(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 110 đơn vị nghệ thuật công lập trên cả nước hiện đang chật vật trong bối cảnh nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại chiếm ưu thế. Chế độ, chính sách dành cho nghệ sĩ hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó vấn đề “chảy máu” dù diễn ra âm thầm nhưng đầy xót xa. Câu chuyện “thầy già, con hát trẻ” đã được bàn tính tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn, song đến nay vẫn chưa có lời giải giúp các nghệ sĩ giải tỏa tâm lý chờ đợi để yên tâm cống hiến hết mình vì nghệ thuật.

Nghệ thuật truyền thống - “Mờ tỏ” ánh đèn: Khi người trẻ không mặn mà

Hơn 110 đơn vị nghệ thuật công lập trên cả nước hiện đang chật vật trong bối cảnh nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại chiếm ưu thế. Chế độ, chính sách dành cho nghệ sĩ hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó vấn đề “chảy máu” dù diễn ra âm thầm nhưng đầy xót xa. Câu chuyện “thầy già, con hát trẻ” đã được bàn tính tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn, song đến nay vẫn chưa có lời giải giúp các nghệ sĩ giải tỏa tâm lý chờ đợi để yên tâm cống hiến hết mình vì nghệ thuật.

Nghệ thuật truyền thống - “Mờ tỏ” ánh đèn: Khi người trẻ không mặn mà

“Trống trận Ba Đình” - một trong những vở cải lương giành được nhiều tình cảm của người trong nghề và khán giả tại Liên hoan cải lương toàn quốc, tổ chức ở Long An năm 2018.

Từ thực tế

Kể từ khi luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Vì thế vài năm trở lại đây, các đơn vị nghệ thuật truyền thống trong cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng đang tồn tại thực tế thiếu hụt lực lượng nghệ sĩ trẻ.

Theo chia sẻ của tiến sĩ Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Thanh Hóa: Kể từ năm 2016 đến nay, nhà trường không được đào tạo hệ trung cấp, cũng từ đó Khoa Sân khấu giải thể. NSND Hàn Văn Hải - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, cho biết: “Trước đây, nếu chỉ tính riêng nghệ thuật chèo, cứ 3 năm xuất hiện một lớp nghệ sĩ. Từ thế hệ đầu tiên là anh Trương Hải Thọ, sau đó là thế hệ các anh chị: Thanh Tâm, Quốc Chiến, Xuân Chín, rồi thế hệ của tôi... Nhờ có hệ trung cấp văn hóa nghệ thuật mà nhiều lớp nghệ sĩ đã ra đời, khẳng định được tên tuổi của mình”.

Tuy vậy, để giải bài toán thiếu hụt lực lượng kế thừa, năm 2016, Bộ VH,TT&DL đã đổi mới hình thức đào tạo theo kiểu “đặt hàng”, phối hợp giữa các đơn vị nghệ thuật và cơ sở giáo dục. Khi đó, Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa (đã sáp nhập vào Nhà hát Nghệ thuật truyền thống) có gửi 15 em theo học. Tham gia lớp học, các em vừa được học chuyên môn, vừa học giáo dục phổ thông và đặc biệt được Nhà nước lo từ cái kim, sợi chỉ, thuốc đánh răng. NSND Trương Hải Thọ, lúc đó đang là Trưởng Đoàn Nghệ thuật Chèo kể lại sự vất vả từ khâu sơ tuyển đến trung tuyển để lựa chọn ra 15 nhạc công và diễn viên tham gia đề án của Bộ VH,TT&DL. Họ là những người trẻ đẹp và yêu chèo. Tuy nhiên, khi các em ra trường, tưởng sẽ bổ sung lực lượng “thanh xuân hóa”, nhưng thực tế, nhà hát không đủ sức để “nuôi” các em. “Dù đã qua thời kỳ bao cấp, sang cơ chế thị trường, song, nếu để nghệ thuật truyền thống tự bơi thì chắc chắn sẽ “đắm”, đó là sự xót xa" - NSND Trương Hải Thọ chia sẻ.

Ngoài ra, từ các cuộc thi tài năng trẻ sân khấu cho thấy, sự chênh lệch lớn giữa số lượng thí sinh mà các đơn vị đăng ký tham dự. Một số đơn vị nhiều kỳ không cử được diễn viên tham gia, có đơn vị chỉ cử được một, hai thí sinh đi thi nhưng chưa đủ độ chín để có thể đảm đương các vai diễn mẫu. Thanh Hóa tuy chưa nằm trong danh sách báo động đỏ, song không lâu nữa, sẽ phải chứng kiến sự thiếu hụt lực lượng.

Làm nghề nhưng các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ vài năm mới được tham gia một vở diễn. Điều này tác động trực tiếp đến đời sống cũng như tư tưởng, tình cảm và sự cống hiến của họ cho nghệ thuật.

Đến những nỗi buồn

Hiện tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa có 102 người, trên tổng số 86 định biên. Là đơn vị sự nghiệp có thu, thông qua các hoạt động biểu diễn, nhà hát lấy thu bù chi, tiết kiệm để trả lương cho 16 hợp đồng, mà theo NSND Hàn Hải: “Đây là lực lượng quan trọng của đơn vị nghệ thuật chúng tôi”.

