(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuân đang gõ cửa mọi miền, mọi nhà. Trên những con đường ngược ngàn lên vùng biên Mường Lát, bên hiên nhà của đồng bào Mông, những cây đào đã bung nở những cánh hoa dịu dàng, đẹp xinh giữa núi rừng.

Sắc xuân ở miền Tây

Xuân đang gõ cửa mọi miền, mọi nhà. Trên những con đường ngược ngàn lên vùng biên Mường Lát, bên hiên nhà của đồng bào Mông, những cây đào đã bung nở những cánh hoa dịu dàng, đẹp xinh giữa núi rừng.

Sắc xuân ở miền TâyThị trấn Mường Lát rực rỡ cờ hoa đón xuân mới Giáp Thìn 2024. Ảnh: Tuấn Bình

Xuân ấm biên cương

Ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung, bà con đang tất bật thu hoạch sắn. Chị Thào Thị Chu, dân tộc Mông, bản Suối Lóng phấn khởi khoe với chúng tôi: “Nhà mình năm nay thu hoạch được 500 bao sắn, mỗi bao khoảng 40kg. Giá sắn năm nay được đơn vị thu mua với giá 2.000 đồng/kg. Bán được sắn, nhà mình có tiền để trang trải cuộc sống và chuẩn bị đón tết rồi”.

Dọc con đường vào bản Suối Lóng, những chiếc xe tải chờ chở sắn xuống trung tâm xã rồi vào nhà máy. Không chỉ riêng người trồng sắn có việc làm mà những người được thương lái thuê để bốc vác, thu mua sắn cũng phấn khởi vì được trả công. Nếu trước đây, cây sắn chỉ được trồng nhỏ lẻ, giá thấp thì nay nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, cây sắn đã và đang hứa hẹn là một trong những loại cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo nơi vùng biên Mường Lát.

Ở bản Suối Lóng, cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung cũng đang mở lớp xóa mù, xóa tái mù chữ cho bà con trong bản. Ban ngày bà con đi thu hoạch sắn, làm nương, làm rẫy, ban đêm tranh thủ đến nhà văn hóa nhờ cán bộ biên phòng dạy con chữ. Không chỉ dạy con chữ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung còn giúp bà con thu hoạch sắn. Màu áo xanh của những người lính hòa lẫn màu sắc xanh của cây sắn trên vùng đồi càng thêm ý nghĩa trên mảnh đất biên cương.

Hiện nay, tổng diện tích cây sắn trên địa bàn Mường Lát có gần 3.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã Mường Lý, Tam Chung, Trung Lý và rải rác ở các xã trong huyện. Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng được cho là phù hợp với cây sắn khi sản lượng, năng suất vụ năm 2023 khá cao, góp phần nâng cao đời sống, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.

Mường Lát những ngày cuối năm, vườn hoa hướng dương ở cửa khẩu Tén Tằn (thị trấn Mường Lát) là điểm nhấn đối với người dân, du khách về với cửa khẩu; những vườn cam ở Quang Chiểu, Mường Chanh thơm, ngọt được bà con thu hoạch và giới thiệu cho khách hàng trong và ngoài huyện. Những cành đào bên hiên nhà của đồng bào Mông dọc Quốc lộ 15C cũng bắt đầu bung nở.

Rời Mường Lát, chúng tôi thăm vùng biên Na Mèo (Quan Sơn). Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo những ngày cuối năm cũng rộn ràng hơn. Những người lính biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, lực lượng hải quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, khu vực vùng biên. Chợ Na Mèo chỉ họp duy nhất vào sáng thứ 7 hằng tuần nhộn nhịp bà con ở các bản giáp biên của huyện Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào) qua chợ buôn bán, trao đổi hàng hóa. Những sản vật, đặc sản vùng biên của Nhân dân hai bên biên giới càng góp phần làm nên nét đặc trưng riêng của phiên chợ vùng biên. Những quả quýt Lào, cam Lào vàng ươm, vị ngọt, thơm đánh thức vị giác của người thưởng thức. Những bó cải, mớ cá suối, mắc khẻn... được người dân mang đến chợ. Chợ Na Mèo là “sợi dây” góp phần gắn kết tình đoàn kết, giao thương nơi vùng biên.

Dừng chân ở Tam Lư (Quan Sơn) - xã biên giới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa về đích NTM năm 2018, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà sàn mới xây dựng xong ở bản Hậu. Chị Vi Thị Lương, dân tộc Thái - chủ nhà phấn khởi khoe với khách: xuân này gia đình chị đã được ở trong ngôi nhà mới. Gia đình chị Lương được hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Có nhà là “an cư lạc nghiệp”, gia đình chị sẽ phấn đấu thoát khỏi hộ nghèo.

Xã Tam Lư có 6 bản, hiện nay bản Hậu đã xây dựng bản kiểu mẫu. Toàn xã có hơn 689 hộ, 3.380 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Thái chiếm dân số đông nhất xã. Thu nhập của người dân trên địa bàn chủ yếu dựa vào phát triển lâm nghiệp, trồng cây luồng, vầu, khai thác lâm sản phụ. Tam Lư là xã có diện tích cây luồng nhiều nhất huyện. Những năm qua, bà con tích cực lao động, sản xuất, đoàn kết, xây dựng làng bản ngày một ấm no. Tiêu biểu như ở bản Hát bà con đã phát triển mô hình nuôi vịt ở suối Tình. Hiện nay, sản phẩm vịt suối Tình đã được công nhận sản phẩm OCOP. Bản hiện có 10 hộ tham gia nuôi vịt, duy trì hơn 500 con/lứa. Ở bản Hậu có gia đình ông Vi Văn Piên, Hà Văn Phong phát triển vườn ươm, trong đó có các loại cây vầu, dổi, dẻ, vàng tâm...

Thúc đẩy khu vực miền núi ngày một phát triển

Đồng chí Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Vùng đồng bào DTTS&MN là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Trong những năm qua, với sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc vùng đồng bào DTTS&MN, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS&MN tiếp tục có chuyển biến tích cực. Đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của đồng bào các DTTS tiếp tục được quan tâm, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS&MN được giữ vững.

Sắc xuân ở miền TâyVườn hoa hướng dương ở cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát) thu hút người dân, du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: T.L

Thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa năm 2022 đạt 36,98 triệu đồng. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi ước đạt 40,7 triệu đồng. Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 thì tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi còn 11,19% (giảm 4% so với năm 2022); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 14,1% (giảm 2,97% so với năm 2022). Các huyện miền núi có kết quả giảm hộ nghèo vượt chỉ tiêu của tỉnh giao năm 2023 như huyện Như Thanh vượt 190 hộ (vượt 39%); Mường Lát vượt 267 hộ (vượt 40%)...

Đến nay, toàn vùng DTTS&MN đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa; 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa (trong đó nhựa hóa và bê tông hóa đạt 68%); 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 72,8%... Tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách cho vùng đồng bào DTTS&MN. Triển khai thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; XDNTM giai đoạn 2021-2025; các cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN, thúc đẩy khu vực miền núi Thanh Hóa ngày một phát triển.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]