(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm trong không gian của vùng đất cổ Quỳ Chử song làng Đông Khê ở xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) có lịch sử hình thành muộn hơn. Tuy nhiên, người dân Đông Khê bao đời nay vẫn luôn tự hào về truyền thống học hành, đỗ đạt làm quan. Trong số đó, quan đại thần Lưu Đình Chất vẫn luôn là tấm gương về nhân cách đạo đức của người làm quan tận tụy cống hiến và một tấm lòng vì dân.

Về làng Đông Khê nghe chuyện kể quan đại thần Lưu Đình Chất

Nằm trong không gian của vùng đất cổ Quỳ Chử song làng Đông Khê ở xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) có lịch sử hình thành muộn hơn. Tuy nhiên, người dân Đông Khê bao đời nay vẫn luôn tự hào về truyền thống học hành, đỗ đạt làm quan. Trong số đó, quan đại thần Lưu Đình Chất vẫn luôn là tấm gương về nhân cách đạo đức của người làm quan tận tụy cống hiến và một tấm lòng vì dân.

Về làng Đông Khê nghe chuyện kể quan đại thần Lưu Đình ChấtĐền thờ quan đại thần Lưu Đình Chất ở làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa).

Theo các cụ cao niên trong làng Đông Khê, đến khoảng thế kỷ 15, 16 làng vẫn chỉ là khu dân cư nhỏ bé sống quây quần trên gò đất cao mà người dân thường gọi tên “cồn Lằn”. Phía Đông làng có sông Môn chảy qua. Có lẽ bởi vậy, mà về sau làng được đặt tên Đông Khê (làng có dòng sông nhỏ chảy ở phía Đông). Cũng theo thần phả của làng, người đầu tiên đến vùng đất này khai khẩn ruộng đồng, đánh bắt tôm cá… là vợ chồng ông Lưu Bá Linh. Về sau, có người họ Đoàn cùng đến sinh sống. Dù là nơi sinh cơ, lập nghiệp của một số ít gia đình buổi ban đầu, nhưng người Đông Khê từ rất sớm đã ý thức việc chuyên tâm học hành, tu luyện đạo đức. Trong số đó, nổi tiếng nhất là hậu duệ của hai dòng họ Lưu - Đoàn: Lưu Đình Chất và Đoàn Tất Đạt.

Sinh năm 1566, Lưu Đình Chất là con trai của Lâm Quận công Lưu Đình Thường (Thưởng). Theo sử liệu, ông đỗ đạt khá muộn. 42 tuổi, Lưu Đình Chất tham gia thi Đình, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), ông được phong chức Đô cấp sự trung (chức quan đứng đầu một cơ quan trong sáu khoa giúp việc sáu bộ thời Lê - Trịnh).

Làm quan trong triều, Lưu Đình Chất đã thể hiện tài ngoại giao xuất chúng. Năm 1613, ông được cử làm Chánh sứ sang cống triều đình nhà Minh. Đây không chỉ là sự kiện lớn trong sự nghiệp làm quan của người con đất Đông Khê, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với quốc gia láng giềng. Không phụ sự kỳ vọng, trong chuyến đi này Lưu Đình Chất bằng tài ngoại giao khéo léo đã chú trọng gia tăng tình hòa hiếu với không chỉ nhà Minh mà mở rộng giao hảo với sứ thần Cao Ly. Sau khi đi sứ trở về, Lưu Đình Chất được thăng lên chức Hữu Thị lang Bộ Lại, tước hầu. Sách Hoằng Hóa phong vật dành cho ông nhiều lời khen ngợi: “Dĩnh ngộ hơn người, văn chương nổi tiếng ở đời… Đi sứ phương Bắc, vịnh thơ thù tạc, ứng đáp, thanh danh vang động Yên Kinh”.

Lưu Đình Chất sống, làm quan trong giai đoạn đất nước xảy ra nhiều biến động chính trị và nội chiến giữa các thế lực phong kiến. Cuộc chiến diễn ra giữa triều đình Lê - Trịnh với nhà Mạc kéo dài dai dẳng nhiều năm, cuối cùng cũng phân thắng bại khi Tiết chế Trịnh Tùng chiếm được kinh đô Thăng Long, từng bước tiêu diệt tàn quân nhà Mạc. Sau đó, xung đột Trịnh - Nguyễn lại ngày càng căng thẳng… Những xung đột chính trị, tranh giành quyền lực không chỉ khiến đời sống Nhân dân khổ cực mà bản thân những nho sĩ đương thời cũng không khỏi “tâm tư”.

