(vhds.baothanhhoa.vn) - Tết đến, xuân về là dịp để mỗi người sum vầy bên gia đình, cùng chúc nhau những điều tốt lành. Đặc biệt, trong thong thả niềm vui những ngày đầu năm, người Việt vẫn thường nói: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” để nhắc nhớ nhau về công ơn cha mẹ, thầy cô.

“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”

Tết đến, xuân về là dịp để mỗi người sum vầy bên gia đình, cùng chúc nhau những điều tốt lành. Đặc biệt, trong thong thả niềm vui những ngày đầu năm, người Việt vẫn thường nói: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” để nhắc nhớ nhau về công ơn cha mẹ, thầy cô.

“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”Khi xưa tại đất Cổ Bôn, vào ngày đầu xuân vẫn thường diễn ra "Lễ triều quan" ý nghĩa. Ảnh: Nguyễn Xuân Văn (chụp tại đền thờ Phúc khê tướng công Nguyễn Văn Nghi)

Năm nào cũng thế, trong tất bật những ngày cuối năm, anh Nguyễn Văn Thịnh (Hoằng Xuân, Hoằng Hóa) hiện đang sống tại Hải Phòng luôn dành thời gian để đưa các con về nhà ăn tết cùng ông bà hai bên. Và năm nay cũng vậy, anh chia sẻ: “Vợ chồng tôi cùng làm việc tại Hải Phòng nên đã mua nhà, các con cũng học hành ngoài đây. Tuy nhiên, tôi luôn nhắc con nhớ về quê hương của mình. Vì thế, ngoài nghỉ hè thì dịp tết, dù bận rộn chừng nào tôi cũng tranh thủ đưa các cháu về quê vui tết với ông bà. Tết này, tôi tranh thủ đưa hai con về quê trước, còn vợ chồng thì có lẽ phải chiều 30 tết mới về được. Mình bận rộn một chút, nhưng ông bà, con cái đều vui. Và trong những ngày tết, tôi cũng tranh thủ đưa các con đi chơi khắp họ hàng nội, ngoại, để con cái khi lớn lên không xa lạ với chính quê hương, anh em họ hàng”.

Hiểu được tấm lòng của con cái và các cháu, nên ông Nguyễn Văn Bia, bố anh Nguyễn Văn Lượng vui ra mặt. Ông tâm sự: “Ông bà tôi đều đã có tuổi, tiền bạc hay quà cáp này nọ cũng không còn thực sự quan trọng. Chỉ mong ngày tết về, con cháu sum vầy cùng ông bà, vậy là vui nhất. Bên mâm ngũ quả, mùi trầm hương quện tỏa, ông bà kể cho các cháu nghe chuyện xưa, chuyện nay, rồi nhắc nhở con cháu về truyền thống gia đình, về những điều tốt đẹp phải gìn giữ... Tết xưa thiếu thốn mà tình cảm, ấm áp, thì hà cớ gì, cuộc sống nay đã đủ đầy hơn, chúng ta lại không giữ cho tết vẹn tròn ý nghĩa”.

Tâm sự của ông Bia có lẽ cũng giống bao gia đình người Việt khác. Dù cuộc sống mưu sinh bận rộn, con người phải bôn ba khắp nơi, trong Nam, ngoài Bắc, vậy nhưng có người Việt nào, lại không mong ước ngày tết được sum vầy bên gia đình thân yêu. Cùng nhau thắp cho tổ tiên nén tâm hương thành kính, cầu mong những điều tốt đẹp.

Về nghi lễ ngày đầu năm, tác giả Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục đã viết: “Sáng mùng một tết thì làm cỗ cúng gia tiên và cúng cả Thổ công... cỗ bàn to nhỏ thế nào cũng được, nhưng làm sao cũng phải có bánh chưng... Hôm ấy ăn nói phải giữ gìn, sợ nói bậy thì giông cả năm. Nhiều nhà nhờ một người phúc hậu dễ tính, sáng sớm đến xông đất, để cho cả năm được bán đắt buôn may... Cúng gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi”.

Đã thành thông lệ, trong ba ngày tết, dù có đi chơi đâu, thì mỗi người cũng không “quên” việc đi chúc tết ông bà, cha mẹ, thầy cô đã có công sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ chúng ta nên người. Phải chăng vì thế, mà người Việt đã “nằm lòng” câu nói: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”.

