(vhds.baothanhhoa.vn) - Xoay quanh vấn đề giữ gìn nét đẹp của lễ hội truyền thống, Thanh Hóa cuối tuần đã nhận được nhiều chia sẻ của TS Hoàng Bá Tường, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và TS Phạm Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Để lễ hội thực sự là ngày hội

Xoay quanh vấn đề giữ gìn nét đẹp của lễ hội truyền thống, Thanh Hóa cuối tuần đã nhận được nhiều chia sẻ của TS Hoàng Bá Tường, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và TS Phạm Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Để lễ hội thực sự là ngày hội

Bảo tồn càng nguyên vẹn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu

Phóng viên (PV): Thưa TS Phạm Văn Tuấn, trong tâm thức người Việt, mùa xuân cũng là mùa lễ hội. Bên cạnh yếu tố tâm linh, lễ hội cũng là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

TS Phạm Văn Tuấn: Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị nền văn hóa dân tộc. Lễ hội phản ánh sinh hoạt, khát vọng cùng tài năng của Nhân dân về nhiều mặt của đời sống; đồng thời, thông qua lễ hội trí tuệ, đạo lý, tình cảm, khuynh hướng thẩm mỹ của Nhân dân được tỏa sáng. Sở dĩ lễ hội Phù Đổng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, không chỉ vì đây là lễ hội truyền thống có từ thời Lý mà còn là lễ hội được dân chúng các làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên đứng ra tổ chức. Hội Gióng như là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hóa. Cũng như các đạo cụ, y phục, mỗi một chương mục, mỗi một vai diễn đều chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sắc. Tôi cho đó là nét đặc sắc của lễ hội truyền thống, người dân là chủ thể của lễ hội, họ bỏ tiền, bỏ công sức để tạo nên lễ hội, chứ không phải kinh phí của một tổ chức nào chi ra cho người ta làm. Nghĩa là ngày hội ấy là của tôi, của cộng đồng tôi. Điều đó tạo nên sức sống riêng cho lễ hội, và lễ hội thực sự được trả về với những giá trị nguyên thủy.

Hay trong lễ hội Cầu Ngư của xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghi thức rước thuyền Long Châu (vật tế quan trọng nhất trong lễ hội) thể hiện sự tôn kính của người dân biển với các thần linh và sự đoàn kết của cộng đồng cư dân vùng biển… Chính người dân dồn hết tình cảm, trí tuệ, thời gian và sức lực vào việc làm con thuyền, và sau khi lễ hội kết thúc con thuyền được hóa ở bên bờ biển, hòa vào đại dương mang theo mong muốn dẹp sóng kình, để người dân được bình an trước biển cả. Điểm hấp dẫn, đặc sắc ở lễ hội Cầu Ngư là kết hợp được tư duy nội đồng và tư duy của cư dân ven biển. Xét về mặt văn hóa, khai thác những giá trị truyền thống là một phần trong việc nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. Đến với lễ hội, mỗi người thấy mình trong cộng đồng ấy và cộng đồng ấy nhìn thấy cái cá thể, có như vậy, lễ hội mới trở thành ngày hội của toàn dân.

PV: Ông đề cao vai trò chủ thể của người dân trong lễ hội, còn sự can thiệp về hành chính thì sao?

TS Phạm Văn Tuấn: Để lễ hội có “sức sống” thì việc can thiệp về hành chính phải ít đi. Hãy để cộng đồng cư dân, người nghệ nhân giữ vai trò chủ thể lễ hội. Trước đây, cha ông ta không có điều kiện kinh tế, nhưng vẫn làm được những điều giá trị, vẫn giữ gìn chuẩn mực các giá trị văn hóa. Dù chúng ta vẫn nói cần khai thác những giá trị tích cực của lễ hội, nhưng quan trọng hơn, người dân phải ý thức được lễ hội là của họ. Tôi mong muốn rằng, các nhà quản lý văn hóa và người làm văn hóa sẽ xây dựng đề án để bảo tồn các lễ hội ở các phương diện: Truyền dạy, mở lớp, đạo cụ... Như vậy, lễ hội mới được trả về nguyên gốc, còn không sự mai một, biến dạng e rằng sẽ ngày càng lớn.

