Văn học nghệ thuật Thanh Hóa - 50 năm đồng hành cùng quê hương, đất nước
50 năm hành trình đã qua cũng là chặng nghỉ để đi tiếp về phía tương lai. Một trong những thành tựu quan trọng của Hội VHNT Thanh Hóa thời gian qua là công tác phát hiện, ươm mầm, bồi dưỡng và kết nạp các tài năng VHNT. Từ đó, góp phần phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là hội viên trẻ, hội viên người dân tộc thiểu số ngày càng vững vàng về tư tưởng chính trị, sắc bén về nghề nghiệp, để cống hiến cho sự nghiệp VHNT cách mạng, đồng hành cùng quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa nhận Huy chương Đồng Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 6. Ảnh: Lê Công Bình
Đi suốt chiều dài lịch sử quê hương, đất nước, văn học xứ Thanh “vẫn cứ là độc đáo”. Nếu chỉ tính trong giai đoạn hiện đại, bắt đầu với cuộc kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là vùng tự do, là “căn cứ địa”, là cơ sở “trung tâm” của văn hóa kháng chiến. Nơi đây có trụ sở của đoàn “Văn hóa kháng chiến” đóng tại làng Quần Tín (xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn) là cái nôi của văn nghệ Việt Nam. Cũng ở Quần Tín, hai lớp văn hóa kháng chiến đã được mở, với các giảng viên là những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận nổi tiếng truyền dạy. Từ lớp học này, xuất hiện một lớp văn nghệ sĩ đầu tiên như Minh Hiệu, Hà Khang, Hữu Loan, Hồng Nguyên, Thôi Hữu... Đây cũng là nơi khai sinh “Đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4” tiền thân của các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.
Những con số
Ngày 6/12/1969, Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 15H/QĐ-UBTH cho phép thành lập Hội VHNT tỉnh, gọi tắt là “Hội Văn nghệ Thanh Hóa”. Ban vận động ra đời, do nhà thơ Võ Quyết, Trưởng Ty Văn hóa làm trưởng ban. Sau 5 năm (1969-1974), ngày 27/6/1974, Đại hội lần thứ nhất Hội VHNT Thanh Hóa được tổ chức.
Trải qua 10 lần đại hội với 7 đồng chí đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội, gồm: nhà thơ Võ Quyết, nhà lý luận phê bình Huy Sanh (khóa I), nhà viết kịch Mai Bình (khóa II), nhà văn Đặng Ái (khóa III), nhà văn Lê Xuân Giang (khóa IV, V, VI), nhạc sĩ Đồng Tâm (khóa VII, VIII) và họa sĩ Phạm Duy Phương (khóa IX, X), Hội VHNT Thanh Hóa lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Từ 92 văn nghệ sĩ thuộc 9 chuyên ngành khác nhau thuở ban đầu, với chức năng và nhiệm vụ tập hợp, động viên và bồi dưỡng những người làm công tác VHNT chuyên và không chuyên trong tỉnh, đến nay 11 ban chuyên ngành (gồm: âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, lý luận phê bình, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, thơ, văn xuôi, văn nghệ dân gian và tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh) với gần 500 hội viên, đội ngũ văn nghệ sĩ vững vàng về chính trị, thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển quê hương, đất nước. Ngoài ra, hội còn bảo trợ hoạt động cho các mảng văn học miền núi, văn học trẻ và nhà trường, CLB nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh, CLB thư pháp Xuân Hoa, CLB họa sĩ trẻ Lam Sơn, CLB kiến trúc sư trẻ...
Đến những thành tựu
Kể từ Đại hội lần thứ nhất Hội VHNT Thanh Hóa, 50 năm ấy Thanh Hóa đã có một đội ngũ văn nghệ sĩ nổi bật. Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: “Lực lượng văn nghệ sĩ xứ Thanh là niềm tự hào của Nhân dân Thanh Hóa, nói riêng, và cả nước nói chung. Chúng ta đã có khối lượng tác phẩm rất đồ sộ, phản ánh được hình ảnh người dân Thanh Hóa anh dũng trong chiến đấu, cần cù trong sản xuất... Lịch sử Thanh Hóa đã ghi nhận Hội VHNT như một chứng nhân của lịch sử, gắn bó mật thiết với quê hương, đất nước chúng ta”.
