(vhds.baothanhhoa.vn) - Người dân biển vốn mưu sinh nơi sóng nước trùng khơi, sự an nguy vẫn thường phải phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Và trong tín ngưỡng tâm linh, ngư dân luôn tin Cá Ông linh ứng giúp đỡ, chở che cho tàu thuyền ra khơi vào lộng an toàn, vượt qua hiểm nguy, bất trắc.

Về Diêm Phố nghe tục thờ Cá Ông

Người dân biển vốn mưu sinh nơi sóng nước trùng khơi, sự an nguy vẫn thường phải phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Và trong tín ngưỡng tâm linh, ngư dân luôn tin Cá Ông linh ứng giúp đỡ, chở che cho tàu thuyền ra khơi vào lộng an toàn, vượt qua hiểm nguy, bất trắc.

Về Diêm Phố nghe tục thờ Cá Ông

Đền Đức Ông nằm trong cụm di tích Diêm Phố.

Diêm Phố (nay là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) - một làng biển thật đặc biệt của xứ Thanh. Nằm sát bờ biển, không có đất nông nghiệp, từ thuở sơ khai lập làng đến nay, người dân sinh chỉ quen với nghề biển. Cái mặn mòi, nắng cháy của biển khơi là “hương vị” đặc biệt thấm đẫm, tạo thành tính cách đặc trưng của người dân Diêm Phố.

Đời nối đời, những thế hệ người dân nơi đây vẫn cần mẫn nối nghiệp cha ông: vươn khơi, bám biển. Vậy nhưng, nghề biển chưa bao giờ là dễ dàng. Dù mẹ biển hào phóng cho con người biết bao cá tôm sản vật, nhưng chỉ một trận cuồng phong cũng đủ nhấn chìm những sinh mệnh cần cù, cuốn đi cơ nghiệp ngư dân bao đời gây dựng... Vậy nên, hơn ai hết, họ hiểu rõ sự vất vả, hiểm nguy của nghề biển, để thêm cẩn trọng trong mỗi chuyến vươn khơi.

Người dân Diêm Phố tin rằng, mỗi chuyến biển có được bình an, thuận lợi hay không, ngoài kinh nghiệm, sự đoàn kết của anh em bạn thuyền, thì còn có cả sự phù trợ, chở che của các vị thần ngự trị trên biển. Đó là thần Độc Cước; Tứ vị Thánh nương... và không thể không nhắc đến Cá Ông, gắn liền tín ngưỡng - tục thờ Cá Ông. Tục thờ Cá Ông không phải tín ngưỡng riêng có của người dân biển Diêm Phố mà phổ biến ở nhiều tỉnh, thành ven biển trong cả nước, trong đó có Thanh Hóa. Và tại xứ Thanh, ta bắt gặp tín ngưỡng thờ Cá Ông ở nhiều địa phương, như Nghi Sơn, Quảng Xương, Sầm Sơn, Hoằng Hóa... Nhưng có lẽ, đậm nét hơn cả là ở Diêm Phố, nơi có đền thờ Đức Ông thờ Cá Ông và di cốt (bộ xương) Cá Ông khổng lồ.

Cá Ông - tức cá voi, được người dân tôn kính gọi với nhiều tên gọi khác, như: Đức Ngư, Đông Nam Hải, Ông Lớn, Ông Cậu, Ông Khơi, Ông Lộng, Ông Thông, Ông Chương, Ông Mảng, Nam Hải Đại tướng quân, Cự Tộc Ngọc Long tôn thần... Nhưng cách gọi tên phổ biến nhất là Cá Ông. Theo sách “Lễ hội xứ Thanh” dẫn ý kiến Giáo sư Ngô Đức Thịnh: “Dọc bờ biển Bắc Trung bộ và cả duyên hải Bắc bộ vẫn còn tục thờ Càn Hải Đại Vương. Đó là vị thần biển mà biểu tượng là con cá lớn (Đại Càn trong đó chữ Càn hay Kàn có nghĩa là cá, gốc từ ngôn ngữ Nam Đảo), có lúc đồng nhất với Cá Ông (cá voi)”.

Liên quan đến tín ngưỡng thờ Cá Ông, ngư dân vùng biển vẫn lưu truyền câu chuyện: Quan thế âm Bồ Tát hay Phật Bà Quan Âm là vị Bồ Tát chuyên cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh, hóa thân thành ông Nam Hải đi tuần du ngoài biển. Một hôm, trên tòa sen nhìn xuống trần gian, ngài nhìn thấy cảnh giông bão trên biển đang nhấn chìm tàu thuyền và ngư dân. Trước tình cảnh đó, ông Nam Hải đã cởi pháp y xé thành từng mảnh ném xuống biển cả, đồng thời hóa phép để biến thành những con cá voi đi cứu ngư dân gặp nạn. Không chỉ vậy, nhằm tăng sức mạnh cho cá voi, ngài còn “mượn” bộ xương của loài voi trên rừng cho cá voi. Chính vì vậy, mà cá voi to lớn mang trong mình sức mạnh khổng lồ từ ngày đó vẫn thường xuất hiện ở những nơi ngư dân gặp nạn để cứu giúp, trở thành vị thần hộ mệnh - người bạn của ngư dân.