Tính lợi mang tính chỉ đạo và là “sợi chỉ đỏ”

PV: Thưa TS Hoàng Bá Tường, nhiều người có ý kiến, tính thiêng của lễ hội giờ đây đã giảm, thay vào đó là tính dịch vụ thương mại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Hoàng Bá Tường: Đúng là có lễ hội đã bị biến tướng, phần thiêng giảm đi, phần lợi, thậm chí là trục lợi từ khai thác lễ hội đã tăng lên. Thực tế người ta đang dựa vào hình thức của lễ hội truyền thống nhưng đó chỉ là cái vỏ để làm lợi trong cơ chế thị trường. Tín ngưỡng thờ Mẫu hay tín ngưỡng thờ “Tam Phủ”, “Tứ Phủ” trong đó có nghi lễ hát văn, hầu đồng hiện nay được tôn thờ nhiều trong dân gian, tạo nên một bức tranh hết sức đa dạng và phong phú của đời sống văn hóa tâm linh mang bản sắc của Việt Nam. Tuy nhiên, người ta đang làm kinh tế trên loại hình này. Phải có tiền mới hát; một khóa đồng có thể lên tới cả tỷ đồng. Rõ ràng có cung thì sẽ có cầu. Tính lợi mang tính chỉ đạo và là “sợi chỉ đỏ”. Chùa trước đây phần lớn là chùa làng, người coi chùa tự đi hái củi, ra chợ bán lấy tiền đèn dầu ngày rằm, ngày lễ. Với các chùa lớn, nhà nước bỏ kinh phí xây dựng, rồi hàng năm ban cho lộc điền cày cấy để tu bổ và hương khói. Vì thế, hãy đừng nghĩ chùa to là thiêng, phật ở tại tâm. Hiện nay, chùa nào cũng muốn quảng bá, thu hút phật tử đến với mình nhiều, lễ hội năm sau phải hoành tráng hơn năm trước.

Cho nên, để “dọn dẹp” lại lễ hội, việc đầu tiên cần làm là phải khôi phục lại giá trị cốt lõi của lễ hội là tính thiêng, là chiều kích tâm linh của lễ hội. Tâm linh ở đây không phải mê tín mà là tôn thờ cái thiêng liêng mà người ta chưa hiểu, chưa giải thích được nhưng chúng là giá trị cao quý, giá trị đạo đức. Phải khôi phục tính thiêng của lễ hội thì người ta mới không có hành động vô văn hóa, quấy phá, không nói bậy, không vứt rác bừa bãi, không “buôn thần bán thánh”…

PV: Nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng có từ xa xưa nhưng để định hướng đúng đắn cho người đi lễ, chúng ta cần phải làm gì, thưa TS Hoàng Bá Tường?

TS Hoàng Bá Tường: Trước hết, cần nâng cao nhận thức cho những người tham dự lễ hội. Đi chùa đi đền, đến lễ hội… ngoài nhu cầu tâm linh, còn có nhu cầu thăm thú vãn cảnh, thư giãn và tái sản xuất sức lao động. Cần cân bằng giữa đạo và đời, tín ngưỡng nhưng phải tỉnh táo chứ đừng mê muội, lú lẫn, dẫn tới đức tin sai khiến hành động. Làm sao để mỗi người tham gia thấy được việc đến với lễ hội không chỉ là cuộc du ngoạn tâm linh, mà còn để làm cho con người mắt sáng, tâm trong, từ đó nâng cao ý thức, hành xử văn minh góp phần nâng tầm ý nghĩa của việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa lễ hội trong đời sống hiện đại. Ngoài ra, cơ sở thờ tự phải thượng tôn pháp luật, đừng để cho yếu tố thị trường chen vào chiếm vị trí chủ đạo. Nếu giải quyết được các vấn đề ấy, tôi nghĩ là ổn.

PV: Còn điều gì khiến ông băn khoăn khi tham gia lễ hội?

TS Hoàng Bá Tường: Trước đây dân tự bàn, tự làm, tự hưởng thụ, nhưng giờ có tiền có lễ hội, không có tiền không có lễ hội. Cơ chế thị trường biến những chủ nhân của lễ hội bị thụ động. Đặc biệt hình thức sân khấu hóa, đưa diễn viên vào làm, còn dân chúng là chủ nhân thì bị đẩy ra ngoài và trở thành khán giả để xem diễn viên biểu diễn.

Kiều Huyền (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]