(vhds.baothanhhoa.vn) - Điện Biên Phủ, từ sau sự kiện lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954, đã không đơn thuần là tên gọi một địa danh. Đó là bản anh hùng ca vang vọng mãi, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khao khát độc lập tự do, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta. Hào khí ấy đã kết đọng nên những vần thơ đặc sắc, lay động lòng người...

Hào khí Chiến thắng Điện Biên Phủ - Góc nhìn qua thơ

Điện Biên Phủ, từ sau sự kiện lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954, đã không đơn thuần là tên gọi một địa danh. Đó là bản anh hùng ca vang vọng mãi, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khao khát độc lập tự do, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta. Hào khí ấy đã kết đọng nên những vần thơ đặc sắc, lay động lòng người...

Hào khí Chiến thắng Điện Biên Phủ - Góc nhìn qua thơXe đạp thồ, phương tiện thô sơ vận chuyển hàng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: tư liệu

Với sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp đã dốc toàn lực để xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một “pháo đài bất khả xâm phạm”, một “cối xay thịt khổng lồ”, một “con nhím của núi rừng Tây Bắc”, “cái bẫy hiểm ác”, sẵn sàng “nghiền nát” quân chủ lực của ta. Tuy nhiên, quân ta đã chủ động xây dựng trận địa chiến hào từ xa tiến vào gần, phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, áp dụng linh hoạt, sáng tạo chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt” đánh tan quân giặc. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa to lớn, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của quân đội Nhân dân, lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam.

Ý nghĩa lớn lao của Chiến thắng Điện Biên Phủ và muôn vàn những hy sinh, mất mát trên mảnh đất này đã làm nên khúc tráng ca anh hùng của quân và dân ta. Đứng trước mạch nguồn cảm hứng lớn lao ấy, những tâm hồn thơ đã cất cánh bay lên, thăng hoa cùng sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Chẳng thể thống kê hết có bao nhiêu tác giả đã từng đặt bút viết những dòng thơ về Điện Biên Phủ, có bao nhiêu sáng tác từ Điện Biên Phủ mà nên hình hài, tên tuổi. Từ một nhánh phù sa trong dòng chảy thơ ca cách mạng ấy, nhiều bài thơ viết về Điện Biên Phủ vẫn ghi đậm dấu ấn trong tâm khảm các thế hệ độc giả như: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” - Hồ Chí Minh, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” - Tố Hữu, “Giá từng thước đất” - Chính Hữu, “Mộ Bế Văn Đàn” - Xuân Diệu, “Trở lại Điện Biên” - Anh Ngọc, “Điện Biên gọi tôi lên” - Nguyễn Hữu Quý, “Trống Điện Biên dậy sóng Biển Đông” - Quang Hoài...

Hai bài thơ của hai “tượng đài”, “lá cờ đầu” thơ ca cách mạng: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” - Hồ Chí Minh và “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” - Tố Hữu là những sáng tác thời sự nhất, nóng bỏng nhất về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chẳng ai có thể thấu hiểu niềm vui sướng, xúc động nghẹn ngào của vị lãnh tụ đất nước trong giờ phút nhận tin báo thắng trận từ Điện Biên Phủ truyền đến. Sau thời gian nếm mật nằm gai, chịu đựng hy sinh, mất mát, 56 ngày đêm chiến đấu đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Những ngày tháng kiên cường, anh dũng ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh tái hiện một cách chân thực, sinh động qua những dòng thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Lần theo các dấu mốc quan trọng của chiến dịch được Bác ghi lại để thấy được toàn cảnh cuộc chiến, thấm thía hơn những vất vả, gian lao mà anh hùng, mưu trí, đầy sáng tạo của quân và dân ta. Khi “Giặc còn ở trong giấc mơ nồng/ Mình có thầy Mỹ lo cung cấp/ Máy bay cao cao, xe tăng thấp/ Lại có Nava cùng Cô nhi/ Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy”, thì quân và dân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đánh đuổi quân thù nhất: “Bộ đội, dân công quyết một lòng/ Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông”, “Hơn 50 ngày, ta đánh đồn/ Ta chiếm một đồn lại một đồn/ Quân giặc chống cự tuy rất hăng/ Quân ta anh dũng ít ai bằng/ Nava, Cô nhi đều méo mặt/ Quân giặc tan hoang ta vây chặt/ Giặc kéo từng loạt ra hàng ta/ Quân ta vui hát “khải hoàn ca”.

