(vhds.baothanhhoa.vn) - Bạn đọc Lê Nam hỏi: “Chuyên mục “ Cà kê chuyện chữ nghĩa ” trên báo Thanh Hóa (12/2022) có bài “ Vô hình trung hay vô hình chung ”, trong đó giải thích cặn kẽ nguồn gốc của từ ngữ và hướng dẫn độc giả sử dụng các viết đúng là “vô hình trung”. Tôi thấy bài viết rất bổ ích, bản thân tôi sau khi đọc cũng đã tránh được sai sót khi cần sử dụng đến từ này. Hiện nay tôi thấy còn một từ nữa cũng liên quan đến “trung” hay “chung” đó là “tựu trung” và “tựu chung”. Vậy xin chuyên mục cho biết trong hai cách viết vừa nêu thì cách nào là đúng?”.

“Tựu trung” hay “Tựu chung”

Bạn đọc Lê Nam hỏi: “Chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” trên báo Thanh Hóa (12/2022) có bài “Vô hình trung hay vô hình chung”, trong đó giải thích cặn kẽ nguồn gốc của từ ngữ và hướng dẫn độc giả sử dụng các viết đúng là “vô hình trung”. Tôi thấy bài viết rất bổ ích, bản thân tôi sau khi đọc cũng đã tránh được sai sót khi cần sử dụng đến từ này. Hiện nay tôi thấy còn một từ nữa cũng liên quan đến “trung” hay “chung” đó là “tựu trung” và “tựu chung”. Vậy xin chuyên mục cho biết trong hai cách viết vừa nêu thì cách nào là đúng?”.

Tựu trung hay

Trả lời:

Tựu trung là một từ Việt gốc Hán, được ghi bằng hai chữ 就中. Trong đó chữ tựu 就 có nghĩa chính là, chỉ có; trung 中 nghĩa là bên trong. Hán ngữ đại từ điển giảng tựu trung nghĩa là kì trung 其中, mà “kì trung” có nghĩa là “trong đó”.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Trung tâm Từ điển học Vietlex, bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt) thu thập và giải nghĩa như sau:

“Tựu trung • 就中 k. từ biểu thị điều nêu ra sau đó là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến. “Từ tối đến giờ ngồi nói với nhau đủ mọi thứ chuyện, tựu trung vẫn là chuyện chính trị (...)” (Nguyễn Khải)”.

Cách giảng của Từ điển Hoàng Phê không sai, nhưng thực ra cũng chưa bám sát nghĩa cơ bản của “tựu trung”, vốn đã được Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) và Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị) giảng (trích lần lượt) như sau: “tựu-trung • ở trong đó <>Tựu-trung có gì ám-muội đấy”; “tựu-trung • trt. ở trong đó, tóm lại trong đó <>Tựu-trung vẫn không có gì lạ”.

Xin lấy thêm một ví dụ. Trong câu “Người ta đoán nhiều cớ về cái chết này, nhưng tựu trung chỉ có hai thuyết có thể hợp lí”, của Nguyễn Công Hoan, thì ta có thể thay tựu trung bằng từ đồng nghĩa “trong đó”: Người ta đoán nhiều cớ về cái chết này, nhưng TRONG ĐÓ chỉ có hai thuyết có thể hợp lí, để có một câu hoàn toàn đồng nghĩa.

Do “tựu trung” trong câu văn thường đặt ở vị trí có chức năng tóm lại nội dung gì đó chung nhất, cơ bản nhất trong những điều đã nói trước đó, nên người ta nhầm lẫn “trung” có nghĩa là trong đó, thành “chung” với nghĩa là nói chung, chung quy, và viết nhầm “tựu trung” thành “tựu chung”.

Như vậy, căn cứ vào gốc Hán, nghĩa của yếu tố cấu tạo từ và sự ghi nhận của nhiều cuốn từ điển tiếng Việt từ xưa đến nay, thì chỉ có một cách viết đúng duy nhất đó là “tựu trung”. Không có bất cứ cuốn từ điển nào chúng tôi có trong tay ghi nhận cách viết “tựu chung”.

Lý Thủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]