Tại gia đình tôi, ba ngày tết vẫn thường diễn ra theo “lịch” quen thuộc. Sáng mùng một, chị em tôi luôn được bố mẹ mừng tuổi cho những đồng tiền rất mới. Sau đó, ba chị em sẽ theo bố vào nhà thờ họ dâng hương cùng nhiều gia đình khác. Khi trở về, mẹ tôi đã sắp sẵn mâm cơm cúng gia tiên. Sang ngày mùng hai, cũng vào buổi sáng sau khi dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, cả gia đình lại cùng nhau xuống nhà bà ngoại chúc tết. Do nhà bà ngoại ở cách nhà tôi chỉ một quãng không xa, nên cả gia đình vẫn thường cùng nhau đi bộ, còn để tranh thủ “hít hà” hương xuân tràn ngập không gian. Ông ngoại mất đã lâu, chỉ còn mình bà ngoại, nên ngày hôm đó, cả nhà sẽ cùng với bà làm mâm cơm, trước để thắp hương, sau đó cùng nhau ăn bữa cơm ấp áp. Sang ngày mùng ba tết, tôi lại cùng với đám bạn rủ nhau đến nhà thầy cô chúc tết... Cứ như thế, những mùa tết đến, xuân về trôi qua, chúng tôi cũng từ đó mà lớn lên cùng những ký ức tết thật đẹp.

“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”Vào ngày tết, ông bà, cha mẹ lại mừng tuổi cho cháu con cùng với những lời chúc tốt lành.

Và câu chuyện “tết thầy” trong những ngày tết, ở góc độ khác còn được hiểu là sự đề cao đối với việc học và những người có công đối với việc học ở những làng quê xưa. Đất Cổ Bôn (nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) xứ Thanh được biết đến là làng quê khoa bảng, có truyền thống học hành, đỗ đạt. Khi xưa vào dịp tết đến, xuân về tại Cổ Bôn diễn ra “Lễ triều quan” vô cùng ý nghĩa. “Sáng mùng 2 Tết Nguyên đán, các vị trong hội Tư văn của Cổ Bôn khăn áo chỉnh tề, tập trung ở nhà Thánh lễ Đức Khổng Tử và thất thập nhị hiền. Sau đó cử 12 người mặc áo thụng xanh hoặc đen, đội mũ tế, đi giày tế đến tận gia đình các vị khoa bảng, nổi tiếng tài đức, được Nhân dân trọng vọng để làm lễ tưởng niệm. Các vị được làm “Lễ triều quan” trong làng gồm: Phúc khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, Quận công Nguyễn Khải, Hoàng giáp Lưu Ngạn Quang, Thám hoa Thiều Sĩ Lâm...” (sách Địa chí huyện Đông Sơn).

Lý giải về ý nghĩa của mỹ tục “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, PGS.TS Hỏa Diệu Thúy, chia sẻ quan điểm: “Thành ngữ mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy có thể ngầm hiểu đó là một “quy tắc” giáo huấn về lễ nghĩa, sự quan tâm. Trong ngày tết truyền thống của dân tộc Việt Nam, gia đình - cha mẹ luôn được đặt lên hàng đầu. Tết cha được hiểu là sự quan tâm đối với cha mẹ, đấng sinh thành và gia đình bên nội; còn tết mẹ được hiểu là sự quan tâm dành cho bên ngoại. Sự quan tâm, trách nhiệm không chỉ đối với con gái đi lấy chồng, mà còn ngay cả với chàng rể. Và mùng ba dành để tết thầy - bày tỏ sự biết ơn đối với sự dạy dỗ của người thầy. Đi qua thời gian, dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng “quy tắc” lễ nghĩa ấy vẫn đúng và phù hợp với truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt. Dĩ nhiên hiện nay, việc tết cha, tết mẹ, tết thầy sẽ mang ý nghĩa “biểu trưng” nhiều hơn, không còn bị bó buộc vào những ngày cụ thể. Điều quan trọng, đó là sự nhắc nhở để mỗi người không quên nguồn cội gia đình, cũng như đối với thầy cô dạy dỗ, để chúng ta thành người”.

Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]