Với tấm lòng của bậc làm quan “thương dân như con”, quan đại thần Lưu Đình Chất không làm ngơ trước sự vất vả của Nhân dân, ông luôn đau đáu về việc “khoan thư” sức dân. Theo sử liệu, vào năm Bính Thìn (1616) do hạn hán kéo dài, nhà nông mất mùa triều đình lại ban lệnh tuyển binh. Trước tình thế ấy, Lưu Đình Chất cùng Tả Thị lang Bộ Hộ Lê Bật Tứ (người Kẻ Nưa) cùng làm tờ trình dâng lên chúa Trịnh với lời lẽ thống thiết: “Một năm hai lần hạn, tai dị xuất hiện liền liền, dân thôn quê bao người la oán, chắc là có quan hệ đến chính sự hiện nay mà xảy ra như thế. Nay nghe có lệnh thúc các huyện xã xứ Thanh Hoa theo từng hạng tuyển thêm binh lính. Sợ rằng bây giờ không phải lúc duyệt tuyển. Nếu lệnh ấy thi hành thì những người quyền thế cai quản cũng theo đấy mà bắt chước, lại tuyển bổ thêm, dân chịu sao nổi? Kính xin lấy lòng trời thương dân, tạm dừng việc đòi thêm lính để làm điều nhân chính. Như thế thì đẹp lòng dân, được ý trời, khí hòa đem đến điềm lành, mưa móc thuận thời, lúa má tốt tươi, Nhân dân được hưởng phúc lành no đủ, thế nước vững vàng như bàn thạch Thái Sơn, mà con cháu được hưởng phúc mãi không cùng” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Vẫn với tinh thần thương dân, mùa đông năm Mậu Ngọ (1618) quan đại thần Lưu Đình Chất lại dâng lên chúa Trịnh Tùng tờ khải Sửa đức để dẹp điềm tai dị: “Thần nghe, Trời xuống điềm lành hay điềm dữ là bởi người có đức hay không đức, làm điều thiện thì cho điềm lành, làm điều bất thiện thì cho điềm dữ để răn bảo, mà việc sửa đức thì không tổn hại gì… Nước nhà từ khi khôi phục đến giờ, trời đất chưa ứng cho, điềm hay chưa có mà điềm dữ hiện luôn… Nay chính sự thi hành không bằng năm ngoái, mệnh lệnh ban ra các tướng không thể theo lòng khoan hòa thương xót của người trên, chỉ chăm làm việc cay nghiệt, vét hết của cải của dân. Tiếng kêu sầu khổ cũng đã cảm động đến trời nên sinh ra điềm quái gở để răn bảo. Bậc nhân chủ của dân trông thấy thế nên tự xét minh. Vậy xin bề trên kính cẩn những điềm răn bảo của trời, lại càng nên ban nhân chính cho dân: Dân ở phường, phố, kinh thành phải nên thương xót, ra lệnh cho các tướng cấm ngặt việc bóc lột. Dân tứ chiếng Thanh Hoa nên thương xót ra lệnh cho các tướng chớ làm phiền nhiễu. Như thế thì người gần đội ơn mà mừng, người xa nghe thấy tiếng mà đến, ấy là được lòng dân đó! Dưới thì lòng người mừng, trên thì đạo trời ứng, sao dữ sẽ biến thành sao lành, mưa độc sẽ ra mưa ngọt. Mọi phúc lành đều đến thì vương đạo mới hoàn toàn” (theo sách Lịch Triều hiến chương loại chí).

Đánh giá về Lưu Đình Chất, nhà sử học Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí đã dành sự khen ngợi: “Từ đời Hoằng Định đến Dương Hòa, Thịnh Đức là lúc triều đình lắm việc, phải sửa chính ở trong, dẹp loạn ở ngoài… Ông Lưu Đình Chất ở Quỳ Chử bày tỏ mưu hay, bổ ích rất nhiều”.

Sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa (GS.TS.NGND Trịnh Nhu chủ biên) cũng dành cho vị quan đại thần thời Lê - Trịnh sự ngưỡng mộ: “Những ý tưởng của Lưu Đình Chất chứa chan nỗi lòng cảm thương chân thành nỗi khổ của dân, được kết đọng lại thành lời thỉnh cầu khẩn thiết gửi tới người nắm quyền hành cao nhât của triều đình Lê - Trịnh: xin hãy thương dân, nuôi dân, làm lợi cho dân, tránh hại, trừ hại cho dân. Đó là nhân cách, tư tưởng cao quý của nho sĩ mang trong mình giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam giàu lòng nhân ái. Điều đó cũng gắn kết chặt chẽ với tình yêu quê hương, đất nước mà Lưu Đình Chất thể hiện qua hành trạng và thơ văn của mình”.

Với nhiều đóng góp quan trọng, Lưu Đình Chất được triều đình phong kiến Lê - Trịnh thăng Đô ngự sử, rồi Tá lý công thần, Thượng thư Bộ hộ, Tham tụng (Tể tướng), Thiếu bảo tước Phúc Quận công. Khi mất (thọ 62 tuổi), ông được truy tặng Thiếu sư.

Về làng Đông Khê hôm nay, trong không gian làng quê cổ kính, thanh bình là đền thờ và mộ quan đại thần Lưu Đình Chất uy nghiêm, linh thiêng. Ông Lưu Trọng Tài - trưởng thôn Đông Khê và đồng thời là hậu duệ của cụ Lưu Đình Chất tự hào: “Cụ Lưu Đình Chất là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học cũng như đạo đức làm người, làm quan để các thế hệ con cháu kính ngưỡng và noi theo…”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]