Tin vào sức mạnh và tấm lòng vị tha của Cá Ông, ngư dân mưu sinh trên biển mỗi khi gặp nạn thường đọc 12 câu nguyện - “Thập nhị đại nguyện” để cầu Cá Ông xuất hiện giúp đỡ. Tương truyền, 12 câu nguyện do Phật Bà Quan Âm dạy ngư dân cầu Nam Hải Đại Vương đến cứu. Ngư dân vùng biển còn lưu truyền câu chuyện, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) khi xưa trên đường bị kẻ thù truy đuổi, đến vùng sông nước gặp bão lớn đã thành tâm khẩn cầu trời phật giúp đỡ. Lời khấn vừa dứt, bỗng từ đâu xuất hiện cá voi “dìu” chiến thuyền vào bờ. Khi lên ngôi, nhớ ơn cá voi cứu mạng, vị vua sáng lập vương triều nhà Nguyễn đã sắc phong cá voi là Nam hải Đại tướng quân, lệnh cho người dân lập đền thờ.

Ở Diêm Phố, Cá Ông được thờ tại đền Đức Ông thuộc cụm di tích Diêm Phố. Điều đặc biệt, tại đây hàng trăm năm qua đang lưu giữ di cốt của Cá Ông. Giải thích về nguồn gốc của bộ xương cá khổng lồ, bác Nguyễn Văn Minh, 89 tuổi, Phó ban quản lý cụm di tích Diêm Phố, cho biết: “Khoảng cuối thế kỷ XVIII, có một Cá Ông (cá voi) lụy (chết) dạt vào bờ biển Diêm Phố. Đó được xem là hiện tượng may mắn, bởi ngư dân từ đây đã có thể thờ Cá Ông trực tiếp, để được đền đáp ơn nghĩa của vị thần hộ mệnh trên biển. Không ai biết chính xác kích thước của Cá Ông bị lụy khi ấy, tuy nhiên người dân phải dùng đến 100 đôi chiếu mới đủ “phủ” hết cho Cá Ông. Sau đó, di cốt của Cá Ông đầu tiên bị dạt vào bờ biển Diêm Phố được người dân gìn giữ cẩn trọng để thờ phụng”.

Về Diêm Phố nghe tục thờ Cá Ông

Sắc phong của vua nhà Nguyễn cho vị thần có duệ hiệu “Nam Hải Cự Tộc Đại Vương Lân Tôn Thần” - tức thần Cá Ông.

Cùng với tín ngưỡng thờ Cá Ông, ở Diêm Phố còn có lưu truyền lễ tục: Nếu cá voi “lụy” dạt vào bờ biển của làng thì làng tổ chức đám tang lớn như tang người có công với dân làng, thực hiện đầy đủ các nghi lễ trang trọng, thành kính. Xương cá sau đó được đưa vào đền lưu giữ như tài sản chung của làng.

Đền thờ Đức Ông làng Diêm Phố được xây theo kiến trúc truyền thống, di cốt Cá Ông được đặt trong hòm lớn được xây bằng gạch, phía trước và hai bên là kính trắng. Trong đền treo bức đại tự “Vạn Cổ Hương” (hương thơm muôn đời). Cũng tại di tích hiện còn lưu giữ hai đạo sắc phong thời Nguyễn, phong cho vị thần có duệ hiệu “Nam Hải Cự Tộc Đại Vương Lân Tôn Thần” (tức thần Cá Ông - cá voi).

Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, tại đền Đức Ông diễn ra chính lễ truyền thống. Theo người dân địa phương, đây chính là ngày Cá Ông đầu tiên “lụy” dạt bờ biển Diêm Phố. Lễ hội truyền thống với nghi lễ trang nghiêm, thành kính, do một người có uy tín được người dân trong làng bầu ra để điều hành. Trước đó, ngày 20 tháng Chạp mọi công tác chuẩn bị đã phải hoàn tất, để đúng đêm hôm đó, người điều hành cùng các bậc cao niên có uy tín trong làng tập trung về đền lập đàn lễ khấn. Lễ hội diễn ra từ 20 đến 23 tháng Chạp. Trong khoảng thời gian này, làng phân công người thường xuyên trông coi việc đèn hương suốt đêm ngày, không để bị tắt.

Đi qua thời gian với nhiều giao lưu tiếp biến văn hóa, song tín ngưỡng thờ Cá Ông tại đền Đức Ông làng Diêm Phố vẫn là lễ tục đẹp, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, là một điểm tựa tinh thần để ngư dân vững tâm vươn khơi bám biển, giữ nghề truyền thống cha ông.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]