nên, việc điều động, thuyên chuyển vị trí công tác (từ xã này đến xã khác) đối với công chức văn hóa - xã hội cần có sự cân nhắc hợp lý”.

Cũng theo bà Lê Thị Thiết, do địa hình miền núi đi lại khó khăn, việc cập nhập các thông tin, cũng như ứng dụng công nghệ đối với công chức văn hóa - xã hội ở cơ sở sẽ có nhiều hạn chế hơn so với đồng nghiệp ở dưới xuôi. Vì thế, việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý về (văn hóa, gia đình...) là cần thiết. Song, do đặc thù vùng miền, văn hóa không giống nhau, nên các chuyên đề bồi dưỡng cần tập trung vào những vấn đề (chuyên môn, kỹ năng) mà người làm văn hóa ở cơ sở đang thiếu và yếu để bồi dưỡng. Có như vậy, hiệu quả từ những lớp bồi dưỡng sẽ góp phần thiết thực giúp cán bộ văn hóa cơ sở vững vàng hơn trong công việc chuyên môn.

Làm công tác văn hóa cơ sở ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa là những công chức văn hóa - xã hội hay viên chức - nhân viên chiếu phim lưu động... Song tựu chung, họ chính là những người đang “âm thầm” mang niềm vui về bản, về với đồng bào dân tộc vùng cao. Có thể, với chúng ta, những buổi đi xem chiếu bóng lưu động chỉ là ký ức đọng lại thuở niên thiếu còn nhiều khó khăn. Vậy nhưng, nếu có dịp theo chân đội chiếu phim lưu động một lần lên miền núi, chúng ta sẽ cảm nhận phần nào sự thiếu thốn của người dân. Nói như vậy, không phải thở than cho câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng rõ ràng, để những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng” nơi vùng cao vững tâm bám bản, làm tốt nhiệm vụ, rất cần có những cảm thông, quan tâm, đãi ngộ đúng mức.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]