Trong kháng chiến chống Pháp, hiện diện tên tuổi các nhà văn Thanh Hóa, nổi lên là: Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Hồng Nguyên, Hữu Loan, Minh Hiệu, Hà Khang... Họ đã thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tham gia làm nhiệm vụ chống kẻ thù xâm lược, cổ vũ Nhân dân đấu tranh giành thắng lợi cho quê hương, đất nước.
Khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lan ra miền Bắc, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, xứ Thanh vừa làm nhiệm vụ của một hậu phương vững chắc lại cũng là chiến trường lớn. Thực tiễn sôi động ấy đã xuất hiện và định danh một thế hệ văn xuôi mới với những tên tuổi như: Lê Đại Thanh, Nguyễn Thế Phương, Xuân Sách, Lữ Giang, Trần Hiệp, Hoàng Tuấn Phổ, Đặng Ái, Lê Hữu Thuấn, Hà Thị Cẩm Anh, Lê Sỹ Oanh, Lê Thiện Trác... và những nhà thơ như: Nguyễn Duy, Cẩm Giang, Lê Đình Cánh, Lê Văn Vọng, Nguyễn Bao, Trần Vũ Mai, Mã Giang Lân, Anh Chi...
Bước vào thời kỳ đổi mới, xứ Thanh đã xây dựng được một lực lượng hùng hậu với sự kết hợp nhiều thế hệ và sự phối hợp giữa lực lượng chuyên nghiệp và “không chuyên”. Những cái tên như: Vương Anh, Văn Đắc, Phùng Gia Lộc, Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh, Lê Xuân Giang, Nguyễn Văn Đệ, Mai Văn Hai, Mai Ngọc Thanh, Lã Hoan, Huy Trụ, Nguyễn Ngọc Quế, Trịnh Anh Đạt, Mạnh Lê, Đào Phụng, Lâm Bằng, Đinh Ngọc Diệp, Viên Lan Anh, Hỏa Diệu Thúy, Trịnh Vĩnh Đức... rồi các nghệ sĩ nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, đã có nhiều tên tuổi lớn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ để đưa những tác phẩm của mình đến với người thưởng thức. Những tên tuổi mỹ thuật, nhiếp ảnh đáng chú ý là Tạ Quang Bạo, Lê Đình Quỳ, Quốc Lập, Phan Bảo, Đỗ Chung, Lê Xuân Quảng, Lê Cậy, Mai Kiên, Đồng Tâm, Trần Đàm, Trọng Thắng... đã góp phần tạo nên dòng chảy VHNT mạnh mẽ nơi mảnh đất xứ Thanh.
Đến nay, trong số các hội viên Hội VHNT tỉnh có 8 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT, đó là: nhà thơ Minh Hiệu, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vương Anh, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Hoàng Anh Nhân, nhà văn Kiều Vượng, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nhà thơ Cao Sơn Hải và biên đạo múa, nhạc sĩ Hoàng Hải. Và có 9 hội viên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, bao gồm: Mai Tư, Hàn Hải, Mai Lan, Nguyễn Ngọc Quyền, Thanh Tâm, Hải Thọ, Hoàng Hải, An Tư, Vương Hải và 47 hội viên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được ban hành, VHNT Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Lực lượng văn nghệ sĩ đã đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Các loại hình VHNT có những bước chuyển biến rõ nét; khẳng định văn hóa là động lực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 4.500 tác phẩm VHNT trên tất cả các thể loại của văn nghệ sĩ Thanh Hóa được hoàn thành và công bố. Trong đó, có hơn 1.200 tác phẩm được đánh giá cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, giành giải thưởng tại các cuộc thi từ cấp tỉnh, Trung ương. Trong đó, có hơn 150 tác phẩm VHNT và báo chí viết về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thời gian qua, hội đã phối hợp với các hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các hội VHNT trong khu vực, trong khối đăng cai tổ chức tham gia hơn 100 cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật; gần 100 lần triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung; 6 lần liên hoan âm nhạc; hơn 2.500 tác phẩm VHNT được đăng tải và công bố trên sóng phát thanh truyền hình địa phương và Trung ương; hơn 800 đầu sách của hội viên được xuất bản, quảng bá ở hầu hết các thể loại.
