(vhds.baothanhhoa.vn) - “Đầu quân” về Đoàn nghệ thuật Tuồng (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) ngay sau khi tốt nghiệp trung cấp diễn viên Tuồng, đến nay Văn Lanh đã là cái tên luôn được lựa chọn cho những vai lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Người trăn trở với từng vai tuồng

“Đầu quân” về Đoàn nghệ thuật Tuồng (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) ngay sau khi tốt nghiệp trung cấp diễn viên Tuồng, đến nay Văn Lanh đã là cái tên luôn được lựa chọn cho những vai lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Người trăn trở với từng vai tuồng

Một cảnh diễn trong vở “Hoàng đế Lê Đại Hành”.

Nhắc đến Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Văn Lanh, hầu như người yêu tuồng xứ Thanh ai cũng biết. Bởi lẽ, tính đến nay anh đã có cho riêng mình 3 tấm huy chương vàng, 6 tấm huy chương bạc trong các liên hoan sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc. Nhớ lại lần đầu tiên giành giải, dù là huy chương đồng cho vai diễn trong vở “Châu sáng qua sông”, anh vẫn còn rất hào hứng: “Giải thưởng đó là động lực để tôi quyết tâm theo đuổi bộ môn nghệ thuật này”.

Nói về nghệ thuật tuồng, gặp anh, chắc hẳn nhiều người sẽ nhủ “ông này quá mê tuồng”. Anh cho rằng: “Bộ môn nghệ thuật bác học này cần phải được trân trọng và gìn giữ. Mà người gìn giữ đầu tiên chính là những nghệ sĩ”.

Anh thuận lợi hơn so với nhiều đồng nghiệp là có người bạn đời làm cùng nghề để động viên nhau vượt qua những khó khăn. “Những năm tháng đầu tiên, ngay sau khi lấy vợ và có con, cũng như nhiều nghệ sĩ, tôi cũng phải ra chợ Vườn Hoa buôn thúng bán mẹt, vất vả lắm. Có người bỏ hẳn nghề, có người rời xa sân khấu một thời gian rồi nhớ ánh đèn quá mà quay lại. Riêng tôi cũng có lúc chống chếnh nhưng chưa bỏ ngày nào. Bởi chúng tôi có sự trợ giúp từ gia đình. Có thời điểm chúng tôi phải đưa con về nhờ ông ngoại chăm sóc”.

Chính nhờ hậu phương vững chắc mà cả hai vợ chồng anh đều đã được nhận danh hiệu NSƯT. Con đường nghệ thuật chưa bao giờ chỉ có sáng đèn và tiếng vỗ tay, ở đó còn là những giọt mồ hôi, là những vất vả áo cơm thường ngày mà mỗi nghệ sĩ đôi khi phải gồng mình làm tròn cả vai trụ cột gia đình và vai diễn trên sân khấu.

“Mỗi khi nhận vai diễn là tôi mất ăn mất ngủ. Ngoài tìm hiểu tính cách nhân vật, giai đoạn lịch sử, nhân vật bị tác động trong dòng chảy của những biến thiên lịch sử, tôi còn phải hỏi ý kiến của những người trong nghề, những thầy cô giáo, thậm chí cả với vợ mình”, NSƯT Văn Lanh bộc bạch.

Gần đây nhất, khi nhận vai Lê Hoàn trong vở “Hoàng đế Lê Đại Hành” (tác giả: Đăng Minh; đạo diễn: NSND Hoài Huệ) anh đã mất nhiều công sức để chuẩn bị. “Hoàng đế Lê Đại Hành” dựng lại bối cảnh khi Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được Nhân dân suy tôn làm Hoàng đế và được Thái hậu Dương Vân Nga trao áo long bào để cứu nguy cho giang sơn, xã tắc. Nhưng bên cạnh một ông tướng trận mạc, hay một ông vua sáng lập ra thời đại nhà Tiền Lê trị vì đất nước Đại Cồ Việt, ông còn là người rất gần gũi với Nhân dân khi tham gia các lễ hội Tịch điền".

Anh cho biết thêm: “Khi nhận vai Lê Hoàn tôi nghĩ đến 3 điều, đó là người đã thắng giặc Tống, bình giặc Chiêm và là vị vua gần dân. Lê Hoàn không hoàn toàn đứng ở tư cách bề trên, ông còn là vị vua thân thiện, gần gũi. Vì thế để thể hiện ra tính cách của ông, đó là điều rất khó. Nhiều khi đang nằm trên giường tôi đã bật dậy tập một động tác múa, thậm chí cầm đôi đũa, bê bát ăn cơm mà còn phải nghĩ ngợi về một câu hát. Vào vai Hoàng đế Lê Đại Hành thì từng động tác tay sẽ gắn với ánh nhìn và thần thái vừa khác người, vừa rất con người”. Chính thế mà kể cả sau khi đã tổng duyệt, nhận được “cơn mưa” lời khen, anh vẫn còn trăn trở, phân định đúng sai.

25 năm trong nghề, những tưởng các vai diễn đối với NSƯT Văn Lanh không phải là điều khó khăn. Nhưng nghệ thuật là vậy, mỗi người một cách diễn, cách thể hiện và quan trọng nhất là luôn phải học hỏi. Anh chia sẻ: “Với nghệ sĩ cách tạo hưng phấn tốt nhất chính là luôn nỗ lực thể hiện trách nhiệm với nghề, mong muốn được nhận những tràng vỗ tay của khán giả, sự góp ý động viên của đồng nghiệp. Nghệ thuật là vô cùng, không có đỉnh, mỗi nghệ sĩ phải biết được thế mạnh và những hạn chế của mình”.

Hiểu chính bản thân mình, NSƯT Văn Lanh luôn chú trọng vào các chi tiết nhỏ trong lối diễn để cho ra “thanh, sắc, tinh, khí, thần” mà nhập vai tốt hơn. Riêng với tuồng, khi nghệ sĩ bước ra sân khấu, chỉ một cái nhìn, một cử chỉ, khán giả đã có thể đánh giá được tay nghề của diễn viên.

Tham gia “Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022”, vở tuồng “Hoàng đế Lê Đại Hành” bội thu với 11 huy chương cá nhân và tập thể. Tuy vậy, với NSƯT Văn Lanh, dù cầm trên tay Huy chương Vàng cá nhân, anh cũng chưa thỏa mãn. “Mỗi khi xem lại video, tôi thấy vẫn còn nhiều điều nuối tiếc, tôi có thể làm tốt hơn nữa. Đêm diễn ấy, loa máy không tốt, tôi không nghe được chính âm thanh của mình để nhấn nhá từng chữ đậm hơn, ngọt hơn”...

Đã ở tuổi gần 55 nhưng tình yêu nghệ thuật của NSƯT Văn Lanh vẫn chưa bao giờ thay đổi. Từng vai diễn dù là chính hay thứ chính, anh cũng luôn trăn trở với nhân vật, xoay đi chỉnh lại để tìm lối diễn tốt nhất có thể. Gặp anh, chẳng ai có thể phủ nhận con người ấy sinh ra là để diễn tuồng. Và tổ nghề cũng phù trợ để anh ở lại, neo bám và gìn giữ những tác phẩm nghệ thuật tuồng truyền thống.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]