(vhds.baothanhhoa.vn) - Trải qua hơn 6 thế kỷ, Lam Kinh vẫn nguyên vẻ trầm mặc và linh thiêng của khối kiến trúc nghệ thuật hài hòa, giàu giá trị. Sự trường tồn của Lam Kinh đã khẳng định tầm cao và chiều sâu của lịch sử, của văn hóa, của sức sáng tạo tuyệt vời từ bàn tay con người và vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - điểm đến tâm linh “níu chân” du khách (Bài 1): Lam Kinh - trầm mặc và linh thiêng

Trải qua hơn 6 thế kỷ, Lam Kinh vẫn nguyên vẻ trầm mặc và linh thiêng của khối kiến trúc nghệ thuật hài hòa, giàu giá trị. Sự trường tồn của Lam Kinh đã khẳng định tầm cao và chiều sâu của lịch sử, của văn hóa, của sức sáng tạo tuyệt vời từ bàn tay con người và vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - điểm đến tâm linh “níu chân” du khách (Bài 1): Lam Kinh - trầm mặc và linh thiêng

Nghinh môn Lam Kinh.

Lam Kinh là vùng đất “căn bản”, với vai trò của một “kinh đô thứ hai” - “kinh đô tưởng niệm” hoàng tộc nhà Lê, nơi thờ phụng tổ tiên, các bậc tiên đế, hoàng đế, hoàng hậu của vương triều Lê Sơ. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, năm 1430, Lê Thái tổ cho đổi Lam Sơn thành Lam Kinh (hay Tây Kinh) với mong muônd nâng cao vị thế và tầm vóc của vùng đất quê hương trong thời kỳ đất nước giành được độc lập. Đồng thời, để phân biệt với Đông Kinh - Kinh đô của đất nước. Đây là mốc quan trọng, mở đầu cho sự phát triển của trung tâm Lam Kinh, một. Năm 1433, sau khi vua Lê Thái tổ băng hà, thi hài được đem về an táng ở Lam Kinh. Từ đây các điện miếu cũng bắt đầu được xây dựng. Đồng thời, các vua thời Lê Sơ đã giao các quan đầu triều và Cục Bách tác cho xây dựng ở Lam Kinh nhiều điện miếu và các công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy.

Trải qua gần 600 năm tồn tại, với không ít biến thiên lịch sử, toàn bộ di tích Lam Kinh đã bị tàn phá nặng nề. Mãi đến năm 1962, Khu di tích lịch sử văn hóa Lam Kinh được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Và đến năm 1994, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Nhờ đó, di tích Lam Kinh đã từng bước “hồi sinh”.

Ngày nay, khi về với Lam Kinh, du khách sẽ được hòa mình vào không gian khoáng đạt, ngập tràn nắng gió và rợp bóng cây xanh. Bước qua cầu Bạch cong cong vắt ngang dòng sông Ngọc, du khách sẽ đi qua Nghinh môn. Tiếp đó là sân Rồng, tiến sát vào thềm của hai tòa nhà Tả Vu và Hữu Vu. Qua sân Rồng là thềm Rồng với chín bậc lên xuống, còn được gọi là Cửu trùng. Qua chín bậc Cửu trùng, du khách sẽ đến Chính điện Lam Kinh - không gian linh thiêng bậc nhất trong Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Chính điện gồm ba tòa trung tâm, hằn lên những đường nét vô cùng tao nhã, với bố cục hình chữ Công (I) với tổng diện tích là 1.662 m2. Đây là một trong những công trình quan trọng, bề thế nằm giữa khu trung tâm di tích Lam Kinh. Sau nhiều năm là phế tích, những gì hậu thế còn biết về Chính điện là những chân tảng đá lớn, nằm trơ trọi trên nền móng cũ. Mãi đến là năm 2010, khi Nhà nước cho khởi công phỏng dựng lại 3 tòa Chính điện. Nhờ đó, diện mạo toàn bộ Chính điện mới được “sống lại” trước mắt Nhân dân và du khách như hiện nay.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - điểm đến tâm linh “níu chân” du khách (Bài 1): Lam Kinh - trầm mặc và linh thiêng

Lam Kinh nhìn từ trên cao.

Chính điện được xây dựng từ gần 3.000 m3 khối gỗ lim, với kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột, vì chồng rường giá chiêng. Trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng, các linh vật và hoa lá thời Lê, chạm nổi, chạm bong một và một số lớp, độ sâu khác nhau...Với lối kiến trúc mang đậm phong cách nhà Lê, Chính điện là công trình tôn tạo được đánh giá là lớn nhất hiện nay.

Lam Kinh ngày nay đã có được diện mạo tương đối hoàn chỉnh, với các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn cung đình. Quy mô của khối kiến trúc nghệ thuật ở Lam Kinh là rất lớn, với Chính điện, Nghi môn, sân Rồng, cầu Bạch, Thái miếu...; cùng hệ thống bia ký, lăng mộ. Tất cả đã tạo nên diện mạo của một phong cách kiến trúc tiêu biểu, đặc sắc, đánh dấu một giai đoạn phát triển của nền kiến trúc dân tộc. Đồng thời, mang đậm bản sắc văn hóa - văn hóa Lam Sơn mà những giá trị nhân văn và sinh thái của tư duy kiến trúc độc đáo ấy vẫn còn lan tỏa cho tới hôm nay.

Với những giá trị to lớn và đặc biệt quan trọng đó của khu miếu điện, ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích Lam Kinh là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn lao, đang đặt ra cho hậu thế hôm nay trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản quý giá của cha ông.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh khởi phát là nơi an táng, thờ cúng và tôn vinh các vua và hoàng hậu nhà Lê Sơ; nơi nghỉ ngơi, hành tại của các vua Lê và triều thần trong những dịp về bái yết sơn lăng. Trải qua thời gian, ngày nay Lam Kinh trở thành biểu tượng của lòng tôn kính đối với cội nguồn tổ tiên. Để rồi, từ cái tổng thể “kiến trúc xanh” độc đáo đa tầng - vốn dĩ là sự hòa quyện tuyệt vời của thiên nhiên xanh tươi và kiến trúc đậm sắc đỏ trầm mặc - dường như hậu thế vẫn cảm nhận được tinh thần, cốt cách của cha ông ta từ gần sáu thế kỷ trước, đã đi qua thác ghềnh mà “ký thác” vào Lam Kinh, để mãi trường tồn cùng dân tộc...

Nhóm PV Thời sự


Nhóm PV Thời sự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]