Phải khẳng định rằng, để có những thành công ấy, ngoài dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống với những giá trị lịch sử thời đại, những đớn đau giữa cái sống cái chết, sợi dây mong manh giữa cái thiện và cái ác, giá trị giả và thật của “làn gió mở cửa”, còn là mạch nguồn của người nghệ sĩ luôn muốn đồng hành cùng thời đại, đã làm nên một nền nghệ thuật đáng ngợi ca của vùng đất xứ Thanh.
Từ những thành quả lao động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, Hội VHNT Thanh Hóa đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì; được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và nhiều cá nhân có thành tích trong lao động sáng tạo nghệ thuật...
Khẳng định vị trí của VHNT Thanh Hóa, nhà lý luận phê bình Thy Lan, Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, cho biết: Hội viên Hội VHNT tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về VHNT trong thời kỳ mới và Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để dấn thân và dấn thân hơn nữa, bồi đắp trí tuệ, tâm hồn, chất liệu cuộc sống, làm giàu hơn, chất lượng hơn tác phẩm của mình.
50 năm hành trình đã qua cũng là chặng nghỉ để đi tiếp về phía tương lai. Một trong những thành tựu quan trọng của Hội VHNT Thanh Hóa thời gian qua là công tác phát hiện, ươm mầm, bồi dưỡng và kết nạp các tài năng VHNT. Từ đó, góp phần phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là hội viên trẻ, hội viên người dân tộc thiểu số ngày càng vững vàng về tư tưởng chính trị, sắc bén về nghề nghiệp, để cống hiến cho sự nghiệp VHNT cách mạng, đồng hành cùng quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, họa sĩ Phạm Duy Phương cho rằng: "Trước yêu cầu đổi mới của quê hương đất nước, VHNT vẫn kiên trì thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tâm huyết sáng tạo nhiều tác phẩm giàu giá trị tư tưởng, giá trị giáo dục, nhân văn và khẳng định chất lượng nghệ thuật mang giá trị văn hóa của quê hương, góp phần làm phong phú thêm dòng chảy của nền VHNT nước nhà. Chúng tôi mong muốn có một bảo tàng VHNT, nơi sưu tầm, lưu giữ những giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và những tác phẩm VHNT đặc sắc của người Thanh Hóa, là địa chỉ giáo dục góp phần vào quá trình xây dựng nhân cách con người Việt Nam mới XHCN. Đề nghị lãnh đạo tỉnh cùng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam triển khai hiệu quả việc quy hoạch, bảo tồn khu di tích lịch sử VHNT Quần Tín - chiếc nôi của văn hóa cứu quốc; sớm lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia".
Nói về thành công của ngày hôm qua, của thế hệ đi trước để chúng ta thêm một lần nữa khẳng định, văn nghệ xứ Thanh luôn đồng hành cùng quê hương đất nước, văn nghệ sĩ xứ Thanh luôn nỗ lực để có thể cho ra đời những tác phẩm tốt nhất, hay nhất. Đây cũng là động lực để mỗi nghệ sĩ bằng trách nhiệm, tài năng và sự đam mê của mình sẽ tìm ra “dòng riêng giữa nguồn chung”, “khơi những điều chưa ai khơi và nói những điều chưa ai nói”, phản ánh dòng chảy nhộn nhịp của đời sống mà vẫn giữ được sắc thái của vùng đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”.
Kiều Huyền
- 2024-10-11 06:52:00
Mưa phố
- 2024-10-10 09:39:00
Đi ngang Hà Nội
- 2024-06-21 15:04:00
“Gửi lại thời gian”- Hạt tinh thần óng ánh của nhà thơ Võ Quyết