(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuân tới, đám trẻ quê ngày xưa vẫn cứ mê mải ùa ra đường đất, chơi cả ở ruộng hoa màu, bờ sông, chán chê thì thẩn thơ nhìn sương khói. Bao nhiêu tưởng tượng xa xôi, mông lung mải miết bay theo làn khói mùa xuân ấy. Cùng tưởng tượng ra muôn dáng hình từ những ngọn khói, lũy khói, bụi khói kia. Một lùm cây um tùm. Một nàng tiên đang múa. Một mái đình cổ kính nét cong cong. Một chiếc thuyền buồm căng gió ra với biển...

Bến bờ tha thiết mùa xuân

Xuân tới, đám trẻ quê ngày xưa vẫn cứ mê mải ùa ra đường đất, chơi cả ở ruộng hoa màu, bờ sông, chán chê thì thẩn thơ nhìn sương khói. Bao nhiêu tưởng tượng xa xôi, mông lung mải miết bay theo làn khói mùa xuân ấy. Cùng tưởng tượng ra muôn dáng hình từ những ngọn khói, lũy khói, bụi khói kia. Một lùm cây um tùm. Một nàng tiên đang múa. Một mái đình cổ kính nét cong cong. Một chiếc thuyền buồm căng gió ra với biển...

Bến bờ tha thiết mùa xuânMinh họa: Linh Chi

Trời đất đẫm hơi xuân thì bến đò, bãi sông cũng thế. Trẻ làng lon ton men chân theo từng luống lạc vừa hé vài lá mầm như đàn bướm xanh rập rờn. Ngô non mới cao chừng nửa gang tay, lá bấy bất vui đùa trong gió. Người làng thường nói, bến đò là nơi đón người bên kia sang sông chợ búa, bán buôn, dịp tết cũng phải tươm tất để bày tỏ lòng hiếu khách. Người ta xén gọn hai hàng cây dại, kê gạch ngay ngắn ở lối đi dẫn từ bãi cát lên bờ đê để đò ghé vào thì người bước xuống chân không lấm cát. Thế nên, những ngày đầu tiên của năm mới, dấu ấn chu toàn ấy vẫn vẹn nguyên.

Có lần, theo mẹ đi chợ bên này sông, chị họ kể tôi nghe phong tục cho trâu bò đón tết. Những đám cỏ non xanh nhất được để mắt từ nhiều ngày trước đó sẽ cắt về, gom đầy ở phần áp mái của chuồng trại để tết đến vật nuôi được no nê. Nhưng đúng ngày tết, qua sáng mùng một, trẻ làng vẫn dắt trâu ra đồng. Những câu chào, lời chúc hồn nhiên, xôn xao vang qua từng lũy tre, bờ giậu. Lũ trẻ chăm ngoan bên đàn trâu bò hòa vào làn sương mỏng manh vây bọc ngôi làng nhỏ bé, trong hơi nước khẽ khàng ngưng đọng trên từng ô vũng mặt ruộng... vẫn mang hơi sương.

Phần doi đất phù sa nhô ra gần bến đò là khu vườn của ông giáo Tình. Khu vườn ấy đặc biệt nhất làng, chẳng biết nhờ phù sa hay sự cần mẫn mà bốn mùa rộn ràng hương sắc. Thuở ấy, tìm được quả bưởi đẹp bày mâm ngũ quả mới khó làm sao vì hầu như các vườn chẳng thể giữ được bưởi qua rằm tháng tám. Không hái, bưởi chín quá vẫn tự rụng lộp bộp trong vườn. Duy hoa trái ở khu vườn phù sa kia vẫn bời bời dù trái vụ. Các nhà đều dặn ông giáo trước, phết vôi lên đầu cuống vừa tránh sâu bệnh, vừa như cách đánh dấu. Muốn có hoa đĩa đẹp để dâng cúng, cũng vẫn loanh quanh khu vườn ấy, ý tứ ngắm nghía từ nhiều ngày trước đó, góc này góc kia khu vườn có nụ nào kịp hé rồi, dự liệu bao nhiêu ngày sẽ nở, và từng ấy nụ bông liệu đã đủ đĩa chưa. Không xin được hoa lại phải đi chợ phiên hai chín tết thật sớm. Cả phiên chợ chỉ có mỗi một bà bán hoa đĩa, thường ngày vẫn bán trầu cau. Giữa chợ quê, hàng hoa đĩa của bà tô điểm nên sắc màu lung linh ngũ sắc. Nói về độ khéo của bà thì hiếm ai dám so bì. Chẳng hiểu bằng cách nào mà mùa nào hoa nấy, thậm chí hoa trái mùa cũng có. Một đĩa hoa đủ sắc xanh, đỏ, tím, vàng, trắng... đã đành, đến cách gói lá, buộc lạt chữ thập mới tinh ý làm sao. Các cô hàng xén bao bận ngó sang học lỏm, đã đúng cách mà không thể sắc gọn, vuông vắn, tươi trong được nhường ấy.

Trong khu vườn cạnh bến đò xuân, ai nấy đều mê mẩn ngắm những loài hoa thôn dã. Ngâu lấm tấm vàng. Mẫu đơn rực đỏ. Móng rồng cánh cong thơm lựng, ngọc lan trắng muốt kiêu kỳ... Qua mồng bốn, dầu hoa đã se lại, thoảng mùi lá khô, nhụy khô được gói ghém trọn vẹn trong lá dong khum khum, chứ không tàn lụi, rơi rụng. Tuổi thơ tôi cũng cứ thích hít hà hương hoa khô ấy, nên bà hay mẹ có nhờ bỏ hoa đi cũng len lén mang về một góc cửa sổ, để hoa tiếp tục khô, gió từ bên ngoài thoảng vào, tràn qua đĩa hoa, hương xuân chín ửng.

Cách một hàng rào hoa dâm bụt pháo vướng dây tơ hồng, trẻ làng chăm chút cho bến đò xuân được tinh tươm, đôi khi lừng khừng cầm mãi chiếc chổi tre, không muốn quét sạch bách thảm cánh hoa từ khu vườn ấy vừa rụng sang bên này. Mặt sông, thi thoảng lại quẫy lên vài tiếng “bõm, bõm”, “bõng, bõng”, “tắc, tắc” rồi từng vòng sóng tròn vành vạnh cứ lan tỏa rộng dần, mờ dần. Nhớ gương mặt ông giáo quắc thước mà luôn ấm áp mỉm cười, từ tốn lấy cái gậy tre một đầu đan sẵn chiếc giỏ để trẩy hoa. Người làng xin hoa bày tết, sau đó là cúng rằm tháng Giêng, nhưng nhất định phải tự tay mình trẩy ông mới yên tâm không gẫy cành, rụng lá, phí hoài những nụ còn non. Xong xuôi, thể nào ông giáo cũng gói thêm đôi ba gói, gửi trẻ nhỏ tiện đường thì mang qua nhà này, nhà nọ. Tình nghĩa xóm giềng cứ bình dị mà lắng sâu như thế khiến bến bờ cũng như khấp khởi nối dài xuân.

Nơi thôn dã, tháng Giêng, có vương vấn đến mấy thì các nhà đều đã bắt đầu vừa nhẩn nha dọn dẹp, xếp đặt lại nhà cửa, ăn sáng bằng bánh chưng rán kèm dưa hành đã ngấu rồi vác cuốc cày ra ruộng chăm lo đồng áng thủy lợi. Trong bức hình gần gụi ấy, sương mùa xuân mơ hồ, nắng non mùa xuân êm ấm như những vòng tay trìu mến tỏa lan.

Tản văn của Đoàn Thụy (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]