(vhds.baothanhhoa.vn) - Với tâm lý “lên rừng xuống biển” cầu mong sức khỏe, bình an và may mắn trong năm mới, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã đến dâng hương, vãn cảnh những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Thanh Hóa như: đền Cửa Đặt (Thường Xuân), đền Độc Cước (TP Sầm Sơn), Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), phủ Na (Như Thanh), Am Tiên (Triệu Sơn)...

Du lịch tâm linh - lựa chọn của nhiều du khách dịp đầu năm

Với tâm lý “lên rừng xuống biển” cầu mong sức khỏe, bình an và may mắn trong năm mới, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã đến dâng hương, vãn cảnh những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Thanh Hóa như: đền Cửa Đặt (Thường Xuân), đền Độc Cước (TP Sầm Sơn), Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), phủ Na (Như Thanh), Am Tiên (Triệu Sơn)...

Du lịch tâm linh - lựa chọn của nhiều du khách dịp đầu nămThiền Viện Trúc Lâm là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong dịp đầu xuân năm mới.

Với hành trình “lên rừng”, địa điểm đặt chân của du khách chính là đền Cửa Đặt. Ngôi đền cách TP Thanh Hóa 60 km về phía Tây, thờ phụng người anh hùng Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng ngàn, tọa lạc bên công trình hồ thủy điện Cửa Đạt lớn nhất Đông Nam Á. Du khách về với Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đặt trong những ngày đầu xuân không chỉ cầu lộc, cầu tài mà còn là dịp để du xuân, ngắm cảnh, khám phá thiên nhiên nơi đây. Bên cạnh việc vãn cảnh đền, du khách còn thăm hồ thủy điện, khám phá Khu du lịch cộng đồng bản Mạ nằm bên bờ sông Chu và thưởng thức nhiều món ngon về đặc sản núi rừng tại đây.

Vào bản Mạ, du khách đắm chìm trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Thái với nhiều nét văn hóa độc đáo còn lưu giữ với nhiều trò chơi dân gian thú vị như: đánh đu, ném còn, đánh cồng, bập bênh… Ông Đỗ Doãn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể dục thể thao huyện Thường Xuân, cho biết: “Đảm bảo không khí vui tươi, an toàn cho khách du xuân, các điểm du lịch, khu di tích xây dựng và triển khai kế hoạch đón khách trước, trong và sau Tết Nguyên đán đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm…”.

Du lịch tâm linh - lựa chọn của nhiều du khách dịp đầu nămKhách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh đền Cửa Đặt (Thường Xuân).

Một địa điểm được nhiều du khách nội tỉnh lựa chọn trong chuyến xuất hành đầu năm là đền Nưa Am Tiên. Lễ hội đền Nưa Am Tiên chính thức được mở vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm, ngày “Mở cổng trời” (cho phép du khách lên thắp hương, cầu cúng khu huyệt đạo) và kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng. Tuy nhiên, ngay từ những ngày mùng 2, mùng 3 tết, khách hành hương đã nườm nượp về đây để chiêm bái, thắp hương cầu tài, cầu lộc... Nơi đây, bên cạnh những công trình tâm linh do con người xây dựng, tôn tạo, vẫn còn đó những dấu vết, truyền thuyết xưa kỳ ảo như bàn cờ tiên, vườn thuốc nam, giếng Tiên, bãi luyện quân…

Sau khi “lên rừng”, du khách kết thúc hành trình đầu năm của mình ở đền Độc Cước (TP Sầm Sơn). Ngôi đền nằm ở phía Bắc của dãy núi Trường Lệ, nằm trên hòn Cổ Giải, thờ thần Độc Cước - vị thần đã tự xẻ đôi thân mình, dẹp loài thủy quái, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân lành. Hiện đền Độc Cước còn lưu giữ 8 đạo sắc phong và được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1962. Từ lâu, nơi đây đã trở thành “địa chỉ” tâm linh quan trọng của người dân Sầm Sơn nói riêng, Nhân dân và du khách thập phương nói chung trong những ngày đầu xuân năm mới. Trong hành trình về với Sầm Sơn, du khách còn có thể ghé thăm một số điểm đến văn hóa khác như: đền Cô Tiên, Hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Đề Lĩnh, đền Bà Triều, chùa Khải Minh...

Mùa xuân - mùa trảy hội, lượng du khách đầu xuân năm nay tăng cao so với các năm. Phần lớn đến từ nhu cầu du xuân kết hợp dâng hương, vãn cảnh sau 2 năm bị hạn chế do dịch bệnh. Theo đó, để đảm bảo an toàn trật tự và phòng chống dịch bệnh, các điểm du lịch, nhất là du lịch tâm linh đều đã xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ.

Du lịch tâm linh - lựa chọn của nhiều du khách dịp đầu nămNhiều trò chơi dân gian được tổ chức sôi nổi tại các điểm di tích.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 5 tháng Giêng (tức từ ngày 20 đến 26-1) Thanh Hóa đón gần 430.000 lượt khách, tăng 47,6% so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đón 47.600 lượt khách; Thành Nhà Hồ đón 15.000 lượt khách; đền Bà Triệu đón 10.000 lượt khách; đền Sòng đón 28.900 lượt khách; phủ Na đón 33.700 lượt khách; đền Nưa - Am Tiên đón 36.800 lượt khách; Cửa Đặt đón 27.000 lượt khách; TP Thanh Hóa 38.200 lượt khách; TP Sầm Sơn 30.700 lượt khách…

Ngoài ra, một số điểm đến đã tổ chức các chương trình trải nghiệm, sản phẩm mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách như: chuỗi hoạt động “Tết xưa làng cổ” tại làng cổ Đông Sơn, trưng bày trải nghiệm tết xưa tại Bảo tàng tỉnh, trình diễn nghệ thuật thư pháp tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa); triển lãm với chủ đề “Di sản văn hóa xứ Thanh di sản chung của chúng ta”, tái hiện không gian tết xưa, trình diễn trò diễn dân gian… tại Thành Nhà Hồ… Tất cả như một bức tranh xuân nhiều màu sắc vui tươi, náo nhiệt mà vẫn nghiêm trang, lịch sự với khách tham quan trong những ngày đầu xuân năm mới.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]