(vhds.baothanhhoa.vn) - Luân chuyển công chức văn hóa - xã hội cấp xã từ địa phương này sang địa phương khác được kỳ vọng là sẽ tạo ra sự thay đổi. Tuy nhiên cùng với đó, có những “tâm tư” của người trong cuộc cũng rất cần được lắng nghe.

Việc luân chuyển cán bộ văn hóa cơ sở và tâm tư người trong cuộc

Luân chuyển công chức văn hóa - xã hội cấp xã từ địa phương này sang địa phương khác được kỳ vọng là sẽ tạo ra sự thay đổi. Tuy nhiên cùng với đó, có những “tâm tư” của người trong cuộc cũng rất cần được lắng nghe.

Việc luân chuyển cán bộ văn hóa cơ sở và tâm tư người trong cuộcAnh Lê Văn Thắng, công chức văn hóa - xã hội xã vùng biên Yên Khương (Lang Chánh) đảm trách công tác thông tin tuyên truyền tại địa phương.

Tin liên quan:
  • Việc luân chuyển cán bộ văn hóa cơ sở và tâm tư người trong cuộc
    Làm văn hóa không say mê dễ “bỏ nghề”

    Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước. Để văn hóa phát huy sức mạnh, vai trò của người làm văn hóa vô cùng quan trọng. Dù mỗi người đảm trách công việc khác nhau song mỗi cán bộ văn hóa với tình yêu, say mê dành cho công việc, đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, âm thầm cống hiến. Và câu chuyện kể của những người làm văn hóa sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về công việc tưởng dễ mà khó.

“Tâm tư” công chức văn hóa- xã hội khi luân chuyển

Tính đến thời điểm hiện tại, anh Nguyễn Văn Bằng, công chức văn hóa - xã hội xã Đông Ninh (Đông Sơn) đã có 29 năm gắn bó với công tác văn hóa. Trong đó, từ năm 1993 đến năm 2017, anh là cán bộ văn hóa xã Đông Ninh. Đến năm 2018 thì được luân chuyển sang xã Đông Minh. Sau 4 năm, đầu năm 2022 được chuyển quay về xã Đông Ninh. Anh Nguyễn Văn Bằng cho biết: “Khi được luân chuyển sang xã Đông Minh, tôi phải nắm bắt địa bàn, làm quen với các thôn, làng và người dân; tìm hiểu về truyền thống phong tục, tập quán; nắm thông tin di tích, lễ hội; rồi đặc thù, nét văn hóa của từng thôn... Làm cán bộ văn hóa ở cơ sở nếu không nắm rõ về văn hóa của vùng đất, con người địa phương mình công tác thì rất khó để tổ chức các hoạt động. Tuy nhiên, để hiểu về văn hóa, tập tục của một địa phương không phải chuyện ngày một ngày hai. Cán bộ văn hóa cần phải đi sâu đi sát cũng như am hiểu văn hóa địa phương, có như vậy công tác văn hóa- tuyên truyền mới thực sự hiệu quả. Bản thân khi được luân chuyển tôi luôn chấp hành nghiêm quyết định của tổ chức. Tuy nhiên, với quan điểm của mình, tôi cho rằng việc luân chuyển công chức văn hóa - xã hội là không thực sự cần thiết. Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt”.

Anh Lê Văn Thắng (dân tộc Mường) hiện đang làm công chức văn hóa - xã hội xã vùng biên Yên Khương (Lang Chánh). Anh Thắng là người xã Tân Phúc (Lang Chánh) và trước đó có tới 14 năm gắn bó với công tác văn hóa - xã hội xã Tân Phúc, được luân chuyển lên xã Yên Khương gần một năm. Anh Lê Văn Thắng cho biết: “Xã Tân Phúc cách Yên Khương hơn 40 km nên tôi thường chỉ có thể về thăm gia đình vào dịp cuối tuần. Yên Khương là xã vùng biên, địa hình tương đối rộng, bản xa nhất cách trung tâm xã 12 km. Ở Yên Khương chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, trong khi đó tôi lại là người Mường. Dù phong tục của người Thái và người Mường có nét tương đồng, song vẫn có nhiều cái riêng; từ lối sống, lời ăn tiếng nói của bà con trên đây (Yên Khương) cũng có nhiều nét khác, buộc người làm văn hóa phải tìm hiểu, làm quen. Đã từng có không ít lần tôi bị “lạc” khi xuống bản, rồi thì tập quán của người dân cũng phải nhờ mọi người hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, làm cán bộ văn hóa mà không hiểu về văn hóa thì khó vô cùng, nói không ai nghe. Đến nay, sau một năm, tôi mới cơ bản làm quen và đang bắt nhịp công việc ở địa bàn mới”.

