Tục “bắt vợ” hay “kéo vợ” là một phong tục tốt đẹp và nhân văn của dân tộc Mông. Tuy nhiên do không hiểu về nét văn hóa truyền thống, cùng với lối sống đua đòi của một số ít thanh niên nam nữ mà tục lệ này đã bị biến tướng, lạm dụng, gây mất trật tự xã hội. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tục “bắt vợ” của đồng bào Mông: Đừng để tục “bắt vợ” song hành với tảo hôn

Tục “bắt vợ” hay “kéo vợ” là một phong tục tốt đẹp và nhân văn của dân tộc Mông. Tuy nhiên do không hiểu về nét văn hóa truyền thống, cùng với lối sống đua đòi của một số ít thanh niên nam nữ mà tục lệ này đã bị biến tướng, lạm dụng, gây mất trật tự xã hội. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn.

Tục “bắt vợ” của đồng bào Mông: Đừng để tục “bắt vợ” song hành với tảo hônTình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra trong đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát.

Tin liên quan:
  • Tục “bắt vợ” của đồng bào Mông: Đừng để tục “bắt vợ” song hành với tảo hôn
    Tục “bắt vợ” của đồng bào Mông: Nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng ...

    Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, văn hóa độc đáo góp phần làm phong phú, đa dạng kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Trong đó, tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ” của đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Thái, đặc biệt phổ biến nhất ở đồng bào dân tộc Mông là một phong tục hay, có ý nghĩa nhân văn.

Lợi dụng phong tục để “cướp”, “bắt” các cô gái

Vào dịp sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trên mạng xã hội đăng tải một đoạn video clip ghi lại cảnh một thiếu nữ 16 tuổi dân tộc Mông ở Hà Giang bị nhóm nam thanh niên bắt về làm vợ tại một con đường vắng. Bị kéo đi bất ngờ, cô gái này đã nhặt đá bên đường ném và chống cự rất quyết liệt. Sau đó, một clip bắt vợ khác ghi lại cảnh một gia đình ở Sa Pa (Lào Cai) đi bắt vợ về cho con trai. Hình ảnh cô bé nằm vật vã dưới đất, khóc lóc van xin khiến dư luận rất bất bình. Mặc cho nhiều du khách cũng như giáo viên của nữ sinh này ra sức khuyên giải nhưng phía gia đình nhà trai vẫn kiên quyết kéo cô bé về nhà bằng được.

Từ những video clip nói trên và một số vụ việc diễn ra trong thời gian qua, hầu hết dư luận đều thể hiện sự bất bình đối với hành vi “bắt vợ” theo kiểu cưỡng ép, không được sự đồng thuận của người phụ nữ, có dấu hiệu biến tướng của tục “bắt vợ” và hoàn toàn đi ngược lại với phong tục tốt đẹp vốn có từ ngàn đời nay của đồng bào dân tộc Mông. Cho dù tục “bắt vợ” không còn phổ biến, nhưng một bộ phận thanh, thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ về phong tục, tập quán của dân tộc, do ảnh hưởng từ những luồng văn hóa xấu nên khi người con trai thích một người con gái, liền rủ bạn bè bắt về làm vợ. Đó là biến tướng của tập tục “bắt vợ” dẫn đến vi phạm pháp luật, tảo hôn...

Lời ru buồn trên “Cổng Trời” Mường Lát

Trên “Cổng Trời” thuộc xã Trung Lý, huyện Mường Lát tôi bắt gặp một cô gái còn khá trẻ ngồi bên vệ đường, trong lòng ôm một bé trai chừng một tuổi. Tôi dừng xe trò chuyện cùng em.

- Nhà em ở đâu? Em ở bản Khằm 1.

- Đây là con em à? Vâng.

- Em bao nhiêu tuổi rồi? Em 15 tuổi.

- Vì sao lấy chồng sớm thế? Cô bé nhìn tôi rồi bẽn lẽn cười ngoảnh mặt đi. Cô bé e thẹn cười còn lòng tôi thì chùng xuống. Nơi mảnh đất biên cương Mường Lát, không chỉ riêng cô bé tôi gặp ở “Cổng Trời” mà còn nhiều em bé gái nữa cũng độ tuổi như em đã và đang làm vợ, làm mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ.

Trò chuyện cùng ông Lò Văn Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, ông cũng trăn trở về vấn đề tảo hôn, nhất là với các em học sinh dân tộc Mông ở bậc THCS, THPT. Qua rà soát, tổng số trường hợp học sinh nữ lấy chồng sớm (tảo hôn) trên địa bàn sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là 9 trường hợp, trong đó có 2 học sinh THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc; 7 học sinh các trường THCS, gồm: Pù Nhi, Nhi Sơn, phổ thông dân tộc bán trú – THCS Tam Chung. Hiện tại các “ông chồng” vẫn đang theo học tại các trường THPT, đại học, còn các “bà vợ” thì bỏ học về nhà chồng chăn nuôi, trồng trọt. Mặc dù ngành giáo dục, nhà trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép các chương trình dạy học về giáo dục giới tính, về tảo hôn… nhưng do nhiều yếu tố mà tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra.

