(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ nổi danh là thánh địa của vương triều Hậu Lê, cái nôi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mà Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) còn là một quần thể chứa đựng nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, đóng góp quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng: (Bài 1) - Từ chiều sâu quá khứ

Không chỉ nổi danh là thánh địa của vương triều Hậu Lê, cái nôi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mà Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) còn là một quần thể chứa đựng nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, đóng góp quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng: (Bài 1) - Từ chiều sâu quá khứ

Nghi môn, công trình kiến trúc đặc sắc tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Theo sử sách ghi lại, cuộc khởi nghĩa do Anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo vào mùa xuân năm 1418 bắt đầu từ núi rừng Lam Sơn. Trải qua nhiều gian nan, thử thách, với sự đồng lòng trên dưới và tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cuối cùng cuộc khởi nghĩa đã giành toàn thắng. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, năm 1430 Vua Lê Thái Tổ cho đổi Lam Sơn thành Tây Kinh hay Lam Kinh để phân biệt với Đông Kinh - Thăng Long.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng: (Bài 1) - Từ chiều sâu quá khứ

Khu lăng mộ Vua Lê Thái Tổ.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì khu miếu điện Lam Kinh bắt đầu được xây dựng năm 1433, sau khi Vua Lê Thái Tổ mất và được đưa về an táng ở Lam Kinh. Đến năm 1457 một số công trình như tẩm cung thờ Thái Hoàng thái phi và miếu thờ Cung từ Quốc thái mẫu tiếp tục được xây dựng, giúp hoàn thiện diện mạo toàn bộ khu miếu điện, lăng tẩm.

Thời ấy, Lam Kinh hay còn là “kinh đô tưởng niệm” của nhà Hậu Lê là một trung tâm hành lễ thờ tự các vua và hoàng thái hậu vào loại lớn nhất, tiêu biểu trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến ở Việt Nam. Lam Kinh gồm một quần thể kiến trúc điện, miếu, lăng mộ, sân rồng, tả vu, hữu vu, nghi môn, thành lũy, khe Ngọc và các công trình kiến trúc khác được phân bố vừa tập trung vừa trải rộng, phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu. Cùng với sự bao bọc của rừng núi khiến cho cảnh quan thiên nhiên nơi đây tự nhuốm màu cổ kính, không khí u tịch, trang nghiêm mà không cần sự tác động của con người.

Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú có viết: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh, nước biếc, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và lăng của các nhà vua và hoàng hậu nhà Lê đều ở đây cả, lăng nào cũng có bia”. Các công trình trong Lam Kinh đều được tạo dựng mang đậm màu sắc của một nơi dành cho người đã khuất.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng: (Bài 1) - Từ chiều sâu quá khứ

Bia Vĩnh Lăng, bảo vật Quốc gia tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Tuy nhiên, trải qua nắng núi, mưa ngàn, khu di tích từng bị tàn phá, các hạng mục công trình gần như chỉ còn là phế tích. Năm 1962 Di tích lịch sử Lam Kinh đã được xếp hạng là di tích quốc gia và đưa vào quy hoạch để bảo vệ. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, làm cơ sở cho việc bảo tồn và khôi phục lại diện mạo Lam Kinh như ngày nay.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng: (Bài 1) - Từ chiều sâu quá khứ

Du khách tham quan tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Từ đó đến nay có khoảng 20 hạng mục công trình đã được tôn tạo, nổi bật trong đó là toà chính điện; các khu lăng mộ vua và hoàng thái hậu; các tòa miếu; sân rồng, nghi môn; cầu Bạch, đền thờ Vua Lê Thái Tổ; đền thờ Lê Lai... Cùng với đó, các hạng mục như hồ Như Áng, giếng cổ, khe Ngọc và cảnh quan thiên nhiên cũng được cải tạo và bảo vệ nghiêm ngặt. Nhờ đó, Lam Kinh đã thực sự được “hồi sinh” từ tro tàn phế tích và có được diện mạo bề thế, trang nghiêm, linh thiêng để hậu thế tìm về ngưỡng vọng, tri ân công đức tiền nhân tiên.

Với những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, giá trị của Khu di tích lịch sử Lam Kinh là không thể phủ nhận và năm 2012 đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Sự vinh danh này đã khẳng định những giá trị trường tồn về lịch sử, văn hóa - kiến trúc, nghệ thuật của Lam Kinh không chỉ tiêu biểu cho một thời đại mà còn bởi di sản này đã trải qua sự chọn lọc khắc nghiệt của thời gian và lịch sử, để trở thành một phần tinh hoa lấp lánh trong kho tàng văn hóa đồ sộ của dân tộc Việt Nam.

Nhóm PV CT-XH


Nhóm PV CT-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]