(vhds.baothanhhoa.vn) - Cây đa, bến nước, mái đình vốn góp phần tạo nên không gian sống thoáng đãng, thanh bình, yên ả cho mỗi làng quê xưa. Với lẽ đó, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) đã có nhiều cách làm hay nhằm gìn giữ, cải tạo và biến những ao nước tù, ô nhiễm trở lại là những bến nước trong xanh, mát rượi; là “lá phổi xanh” của làng quê.

Giữ ao cho làng

Cây đa, bến nước, mái đình vốn góp phần tạo nên không gian sống thoáng đãng, thanh bình, yên ả cho mỗi làng quê xưa. Với lẽ đó, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) đã có nhiều cách làm hay nhằm gìn giữ, cải tạo và biến những ao nước tù, ô nhiễm trở lại là những bến nước trong xanh, mát rượi; là “lá phổi xanh” của làng quê.

Giữ ao cho làng

Ao cá Bác Hồ với cây cầu đẹp.

Với những người thuộc thế hệ 9X trở về trước sinh ra ở làng, ao làng là hình ảnh rất đỗi thân thương. Ở đó có những buổi trốn học đi tắm bờ ao, có những ngày nắng nóng đổ lửa được dầm mình dưới ao mát rượi; là những hôm trời mưa dầm dề ngồi trong nhà nhìn ra bờ ao nghe ếch kêu uôm uôm... Thế nhưng, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhiều ao làng đã bị san lấp, nhường chỗ cho những nhà cao tầng, nhà mái bằng mọc lên.

Là xã nông thôn mới kiểu mẫu chú trọng giữ gìn và phát huy giá trị “hồn làng” ở huyện Hoằng Hóa, xã Hoằng Lộc đã có nhiều cách làm thiết thực, trong đó có việc cải tạo, nâng cấp ao làng. Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã: “Qua rà soát, hiện xã còn trên 50 cái ao, có diện tích từ 300m2 đến 10.000m2. Trong đó, những ao do xã quản lý đã và đang được tiến hành cải tạo, trở thành những điểm vui chơi giải trí, công viên mini tuyệt đẹp cho người dân, như ao cá Bác Hồ, ao Nọc Nàng”.

Theo lời kể của người dân các thôn Phúc Lộc và Đồng Thịnh, ao cá Bác Hồ bây giờ khác xưa nhiều lắm, trở thành niềm tự hào, hãnh diện của dân làng. Sau khi cải tạo, ao được mở rộng diện tích lên gần 10.000m2 với điểm nhấn là công trình cầu ao kiên cố, bắt mắt. Lòng ao được kè đá, đường quanh ao được lát gạch, cùng hàng cây xanh bao quanh, từng hàng ghế đá sạch sẽ, cột điện sáng... vừa thể hiện nét đẹp thơ mộng vốn có của những ao quê, vừa khoác lên mình vẻ hiện đại, sang trọng. Ông Nguyễn Trọng Long, một hộ dân sinh sống gần ao cá Bác Hồ, hồ hởi: “Nơi này không khác gì một công viên của thôn. Vào các buổi sáng, chiều, người dân, trẻ con tập trung vui chơi thể thao đông lắm. Hàng ngày được đi bộ trên bờ ao và hít thở bầu không khí trong lành, khiến tôi khỏe hơn, yêu quê mình hơn".

Giữ ao cho làng

Ao Nọc Nàng trở nên đẹp đẽ, thơ mộng hơn sau cải tạo.

Ao Nọc Nàng ở thôn Đồng Thịnh từng là điểm ô nhiễm môi trường bởi rác và nước thải sinh hoạt đổ về không kiểm soát. Với những nỗ lực của chính quyền và sự chung tay đóng góp của người dân, ao cá đã được đầu tư cải tạo, khoác lên mình “chiếc áo” mới sạch đẹp. Ao đã có hàng cây xanh mướt, cùng hệ thống thu nước thải sinh hoạt, hệ thống điện chiếu sáng và nước ao đã được xử lý trong veo... Bà Nguyễn Thị Phúc, người dân sống ở khu vực gần ao Nọc Nàng không giấu nổi sự vui mừng: “Từ khi ao Nọc Nàng được cải tạo, con cháu tôi ở Hà Nội mỗi lần về quê chơi thường bảo không ở đâu thanh bình, sạch đẹp như quê mình".

Điều đặc biệt, cả ao cá Bác Hồ và ao Nọc Nàng đều được cải tạo, nâng cấp bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa, trong đó ao cá Bác Hồ được cải tạo chủ yếu bằng nguồn đóng góp của con em xa quê. Đây thực sự là một điều đáng mừng, bởi cấp ủy, chính quyền địa phương đã phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, gây dựng được niềm tin của Nhân dân. Từ đó nhận được sự tín nhiệm của con em xa quê trong việc đóng góp trách nhiệm, nguồn lực xây dựng quê hương. Không những thế, từ khi công trình ao làng được cải tạo thì nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao. Định kỳ hàng tuần, người dân tập trung dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm và ao làng, xem ao như nhà mình mà giữ gìn.

Không những làm bộ mặt nông thôn của xã được đổi mới, ao làng chính là những lá phổi làm dịu mát làng quê trong những ngày hè nóng nực, làm ấm hơn những giá lạnh ngày đông. Ao còn là nơi sinh sống của rất nhiều loài thủy sinh, góp phần tạo nên không gian vốn rất đỗi yên bình của làng quê. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lộc, cho biết thêm: Trong thời gian tới, xã Hoằng Lộc tiếp tục huy động nguồn lực để cải tạo, nâng cấp những ao còn lại trên địa bàn. Đối với những ao do xã quản lý, việc cải tạo được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, những ao do thôn, gia đình quản lý thì được hỗ trợ 50% chi phí cải tạo, kè lòng ao, lát vỉa hè, mở rộng đường. Đối với những ao muốn san lấp phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, và đó phải là những ao không phát huy được lợi thế, tình trạng ô nhiễm nặng khó cải tạo...

Trong bối cảnh đô thị hóa, không gian làng quê ngày một chật chội, việc gìn giữ, cải tạo các ao làng sạch, đẹp, đã góp phần tạo diện mạo mới, để những làng quê thực sự yên bình, đầm ấm và làm đẹp thêm cảnh quan nông thôn. Không những vậy, các ao, hồ sau cải tạo còn thêm công năng là điểm thể dục, vui chơi, sinh hoạt cộng đồng.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]