Nếu “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tựa hồ như những dòng nhật ký, những thước phim điện ảnh chân thực và sống động nhất thì bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” là niềm vui sướng trào dâng trong khúc ca khải hoàn. Giải phóng Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954 thì đến ngày 11-4-1954, bài thơ đã được in trang trọng trên trang nhất của Báo Nhân dân nên cảm xúc thơ trọn vẹn, hình ảnh thơ chân thực, sống động, hiệu quả tuyên truyền rất lớn. Bài thơ dài, chia làm 4 đoạn, càng về sau cảm xúc càng đẩy lên cao trào, nhịp thơ nhanh, mạnh, vừa như hồi hộp vừa xốn xang, đê mê trong niềm vui sướng tột độ: “Kháng chiến ba nghìn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước, như Huân chương trên ngực/ Dân tộc ta dân tộc anh hùng!”.

Trong niềm vui sướng, hạnh phúc vỡ òa ấy, nhà thơ Tố Hữu không chỉ nhớ về những con người vĩ đại, “linh hồn” của cuộc chiến. Tác giả bày tỏ niềm cảm phục, trân trọng trước tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng, sẵn sàng hy sinh không tiếc thân mình của biết bao chiến sĩ: “Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.../ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện/ Và những chị, những anh ngày/ đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...”. Những dòng thơ cuối như một lời tuyên bố đanh thép trước quân thù nhưng lại như lời thủ thỉ, tâm tình, hòa nhịp của muôn triệu trái tim đồng bào ta vậy: “Tổ quốc chúng tôi/ Muốn độc lập hòa bình trở lại/ Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái/ Nước chúng tôi và nước các anh/ Nếu còn say máu chiến tranh/ Ở Việt Nam, các anh nên nhớ/ Tre đã thành chông, sông là sông lửa/ Và trận thắng Điện Biên/ Cũng mới là bài học đầu tiên!”.

Nhắc đến Chính Hữu là nhớ về một gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến. Cả đời thơ, ông dâng hiến cho màu áo lính. Những người lính trong thơ ông chân chất, thật thà như đồng đất quê hương, thơm thảo, mộc mạc như hương lúa non mỗi sớm mai làng quê bừng thức. Nhưng một khi đã bỏ tay cuốc tay cày bước vào đời binh nghiệp, họ anh dũng chiến đấu, kiên gan bền chí, nêu cao lý tưởng cống hiến hết mình phụng sự Tổ quốc, Nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người chiến sĩ ấy cũng nêu cao tinh thần đồng chí, đồng đội, tương trợ lẫn nhau. Bài thơ “Giá từng thước đất” của Chính Hữu đã thành công khắc họa hình ảnh, phẩm chất, đóng góp, hy sinh to lớn của những người chiến sĩ Điện Biên: “Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội/ Ta mới hiểu thế nào là đồng đội/ Đồng đội ta là hớp nước uống chung/ Nắm cơm bẻ nửa/ Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa/ Chia khắp anh em một mẩu tin nhà/ Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết”.

Tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh khốc liệt, mưa bom bão đạn được khắc họa từ những chi tiết đời thường mà xúc động, quý giá như thế. Ở đó, mỗi số phận cá nhân đã sống và chiến đấu, đã hy sinh xương máu để làm nên từng trang sử hào hùng của dân tộc: “Bạn ta đó/ Ngã trên dây thép ba tầng/ Một bàn tay chưa rời báng súng/ Chân lưng chừng nửa bước xung phong/ Ôi những con người mỗi khi nằm xuống/ Vẫn nằm trong tư thế tiến công/ Bên trái: Lò Văn Sự/ Bên phải: Nguyễn Đình Ba/ Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự/ Có phải các anh vẫn còn đủ cả/ Trong đội hình đại đội chúng ta?”.

