(vhds.baothanhhoa.vn) - Được hình thành từ khoảng thế kỷ XIV - XV, thôn Sét, xã Định Hải, huyện Yên Định trước đây có tên là làng Đa Lộc. Có sông Mã chảy qua, vùng đất địa linh, an vui lạc thổ, sông núi hữu tình được nhiều người tìm đến. Đến nay, dẫu đời sống kinh tế đã khác, cơ cấu ngành nghề cũng đã thay đổi, nhưng cảnh quê, hồn làng vẫn còn vẹn nguyên.

Nét thâm trầm của cảnh quê, hồn làng

Được hình thành từ khoảng thế kỷ XIV - XV, thôn Sét, xã Định Hải, huyện Yên Định trước đây có tên là làng Đa Lộc. Có sông Mã chảy qua, vùng đất địa linh, an vui lạc thổ, sông núi hữu tình được nhiều người tìm đến. Đến nay, dẫu đời sống kinh tế đã khác, cơ cấu ngành nghề cũng đã thay đổi, nhưng cảnh quê, hồn làng vẫn còn vẹn nguyên.

Nét thâm trầm của cảnh quê, hồn làngĐình làng Sét, di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ban đầu, người dân Ấp Sát, sau này là thôn Sát (Sét) ở trên lưng núi, sau mở rộng dần xuống nơi đất bằng phẳng. Đến giai đoạn phong kiến, có thời điểm làng Sét là huyện lỵ - trung tâm chính trị, văn hóa của huyện Yên Định với nhiều công trình như: chợ Sét, trường Sét, bến Sét, phố Sét và nhà thương Sét... Cụ Đỗ Thị Nhạn, năm nay tròn 100 tuổi, người cao niên nhất trong làng kể lại: “Trước kia, chúng tôi được nghe kể, khung cảnh ở đây rất tấp nập. Có 22 xứ đồng nên bà con chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng và chưa bao giờ bị đói, thiếu ăn. Lại thêm trong làng có chợ Sét xây dựng với quy mô 1 ha dưới chân núi Quy Sơn, thường họp 6 ngày/tháng, cụ thể là ngày 3, 8, 13, 18, 22 và 28 âm lịch, lúc nào cũng đông đúc người làng trên xóm dưới đến mua bán. Đời sống vốn khá giả nhất trong vùng”.

Tài liệu Lịch sử truyền thống cách mạng xã Định Hải có ghi: Do nằm ven sông Mã nên chợ thuận tiện cho Nhân dân đến giao lưu, buôn bán các loại rau quả, đồ dùng trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Cũng là địa điểm giao thương thuận lợi nên bà con ngoài nghề làm ruộng còn phát triển một số nghề như: nhuộm thâm, dệt vải, buôn hàng tấm, hàng xén, hàng thuốc Bắc... Thậm chí một số xóm trong làng còn phát triển các nghề đặc thù như chuyên bán bánh kẹo, đậu phụ. Hầu hết các nghề này là do giai đoạn cuối thế kỷ XIX, một số gia đình ở Khúc Thủy (Hà Đông, nay là TP Hà Nội) và Nam Trực, Thương Nông (Nam Định) di cư vào sinh sống trong làng Sét. Trong quá trình sinh sống và lập nghiệp họ đã mở ra nhiều nghề.

Dẫn chúng tôi đi tham quan thôn, ông Nguyễn Hồng Việt, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Thôn Sét nay, làng Sét trước kia có nhiều công trình kiến trúc gắn liền với lịch sử cũng như các danh nhân. Trước đây tại làng có Cồn họ Trương, nơi đặt mộ của ông Trương Cảnh Phúc, người được phong làm Đô đốc quận công thượng tượng dưới thời hậu Lê; Chùa làng Sét, hay còn gọi Quy Sơn tự, được phu nhân của Đô đốc quận công Trương Cảnh Phúc xây dựng từ cuối thế kỷ XVI; và nghè làng Sét xây dựng từ thế kỷ XVII thờ thần Cai Tuấn, quản gia cho Cao Biền từ thời nhà Đường năm 865. Tuy nhiên, theo thời gian, rất tiếc chùa và nghè đã bị phá dỡ.