Cũng theo anh Lê Văn Thắng, việc luân chuyển cán bộ công chức ở cơ sở nói chung là cần thiết. Tuy nhiên, nó cũng phải căn cứ trên thực tế từng lĩnh vực. Với công chức văn hóa - xã hội cấp xã, ngoài văn hóa (văn hóa, gia đình, di tích...) thì còn chịu trách nhiệm cả việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Lĩnh vực văn hóa nói chung thì cần có sự am hiểu, nếu là người địa phương sẽ là một lợi thế. Vì văn hóa nói chung không đơn thuần là những văn bản hành chính, mà còn cả công tác tuyên truyền, đặc biệt với các địa bàn vùng cao thì công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng. Vậy nên việc luân chuyển công chức văn hóa - xã hội ở cơ sở cần có sự cân nhắc.

Anh Thắng, anh Bằng chỉ là hai trong số nhiều công chức văn hóa - xã hội cấp xã ở các địa phương được luân chuyển trong thời gian qua. Dù người trong cuộc khẳng định hoàn toàn thống nhất với việc luân chuyển của cấp trên. Tuy nhiên, khi công chức văn hóa - xã hội cơ sở phải luân chuyển, thực sự có nhiều vấn đề. Bản thân người viết bài, khi liên hệ làm việc tại cơ sở, muốn tìm hiểu sâu về những vấn đề về văn hóa - lịch sử của địa phương nhưng đã không ít lần nhận được giãi bày: “Anh/chị mới chuyển công tác về đây; hay anh/chị không phải người địa phương...”.

Công chức văn hóa - xã hội có nên là người địa phương?

Nhìn nhận về việc luân chuyển công chức văn hóa - xã hội ở cơ sở, ông Hoàng Văn Hà, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lang Chánh cho rằng: “Công tác văn hóa ở cơ sở nói dễ không dễ, bảo khó cũng không khó nhưng nếu là người địa phương thì sẽ thuận lợi. Việc đang làm cán bộ văn hóa ở địa phương này phải chuyển sang địa phương khác sẽ khiến người được luân chuyển gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, nếu không phải người địa phương, rất khó gần gũi với người dân. Nếu công chức văn hóa - xã hội “đi” như một sự thử thách, tạo cơ hội để phát triển thì cũng tốt. Còn nếu luân chuyển theo kiểu “nghĩa vụ”, ngắn ngày thì có lẽ là không thực sự cần thiết”.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Sơn nói rõ hơn: “Việc luân chuyển công chức văn hóa - xã hội là hết sức bình thường. Do huyện Đông Sơn địa bàn nhỏ, nên công chức văn hóa - xã hội chuyển từ xã này sang xã kia cũng không gặp nhiều khó khăn về việc đi lại, nắm bắt địa bàn. Việc luân chuyển công chức văn hóa - xã hội sẽ tạo nên “hơi thở mới” cho hoạt động văn hóa - thông tin ở cơ sở. Tuy nhiên, việc luân chuyển cũng nên dựa trên yếu tố thuận tiện cho công chức văn hóa - xã hội (khoảng cách); một khi đã luân chuyển thì thời gian luân chuyển có thể kéo dài hơn, chứ không nên ngắn hạn 3, 4 năm. Bởi phải có thời gian thì cán bộ văn hóa ở cơ sở mới tiếp cận địa bàn, làm quen người dân và tìm hiểu văn hóa, tập quán của địa phương, từ đó mới có sự gắn bó, phát huy năng lực”.

Bà Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ninh nhìn nhận: “Công tác luân chuyển cán bộ, công chức nhìn chung cơ bản là tốt, ví như yếu tố “kích thích” để cán bộ, công chức nỗ lực cố gắng trong môi trường làm việc mới, cũng đồng thời ngăn chặn sự “nhũng nhiễu” của một số cán bộ. Nhưng đó là với những lĩnh vực mang nhiều yếu tố “nhạy cảm” như tư pháp, địa chính... Còn đối với lĩnh vực văn hóa, yếu tố “nhạy cảm” rất ít. Ngược lại, lĩnh vực văn hóa thì cán bộ phụ trách nên là người địa phương, có thời gian công tác lâu, nắm vững lĩnh vực mình phụ trách. Khi là người địa phương, cán bộ văn hóa sẽ hiểu rõ lĩnh vực của mình. Nếu công chức văn hóa không phải là người địa phương, rất khó để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội và thông tin tuyên truyền thường xuyên một cách hiệu quả. Làm văn hóa, nếu không gần dân, hiểu dân và được người dân ủng hộ, giúp đỡ sẽ rất khó đạt được kết quả tốt nhất. Chưa kể, nếu cán bộ văn hóa không phải người địa phương thì việc xa lạ với các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán rất dễ xảy ra”.

Có người ví người làm công tác văn hóa cơ sở như “người vác tù và hàng tổng” - làm dâu trăm họ. Công chức văn hóa - xã hội và những người làm văn hóa ở cơ sở nói chung vốn dĩ nhiều việc không tên, lại thường xuyên phải tiếp xúc với các làng, thôn và người dân, liên quan đến nhiều lĩnh vực như các phong trào, hoạt động văn hóa; công tác gia đình; tuyên truyền... Nếu không phải là người địa phương, sẽ rất khó yêu cầu họ làm tốt lĩnh vực phụ trách. Bởi vậy, nên chăng việc luân chuyển cán bộ làm văn hóa ở cơ sở cũng cần đến những sự tính toán, cân nhắc phù hợp!?.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]