Trong bất kỳ cuộc chiến nào cũng vậy, dù là bên chiến thắng và bên chiến bại đều phải gánh chịu những mất mát, đau thương không thể nào bù đắp được. Đó là cái giá phải trả cho tham vọng nghiệt ngã, và cũng là cái giá của độc lập, tự do: Khi bạn ta lấy thân mình đo bước/ Chiến hào đi/ Ta mới hiểu giá từng thước đất/ Các anh ở đây/ Trận địa là đây/ Trận địa sẽ không lùi nửa thước/ Không bao giờ, không bao giờ để mất/ Mảnh đất/ Các anh nằm”. Lời thơ của Chính Hữu như lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về lòng biết ơn, tri ân sâu sắc trước sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh.

Điện Biên Phủ không chỉ là vùng đất lịch sử, của những ký ức hào hùng... Đó còn là vùng đất khơi dậy ý chí, khát vọng vươn tới tương lai, là mạch nguồn tô thắm những mùa xuân dân tộc. Đọc “Trống Điện Biên dậy sóng biển Đông” của nhà thơ Quang Hoài để thấy dẫu thời gian đã khép lại tấm màn lịch sử thì Điện Biên Phủ vẫn mãi là vùng đất thiêng, đầy yêu mến và trăn trở của người dân đất Việt: “Xương thịt hóa đất đai/ Mọc lên thành phố Hòa Bình! Các em con bây giờ kế bước/ Trụ biển đảo, trụ biên cương, trụ phong ba bão táp/ Những cơn gió đen quất mặt/ Vẫn hiên ngang kiêu hãnh ngẩng đầu! Hỡi những mưu ma chước quỷ/ Hỡi những khát vọng cuồng điên.../ Chúng con có trong mình Điện Biên/ Mẹ ơi mẹ, xin mẹ đừng lo lắng/ Chim Lạc bay trên mặt trống đồng/ Trống Điện Biên dậy sóng biển Đông!”. Những bước chân du khách về với Điện Biên Phủ hôm nay - nơi “nối mặt đất và bầu trời đánh quỵ hai đế quốc”, vẫn lặng nghe trong từng tấc đất lời răn dạy của các thế hệ cha anh về cái giá của độc lập, tự do. Ghé thăm những hầm hào, trận địa xưa, ta mới hiểu điều gì đã làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy, âm vang thời đại: “Mà đánh bại một đội quân hùng mạnh/ Bởi đâu chỉ có tướng tài/ Còn cả thế trận lòng dân/ Là ý chí của đất nước bốn ngàn năm/ “Chúng ta thà hy sinh tất cả...”/ Khi lời Bác là ngọn cờ trước gió/ Khi cả dân tộc khát vọng sống và bừng lên ngọn lửa/ Khi Tổ quốc hóa bóng mẹ hiền cầm súng xông lên/ Cho lớp lớp cháu con hưởng hạnh phúc hòa bình!”.

Còn rất nhiều nữa những vần thơ về Điện Biên Phủ đã, đang và sẽ hòa mình vào dòng chảy thơ ca Việt, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả các thế hệ. Mỗi bài thơ cho ta hình dung, cảm xúc và gợi lên những suy nghĩ, trăn trở khác nhau. Nhưng tựu chung lại, hào khí Chiến thắng Điện Biên Phủ thì mãi còn đó, như dấu son chói lọi trên những chặng đường 93 năm vinh quang của Đảng, là tiếng trống giục giã mỗi chúng ta biết nỗ lực, cố gắng, vươn tới khát vọng thịnh vượng.

Linh Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]