(vhds.baothanhhoa.vn) - Sự hòa quyện mang tính huyền thoại giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với truyền thống văn hóa, lịch sử đã tạo nên những bản sắc riêng cho du lịch TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, nhiều năm qua ngành du lịch thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Nhìn thẳng vào thực trạng và hạn chế, TP Thanh Hóa đã “vạch ra” nhiều giải pháp nhằm nâng tầm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giàu bản sắc, với sự đa dạng về loại hình.

Nâng tầm “ngành công nghiệp không khói”

Sự hòa quyện mang tính huyền thoại giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với truyền thống văn hóa, lịch sử đã tạo nên những bản sắc riêng cho du lịch TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, nhiều năm qua ngành du lịch thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Nhìn thẳng vào thực trạng và hạn chế, TP Thanh Hóa đã “vạch ra” nhiều giải pháp nhằm nâng tầm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giàu bản sắc, với sự đa dạng về loại hình.

Nâng tầm “ngành công nghiệp không khói”Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã - một địa danh tham quan nổi tiếng của TP Thanh Hóa.

Tài nguyên du lịch phong phú, giàu bản sắc

Tài nguyên du lịch tự nhiên của TP Thanh Hóa nổi trội với cảnh quan sinh thái, núi rừng, sông hồ. Dòng sông Mã chảy qua địa phận thành phố đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, làng mạc trù phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, như: núi Đọ, Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng... Ngay trong lòng thành phố, thắng cảnh Hàm Rồng đã lưu danh sử sách, với nhiều núi non, hang động kỳ thú. Núi Phượng, núi Voi, núi Rồng, núi Nhồi, núi Mật Sơn, núi Đọ, hay động Long Quang, động Tiên đều gắn liền với các di tích lịch sử, công trình văn hóa như: Di chỉ khảo cổ núi Đọ, làng cổ Đông Sơn, Đồi Quyết Thắng, Đồi C4, Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ Hàm Rồng,... Đặc biệt, trên địa bàn thành phố hiện nay còn lưu giữ dấu tích về nguồn gốc người Việt cổ, cùng sự ra đời, phát triển của một nền văn hóa lâu đời, mà đại diện là di chỉ khảo cổ ở núi Đọ và di chỉ Văn hóa Đông Sơn.

Sự hòa quyện mang tính huyền thoại giữa cảnh quan thiên nhiên với truyền thống văn hóa và lịch sử đã tạo nên bản sắc riêng, hấp dẫn của du lịch thành phố. Bên cạnh làn điệu hò sông Mã, hát múa Tú Huần, trò chơi dân gian bịt mắt tung cù, cờ người, bài điếm đặc sắc, ở nhiều làng quê của thành phố vẫn còn lưu giữ được các lễ hội văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, từ TP Thanh Hóa có thể kết nối thuận lợi đến các điểm du lịch nổi tiếng của xứ Thanh như biển Sầm Sơn, Vườn Quốc gia Bến En, Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, di tích khảo cổ hang Con Moong, Khu du lịch Suối cá Cẩm Lương, động Từ Thức, quần thể di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu.

Với tài nguyên du lịch phong phú và truyền thống văn hóa, lịch sử, TP Thanh Hóa sở hữu điều kiện thuận lợi để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giàu bản sắc, với sự đa dạng về loại hình; từ du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghiên cứu lịch sử, đến du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí - thể thao - mạo hiểm và du lịch nghỉ dưỡng.

Nâng tầm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đề án phát triển du lịch TP Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt cuối tháng 1-2018, chính là hướng đi để thành phố đánh thức tài nguyên về du lịch. Với 10 nhóm giải pháp và 36 nhiệm vụ, trong 3 năm qua, thành phố đã xây dựng được 7/10 sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh kết hợp với ngân sách địa phương, thành phố đã đầu tư xây dựng hoàn thiện Khu bến thuyền cầu cảng Hàm Rồng và các tuyến đường: Tiên Sơn nối động Tiên Sơn, Tiên Sơn - Hạc Oa, Đồng Cổ, Tiên Sơn - Giàng, Trần Khát Chân; cải tạo Đồi C4 và Đền thờ Lê Uy - Trần Khát Chân. Ngoài ra, trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố đã được các doanh nghiệp đầu tư mạnh, với quy mô lớn, hiện đại, sang trọng, đáp ứng tốt nhu cầu về ăn nghỉ, vui chơi, mua sắm của Nhân dân và khách du lịch. Nhờ vậy, từ năm 2018 đến năm 2020, thành phố đã đón 4,95 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 5.300 tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng du lịch thành phố vẫn chưa có sức hấp dẫn để giữ chân du khách. Nhằm nâng tầm “ngành công nghiệp không khói”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ “Phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và các loại hình có giá trị gia tăng cao” là 1 trong 3 chương trình trọng tâm. Theo Chương trình Phát triển du lịch TP Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, trong những năm tới thành phố tập trung rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch du lịch, gắn với quy hoạch phát triển đô thị nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch; trong đó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và phát huy giá trị các di tích lịch sử để hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố. Đồng thời, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch văn hóa mới theo chuyên ngành nghiên cứu về các di chỉ khảo cổ học ở núi Đọ, di chỉ khảo cổ Đông Sơn, di chỉ gốm Tam Thọ. Cùng với nâng cao chất lượng và làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch về văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng tâm linh, thành phố chú trọng phát triển các mô hình về du lịch trải nghiệm và khai thác tiềm năng kinh tế ban đêm ở khu vực nội thành. Đi liền với việc phát triển các sản phẩm du lịch theo 3 hướng chính, bao gồm: Du lịch văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh; du lịch sinh thái, nông nghiệp và cộng đồng; du lịch đô thị, thành phố còn quan tâm xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch mới như: “Ký ức Hàm Rồng”, “Lễ hội hoa đăng trên sông Mã”, “Không gian văn hóa Hội An tại TP Thanh Hóa”, tham quan làng nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật văn hóa dân gian... Một giải pháp quan trọng khác để nâng tầm du lịch địa phương, đó là thành phố gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các phường, xã trong việc cải thiện môi trường du lịch thành phố theo hướng an toàn, thân thiện, mến khách và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Bằng định hướng phát triển đúng đắn, tin tưởng rằng trong những năm tới du lịch của TP Thanh Hóa sẽ có sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, trở thành ngành kinh tế có thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố “hai bên bờ sông Mã”.

Trần Thanh


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]