Với con số định biên 86 người, nhà hát thiếu trước hụt sau về nhân lực. NSND Hàn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh chỉ ra từng vị trí không thể thiếu ở một đơn vị nghệ thuật. Cụ thể, nhà hát hiện có 4 đoàn. Ngoài bộ phận hành chính phải ít nhất có 10 người, đó là 1 giám đốc, 3 phó giám đốc, phòng hành chính, kế toán, thủ quỹ... Số còn lại 76 người chia cho 4 đoàn. Trong khi đó, chỉ tính riêng để đảm bảo một vở chèo cần: 2 kép (kép chính, kép lệch), 2 lão (lão ác, lão thiện), 2 hề (hề áo ngắn và hề áo chùng), 2 đào (đào chính, đào lệch), dàn múa: 8 người, dàn nhạc: 10 người, đó là chưa kể lái xe và trưởng đoàn. Tính chi ly, ít nhất một đoàn nghệ thuật cần phải có 40 người. Nhìn đi rồi cũng phải nhìn lại, thực trạng thiếu nhân lực không chỉ riêng gì Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, mà là tình trạng chung của nghệ thuật truyền thống trên cả nước. Như chia sẻ của NSND Hàn Hải: “Đến tuổi tôi thì làm sao mà còn đóng kép chính được nữa, phải có lớp trẻ thì sân khấu may chăng mới kéo khán giả đến xem, dẫu là xem miễn phí. Đó là yếu tố con người, còn trang thiết bị để nghệ thuật thăng hoa cũng vô cùng thiếu thốn. Một cái xe chở nghệ sĩ đi diễn xập xệ, long xóc; trang phục đạo cụ chắp vá, tận dụng từ vở này sang vở kia. Thật sự, có những lúc rất lo mà lực bất tòng tâm”.

Hầu hết các diễn viên trong nhà hát hiện nay đã lớn tuổi. Theo thống kê của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, trong số 102 người của đoàn có 20 diễn viên dưới 30 tuổi (kể cả 5 diễn viên không hưởng lương). Những NSƯT Thu Hài, Thương Hiền... là “sao” một thời của tỉnh, giờ cũng đã có tuổi, lớp kế cận ngay sau đó cũng không còn trẻ. Về cơ bản, cả lực lượng diễn viên và nhạc công đều rất thiếu. Song, khi 15 em đi học theo chương trình đề án của Bộ VH,TT&DL về, con số định biên đã đủ. Đến nay chỉ còn 3 em “tình nguyện” ở lại làm việc với đoàn. 2 năm nay các em vừa học, vừa cống hiến mà không có bất cứ đồng lương nào.

Quẩn quanh với vấn đề “thầy già, con hát trẻ”, NSND Ngọc Quyền, cho biết: Hiện nay có nhiều kế hoạch, đề án, chỉ tiêu đưa ra trong việc bảo tồn các giá trị phi vật thể dân tộc, cụ thể là tuồng, chèo, cải lương, dân ca, nhưng nó chủ yếu còn nằm trên giấy tờ, mà chưa được triển khai, nhìn nhận từ thực tiễn. 5 đến 7 năm gần đây, khấp khểnh từ khâu đào tạo, từ bộ đến địa phương, lực lượng giáo viên chuyên nghiệp không có, hầu hết là giáo viên thỉnh giảng. Vì thế giáo trình, giáo án không được thẩm định đúng với chương trình đào tạo, rất “ngẫu hứng qua cầu” bằng phương thức dạy truyền nghề. Đơn cử như đào tạo diễn viên tuồng, hầu hết học sinh học tuồng Bắc nhưng về địa phương lại làm tuồng Nam (từ Thanh Hóa vào đến Khánh Hòa), đó là còn chưa kể học cả tuồng Huế. Còn về chế độ chính sách, 5 năm trước Nhà nước triển khai đề án miễn giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên theo học sân khấu truyền thống. Nay trồng cây đến ngày hái quả thì chính sách chi trả lương lại chặn cánh cửa cống hiến của họ. Tắc con số định biên, khiến bài toán “thầy già, con hát trẻ” vẫn lặp đi lặp lại. “Tôi luôn lo sợ rằng, nếu không có đội ngũ kế cận thì chẳng những không phát huy hay giữ gìn mà nghệ thuật truyền thống còn bị thui chột, hụt hẫng” - NSND Ngọc Quyền thở dài.

Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu 3 Bộ VH,TT&DL, GD&ĐT và LĐ,TB&XH phối hợp hướng dẫn để các cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được tiếp tục tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Khi chúng tôi đến tìm hiểu vấn đề này, là lúc NSND Hàn Hải ký hợp đồng thỏa thuận với 3 diễn viên trẻ. Dù không nói ra nhưng chúng tôi hiểu đó sự nỗ lực của nhà hát để níu kéo, giữ chân các nghệ sĩ trẻ.

Hy vọng rằng cùng với sự cởi mở đầu vào, Nhà nước sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù trong việc tạo việc làm ổn định cho các nghệ sĩ, để họ được cống hiến, được thăng hoa. Và để khán giả được thả hồn mình tận hưởng những tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]