(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với những giá trị về lịch sử - văn hóa - kiến trúc - nghệ thuật, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh còn sở hữu 5 bảo vật quốc gia. Đó đều là văn bia cổ, là tài liệu lịch sử có giá trị, minh chứng sống động về một thời kỳ vàng son trong quá khứ của khu di tích; là những di sản quý hiếm khẳng định cho những giá trị bất biến, trường tồn của toàn bộ khu miếu điện Lam Kinh trong tiến trình lịch sử, cũng như trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - điểm đến tâm linh “níu chân” du khách (Bài 2): - Những bảo vật quốc gia vô giá

Cùng với những giá trị về lịch sử - văn hóa - kiến trúc - nghệ thuật, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh còn sở hữu 5 bảo vật quốc gia. Đó đều là văn bia cổ, là tài liệu lịch sử có giá trị, minh chứng sống động về một thời kỳ vàng son trong quá khứ của khu di tích; là những di sản quý hiếm khẳng định cho những giá trị bất biến, trường tồn của toàn bộ khu miếu điện Lam Kinh trong tiến trình lịch sử, cũng như trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - điểm đến tâm linh “níu chân” du khách (Bài 2): - Những bảo vật quốc gia vô giá

Bia Vĩnh Lăng.

Đầu tiên đó là bia Vĩnh Lăng được xem là “một pho tư liệu quý” về nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lê sơ đã đạt đến trình độ cao của sự tinh tế, tỉ mỉ, vừa mềm mại vừa chắc khỏe khoắn. Bia Vĩnh Lăng được dựng tháng 10 năm 1433 (Thuận Thiên năm thứ 6, Quý Sửu), nằm cách lăng mộ vua Lê Thái tổ chừng 300m. Bia Vĩnh Lăng được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu: bia và rùa làm bằng đá trầm tích nguyên khối màu xám xanh với vết dấu của các loài nhuyễn thể sống trong nước (trai, sò, hến). Trên thân bia chạm khắc hoa văn rồng uốn lượn sắc nét và sống động, xen kẽ là họa tiết hoa cúc dây mềm mại, hình người ngồi niệm Phật. Phía dưới là thân rùa đội bia trong tư thế đang bơi... Bia kể về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thái tổ - người đặt nền móng dựng nên cơ đồ nhà hậu Lê trải qua mấy trăm năm lịch sử. Văn bia do quan Vinh Lộc đại phu nhập nội hành khiển tri tam quán sự Nguyễn Trãi vâng soạn, được nhiều học giả đánh giá cao bởi lối văn biền ngẫu khí thế.

Cùng với bia Vĩnh Lăng, bảo vật quốc gia Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi (bia Lê Thánh tông), cũng là tấm bia rất giàu giá trị thể hiện sự phát triển lên tầm cao mới của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và văn hóa Việt thời Lê sơ. Bia được dựng vào mùa xuân năm Mậu Ngọ, niên hiệu cảnh Thống thứ nhất (1498) đời vua Lê Hiến Tông. Bia khắc chữ Hán cả hai mặt, ghi về thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông. Bia Chiêu Lăng được làm bằng đá nguyên khối, màu xanh đen, nhẵn mịn, cao 2,76m, rộng 1,9m, dày 0,28m được đặt trên lưng rùa. Trên trán bia mặt trước khắc nổi ba hình rồng; chính giữa là một hình rồng lớn, cuộn tròn, mặt hướng ra ngoài; hai bên khắc hai rồng thân hình mập, uốn khúc bay lượn, mặt hướng chầu vào rồng lớn ở giữa. Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi, chạy song song với nhau nối từ đỉnh bia xuống đế bia, tạo thành hình chữ nhật ôm trọn toàn bộ chữ Hán. Giữa hai đường chỉ nổi mỗi bên trang trí 6 hình rồng, thân uốn cong nhiều đoạn (rồng yên ngựa), miệng há to phun ra các đao lửa đang trong tư thế vờn lên. Phần diềm phía dưới bia trang trí tương xứng 6 rồng, mỗi bên 3 con nối nhau chầu vào, đầu chạm hình những đao lửa, đuôi uốn lượn tạo hình tam sơn. Hai bên hông bia, mỗi bên khắc một rồng lớn, rồng yên ngựa, đầu rồng chạm hoa văn hình đao lửa, đuôi giống đuôi cá chuối, tư thế vút cao, dưới đuôi rồng trang trí hoa văn hình tam sơn và sóng nước, trên tam sơn là vân mây...

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - điểm đến tâm linh “níu chân” du khách (Bài 2): - Những bảo vật quốc gia vô giá

Bia Khôn Nguyên Chí Đức.

Trong 5 bảo vật quốc gia, có duy nhất bia Khôn Nguyên Chí Đức là bia ca ngợi công đức của Hoàng Thái Hậu. Đó là Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao – mẹ vua Lê Thánh Tông. Bia được dựng theo hướng Đông Nam cách lăng khoảng 70m. Bia và rùa được làm bằng đá xanh màu xám đen, bóng. Rùa có kích thước dài 1,90m; rộng 2m; cao 0,58m, nằm trong tư thế đang bơi. Bia hình chữ nhật được đặt trên lưng rùa, đỉnh trán bia hình cái hình vòng cung. Mặt trước xung quanh diềm bia khắc 4 đường chỉ chìm và 4 đường chỉ nổi chạy song song theo chiều dài từ đỉnh bia đến đế bia. Khoảng cách giữa các đường chỉ khắc nổi mỗi bên 9 rồng yên ngựa. Miệng nhả ngọc hướng về đỉnh bia chầu vào mặt nguyệt, dưới chân đế bia khắc mỗi bên 3 rồng chầu vào mặt nguyệt xen lẫn hình vân mây và đao lửa... Bia Khôn Nguyên Chí Đức là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị nhiều mặt, là một tư liệu quý để nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ.

Ngoài ra còn hai bảo vật, đó là bia Dụ Lăng (bia Lê Hiến Tông) và bia Kính Lăng (bia vua Lê Túc Tông). Đến với di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng 5 bảo vật – những công trình nghệ thuật điêu khắc độc đáo tinh tế từ hình dáng đến chất liệu hay hoa văn trang trí. Đồng thời, được hòa mình vào không gian lịch sử, được hiểu thêm về các nhân vật lịch sử và một giai đoạn lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc.

Nhóm PV Thời sự


Nhóm PV Thời sự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]