(vhds.baothanhhoa.vn) - “Con người sinh ra đã có một Tổ quốc, với một lịch sử riêng, một gia tài văn hóa riêng và những yêu cầu khách quan về Tổ quốc, gia đình, thân phận, diện mạo, không thuộc quyền lựa chọn của anh ta. Điều thuộc phạm vi lựa chọn là cách sống sao cho đáp ứng những yêu cầu khách quan này. Điều này bắt buộc anh ta phải hiểu các yêu cầu khách quan”. Đó là một trong những tiền đề quan trọng để dịch giả , nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Phan Ngọc (1925 – 2020) viết nên công trình “Một thức nhận về văn hóa Việt Nam” (Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, 2018).

Một thức nhận về văn hóa Việt Nam

“Con người sinh ra đã có một Tổ quốc, với một lịch sử riêng, một gia tài văn hóa riêng và những yêu cầu khách quan về Tổ quốc, gia đình, thân phận, diện mạo, không thuộc quyền lựa chọn của anh ta. Điều thuộc phạm vi lựa chọn là cách sống sao cho đáp ứng những yêu cầu khách quan này. Điều này bắt buộc anh ta phải hiểu các yêu cầu khách quan”. Đó là một trong những tiền đề quan trọng để dịch giả , nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Phan Ngọc (1925 – 2020) viết nên công trình “Một thức nhận về văn hóa Việt Nam” (Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, 2018).

Phan Ngọc sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học tại Yên Thành, Nghệ An. Ông có bằng tú tài thời Pháp thuộc, từng là tổ trưởng (đầu tiên) tổ Ngôn ngữ học (nay là khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Từ năm 1980 – 2000, ông là chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 1992, ông được phong hàm Phó giáo sư. Năm 2001, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm công trình “Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới” (1994), “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985).

“Một thức nhận về văn hóa Việt Nam” tập hợp 9 tiểu luận được trình bày khoa học, khúc triết, sâu sắc về các vấn đề của văn hóa Việt Nam: “Quan niệm Tổ quốc luận của Việt Nam”, “Bài học của Bác Hồ đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa mới”, “Nền văn hóa mới của Việt Nam”, “Văn hóa Việt Nam và ngoại giao”, “Đường lối văn hóa trong tôn giáo”, “Đường lối văn hóa trong văn nghệ”, “Đường lối văn hóa trong quân sự”, “Đường lối văn hóa trong giáo dục”... Công trình được thực hiện từ việc nghiên cứu theo thức nhận.

Một thức nhận về văn hóa Việt Nam

Phan Ngọc cắt nghĩa rõ ràng hai cách nhìn khác nhau trong nghiên cứu văn hóa, đó là cách nhận thức và thức nhận. Trong đó, với cách thức nhận, người nghiên cứu tập trung vào việc khảo sát chính lý do khiến mình thấy các hiện tượng văn hóa xuất hiện, diễn biến như vậy. Người nghiên cứu dựa vào những kết quả điều tra, miêu tả mà chính mình hay những người khác đã làm, nhưng lại tập trung không phải vào việc miêu tả mà lo giải thích những quan hệ, nguyên nhân khiến một nền văn hóa nào đó có những biểu hiện riêng, thậm chí cá biệt so với nền văn hóa khác.

Nghiên cứu theo kiểu khúc xạ là xét cái gốc, sau đó xét xem trong thực tế nó đã thay đổi như thế nào để làm thành một đóng góp vào xã hội Việt Nam. Có những lúc có sự chuyển hóa đột ngột tưởng chừng phá vỡ được cái cũ, nhưng rồi với thời gian, lại diễn ra một sự hội tụ mới. Cái cũ được đổi mới sau khi tích hợp với cái mới để trở thành một hiện tượng quen thuộc, phù hợp với tâm thức Việt Nam.

Bởi vậy, đọc cuốn sách, độc giả tiếp cận từng lát cắt của vấn đề được bóc tách rất rõ ràng, từ “làng – nước”, học thuyết, những dấu chỉ của cái mới hình thành, ngoại giao, tôn giáo, văn nghệ, quân sự, giáo dục... Đọc cuốn sách, mỗi chúng ta dường như đã hiểu sâu sắc, cặn kẽ hơn về văn hóa của dân tộc mình, cũng chính là dân tộc mình đó.

“Từ đầu đến cuối, công trình Một thức nhận về văn hóa Việt Nam xét mọi vấn đề ở mặt quan hệ và cắt nghĩa tại sao có những cách giải quyết khác nhau ở các nền văn hóa trong những vấn đề có tính chất toàn nhân loại, hy vọng có thể góp phần nhỏ bé vào giai đoạn của Việt Nam trong một thế giới đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, để có thể chấp nhận nhau và giúp đỡ nhau”.

“Một thức nhận về văn hóa Việt Nam” đã giới thiệu cách hiểu về văn hóa Việt Nam, giúp người đọc đổi mới văn hóa sao cho phù hợp với yêu cầu của chính Việt Nam trong thời đại ngày nay. Mặc dù các bài viết được hoàn thành từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX nhưng đến nay, nó vẫn mang ý nghĩa, giá trị thực tiễn.

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]