Đưa chúng tôi đến thăm đình làng, ông Việt giới thiệu thêm: Người dân thôn Sét tự hào vì có Di tích quốc gia đình làng Sét được xây dựng từ năm 1595 dưới thời vua Lê Thế tông. Hai câu đối: "Luân lý tư duy ư xã hội/ Văn minh chú trọng tại dân quyền” ở 2 cây cột cao gần 10m ngoài cổng đình cho thấy dù trước đây hay bây giờ, người dân vẫn là gốc rễ, đóng vai trò quan trọng giữ gìn truyền thống và sự phát triển của xã hội.

Nét thâm trầm của cảnh quê, hồn làngÔng Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hải tiếc nuối khi nhiều sắc phong của đình đã mục, nát.

Dẫu không phải ngôi đình bề thế với lối kiến trúc đặc biệt hay những hoa văn trang trí cầu kỳ, đình làng Sét đẹp ở chính cái rêu phong, sự cổ kính trong một không gian thâm trầm của làng quê. Qua gần 430 năm, với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, lần gần đây nhất, 10 năm trước, cùng với nguồn ngân sách của tỉnh và huyện, thôn cũng phải huy động xã hội hóa để trùng tu. “Quan điểm của người dân là phải giữ gìn tối đa tính nguyên bản của đình, vì thế mà đình làng vẫn nguyên vẹn nét rêu phong”.

Từ truyền thống ấy, người dân thôn Sét đã không ngừng cố gắng nhằm cải thiện đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần. Các công trình kiến trúc khác của tập thể và người dân dần được tu sửa và cải tạo. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, sạch đẹp. Vì thế, năm 2000, làng Sét đã được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh.

Là 1 trong 5 thôn của xã Định Hải, thôn Sét hiện có 400 hộ với 1.430 khẩu, số hộ làm nông nghiệp đang ngày càng ít đi, thay vào đó người dân tập trung vào làm các nghề dịch vụ như đá mỹ nghệ, mộc, hàn sắt, xây dựng... Tuy vậy, đời sống của người dân chưa tăng lên đáng kể, thu nhập trung bình đạt 60 triệu đồng/người/năm. Đây cũng là lý do mà đến nay thôn vẫn chưa đạt được các tiêu chí để được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Chia sẻ về những khó khăn này, ông Nguyễn Hồng Việt cho biết: “Người dân đã rất nỗ lực trong việc đóng góp và hiến đất để xây dựng thôn kiểu mẫu. Nhiều đoạn đường đã được làm mới và mở rộng. Song, với xuất phát điểm thấp, lại thêm ở vào vị trí giao thông không thuận lợi, đời sống kinh tế của bà con vẫn còn khó khăn nên chúng tôi chưa đạt được một số tiêu chí thôn kiểu mẫu. Để sớm về đích thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023, Nhân dân đang cố gắng nỗ lực để hoàn thành".

“Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là đình làng dù còn giữ được những nét kiến trúc cổ kính từ thời Lê, song nhiều hạng mục xuống cấp, hầu hết đồ gỗ đã bị hư hỏng nặng, nhiều đồ thờ bị mất, hàng chục sắc phong mục nát. Chúng tôi đã vận động được bà con Nhân dân đóng góp tiền để lát lại sân đình trong thời gian sắp tới, nhưng còn rất nhiều hạng mục cần nhiều nguồn kinh phí và sự quản lý của các cấp cao hơn”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Mạnh, trưởng thôn. Và ông khẳng định, “dù mức thu nhập không cao, nhưng mỗi khi được chính quyền xã, thôn huy động là bà con sẵn sàng đồng thuận, đặc biệt là các vấn đề văn hóa. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói vậy. Không chỉ ở tầm quốc gia, ở xã, thôn, chúng tôi vẫn tuyên truyền cho bà con rằng vẫn rất cần giữ gìn truyền thống văn hóa. Vì thế, hàng năm, ở thôn Sét, từ ngày mùng 10 đến 12-3 âm lịch, Nhân dân lại tổ chức lễ hội kỳ phúc cầu cho mưa thuận gió hòa, người người được bình an”.

Đánh giá rất cao vai trò của người dân thôn Sét, ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hải nói: Nhìn lại chặng đường gần 75 năm kể từ khi những “đốm lửa cách mạng” đầu tiên xuất hiện ở xã Định Hải cho đến nay có sự đóng góp rất lớn của Nhân dân thôn Sét. Những năm gần đây, dù đời sống kinh tế của bà con đang dần thay đổi, thì việc chú trọng đến gia phong, lề lối, truyền thống vẫn được giữ gìn trong từng gia đình. Đây chính là điểm tựa để giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử bên cạnh sự phát triển kinh tế.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]