Em H.T.M.T., sinh năm 2005, bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi đang là học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc thì sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, em quyết định nghỉ học để về nhà lấy chồng bởi T. đã mang thai. Chồng của T. là H.C.D., sinh năm 2001, bản Cá Nọi, xã Pù Nhi, hiện đang học đại học ở TP Thanh Hóa. Nhiều người dân trong bản tiếc cho con đường học tập dang dở của T. bởi từ lâu T. là cô gái có thành tích học tập tốt. Cũng như H.T.M.T., sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, em L.T.K.L. bản Pù Toong, xã Pù Nhi cũng quyết định nghỉ học để về nhà đi lấy chồng. K.L. mới chỉ học lớp 9, còn chồng của K.L. ở bản Chim, xã Nhi Sơn đang học lớp 12 Trường THPT Mường Lát. Điều đáng nói, bố của K.L. hiện đang là giáo viên của một trường học trên địa bàn huyện Mường Lát, sự việc con gái đang học rồi nghỉ học để lấy chồng là điều bất ngờ đối với gia đình, nhưng không còn cách nào khác đành chấp nhận mặc dù biết tuổi đời của con còn quá trẻ để làm vợ, làm mẹ.

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, từ năm 2020 đến tháng 4-2022, tổng số có 960 cặp kết hôn. Trong đó, số cặp tảo hôn là 151; số cặp hôn nhân cận huyết thống là 1; số vụ xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn là 93/151 vụ. Chủ yếu là xử phạt hành chính và việc xử phạt mới chỉ được thực hiện ở 2 xã là Pù Nhi và Nhi Sơn. Qua thống kê, đánh giá, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Mường Lát đang có xu hướng tăng lên, cụ thể năm 2020 có 31 cặp tảo hôn; năm 2021 có 78 cặp tảo hôn; 9 tháng năm 2022, trong số 78 cặp kết hôn có 39 cặp tảo hôn. Nguyên nhân được chỉ ra có tục “bắt vợ” của đồng bào Mông, nhiều cặp dẫn nhau về nhà và đòi lấy, nếu không cho lấy là con dọa sẽ tự tử (đã có nhiều trường hợp tự tử vì nguyên nhân này). Vì vậy cha mẹ đành phải tổ chức cưới cho con mặc dù biết là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều gia đình vẫn là lấy vợ, lấy chồng cho các con để có thêm nhân lực làm công việc nương rẫy; do mặt trái của sự phát triển của công nghệ thông tin, qua các trang mạng xã hội lớp thanh, thiếu niên, đặc biệt là lứa tuổi học sinh đã kết bạn và yêu đương quá giới hạn dẫn đến hậu quả mang thai ngoài ý muốn và buộc phải cưới. Hiện nay, các trường hợp vi phạm về tảo hôn mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe…

Cô gái dân tộc Mông không sợ “ế chồng”

Thao Thị Dua (sinh năm 1994), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Pù Nhi (Mường Lát) là một trong những người vượt qua rào cản tư tưởng lạc hậu để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Quê của Dua ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn), bạn bè của Dua nhiều người đang học THCS thì nghỉ học lấy chồng vì lý do bố mẹ sợ con “ế”. Dua thì khác, từ nhỏ em đã thích đi học và mong có một tương lai tươi sáng. Vừa trò chuyện với tôi, Dua vừa cười bảo: Em thuộc diện “ế nhất làng”. 18 tuổi học xong lớp 12 em mới lấy chồng và may mắn hơn, em vẫn tiếp tục được gia đình chồng tạo điều kiện để được học cao đẳng, sinh con xong rồi tiếp tục học lên đại học. Bạn bè của em ở quê giờ có người đã sinh 4 - 5 con, có bạn con đã học lớp 7, gặp lại em và nói rất hối hận vì đã lấy chồng sớm.

Bản thân là người con đồng bào dân tộc Mông, vượt qua được những quan niệm cũ, là cán bộ phụ nữ, Dua càng hiểu cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để xóa bỏ tình trạng tảo hôn. Vì vậy thời gian qua, Thao Thị Dua cùng Hội LHPN xã Pù Nhi phối hợp các đoàn thể, công an, biên phòng tuyên truyền để chị em phụ nữ, các em bé gái hiểu được về nguyên nhân, hệ lụy của tảo hôn. Tuy nhiên để thay đổi được nhận thức của một số chị em phụ nữ, việc tuyên truyền không thể một sớm một chiều mà cần “mưa dầm thấm sâu”.

Ông Lầu Thanh Va, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Mường Lát chia sẻ: Để xóa bỏ được vấn đề tảo hôn, không để tảo hôn song hành với tục “bắt vợ”, “kéo vợ” thì trước hết cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, tranh thủ sự vào cuộc của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là cán bộ, đảng viên. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình hay trong tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, đồng thời thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn chặn, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Còn ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho rằng: Để không còn tảo hôn thì cần phải phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, hạn chế các luồng văn hóa ngoại lai độc hại xâm nhập vào địa bàn. Đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định… vào hương ước, quy ước thôn, bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa. Dứt khoát khi con cái đưa bạn về nhà ra mắt và muốn lấy làm vợ nhưng chưa đủ tuổi thì bố mẹ cần kiên quyết và không làm các thủ tục “bắt vợ” để không có sự ràng buộc cho các cháu. Hiện nay pháp luật đã có xử phạt nhưng phạt xong vẫn cho lấy nhau thì không nghiêm. Nên chăng xử phạt đồng thời cho hai gia đình ký cam kết bao giờ con đủ tuổi thì mới được kết hôn?.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]