(vhds.baothanhhoa.vn) - …Một đời có được mấy lần/ Về quê mà lội cho chân ngập bùn/ Cho vàng mấy móng chân son/ Cho hoe cháy tóc, có còn thị dân?…

Đoản khúc quê hương

…Một đời có được mấy lần/ Về quê mà lội cho chân ngập bùn/ Cho vàng mấy móng chân son/ Cho hoe cháy tóc, có còn thị dân?…

1. Anh bạn tôi là kỹ sư chuyên ngành xây dựng, sống thực tế chứ không lãng đãng như cánh văn nghệ sĩ nửa mùa chúng tôi, thế mà cứ nằng nặc đòi chất lên cốp xe hơi một túi to đất đồi và mấy mươi gốc cây rau má (mà phải là đất đồi và rau má lấy tại chính chân hòn núi Đọ quê chúng tôi - nơi phát tích của nền văn minh Đông Sơn cách đây cả mấy nghìn năm có lẻ) - để mang ra Hà Nội trồng, chăm bón ngay tại sân thượng nhà anh. “Để ghi nhớ những tháng ngày chúng mình từng đi qua, một buổi đi học, một buổi đi hái rau má ăn tạm qua mùa giáp hạt” - anh ấy nhắc nhớ.

Anh bạn khác, là bác sỹ đang công tác tại một bệnh viện lớn, lại thèm được một ngày nào đó về quê chạy ào xuống ruộng sâu đằm mình hít hà cái mùi bùn non đã ăn sâu vào trong tiềm thức.

Riêng tôi, tôi luôn nhớ đến nao lòng cái mùi rơm rạ mới đã từng bế tôi lên trong lần hồi ký ức mỗi khi về quê trong chính những ngày mùa. Và, tôi không bao giờ quên được những con đường đi học ngày xưa, hun hút gió bấc mùa đông và nắng cháy đỏ càng cua mùa hạ ….

Ôi, những cách nhớ quê rất hồn nhiên và mang đậm cái tình … “Hai Lúa”! Cho dù nay, chúng tôi đều đã tạm trưởng thành và mỗi ngày qua đi vẫn đang hoà mình cùng nhịp sống hối hả của đất thị thành. Tóc đã không còn hoe hoe cháy trên đầu và móng chân móng tay đã nhả hết cả mùi lẫn màu phèn chua vàng ố. Nhưng tâm hồn vẫn luôn hướng về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng chúng tôi trong từng bước lẫm chẫm đầu đời!

Đoản khúc quê hương

2. Quê tôi nằm bên bờ sông Chu, nước thường chảy hiền hoà và xanh mát, nhưng cũng cực kỳ hung hãn mỗi mùa nước lũ đổ về. Những đêm trăng thanh gió mát, lũ trẻ thì rồng rắn trên triền đê với những câu đồng dao ngộ nghĩnh, dưới bãi sông là những câu hò đối đáp của nữ tú nam thanh. Lắm khi hứng lên, đám thanh niên trong làng trong xóm cũng mở hội chọi gà, đá bóng, vui vô cùng và náo loạn cả khúc sông quê.

Những buổi chiều hè nóng bức, chúng tôi thường nhảy ào xuống sông đùa nghịch thoả thích và tắm chung cùng lũ trâu vừa xong buổi cày đồng. Một chiếc xuồng máy của mấy chú kiểm lâm chạy ào qua, sóng dềnh lên tung toé, mấy chú trâu đen sợ quá nhảy đại lên bờ, còn chúng tôi cũng cuống cuồng đưa tay vuốt nước trên mặt. Có ai đó giơ nắm tay đấm dứ dứ về phía chiếc xuồng, nhưng miệng thì ngoác ra cười hồn nhiên hết cỡ…

Cái chốn quê sao mà đầm ấm dễ thương, và những con người ở đó sao mà bình dị, hiền lành, chân chất như củ khoai hạt lúa!

3. Ngày ấy tôi đến trường bằng đôi chân trần chai sạn. Con đường tôi đi qua làng đến trường là những cánh đồng thấm đẫm mùi lúa trổ dòng, thơm đến đê mê ngây ngất. Có những buổi sáng tinh sương, đi qua con đường ấy và ngoái lại nhìn, những bước chân tôi đã vẽ lên thảm cỏ đẫm sương đêm một vạt chạy dài đều tăm tắp. Cho đến tận bây giờ, tôi cũng chưa thấy một hoạ sỹ hay một nhiếp ảnh gia nào đó, đã ghi lại “cái hồn” tương tự như thế, mà con đường tuổi thơ tôi đã đi qua. Còn khi ấy, trong ký ức tuổi thơ tôi cũng thấy tiêng tiếc khi nắng lên hoặc những người dân đi làm đồng, sẽ xoá nhoà mất bức tranh mà đôi chân trần của tôi đã vẽ. Còn buổi học về, những chú cua dưới mương dưới ruộng buộc phải ngoi lên bờ bởi cái nắng hè cháy như đổ lửa. Vừa đi vừa nhặt, tôi đã làm đầy cả hai túi quần toàn cua.

Có một hôm, tôi đã không bắt/ nhặt cua đồng ngoi lên bờ nữa. Tôi ngồi thụp xuống lặng lẽ ngắm những chú cua đang giương càng, “dùng miệng thổi cơm” đầy bọt và tròn xoe xoe hai con mắt nhìn từng động thái của tôi. Ấy là vì ngày mai tôi vào đại học, tôi biết mình sẽ xa con đường này và xa cả những chú cua.

Mấy chục năm rồi, cuộc sống thị thành và những tất bật của công việc, những bộn bề toan lo đời sống, thi thoảng tôi vẫn ao ước có một ngày được trở lại … ngày xưa. Để được đi trên con đường thấm đẫm sương đêm ấy và được ngắm nhìn lại những chú cua. Những chú cua của một thời tuổi thơ gian khó mà luôn trong trẻo, hồn nhiên!

4. “Quê tôi ngàn năm khó nhọc. Nên sớm chắt chiu câu nghĩa tình” - câu hát này bao nhiêu năm rồi vẫn đúng y chang như cái làng nhỏ nằm bên bờ sông Chu của tôi. Tuy là một người trưởng thành bằng nghề viết lách, nhưng thú nhận là tôi vẫn thấy mình quá kém cỏi vì chưa viết được một cái gì đầy đủ về quê hương. Có lẽ tôi sợ mình không thể nói, thể viết được trọn vẹn cái hồn quê mình trong mỗi bài văn, bài báo? Hay là vì cuộc sống hiện đại đang có nhiều cái phải canh cánh trong lòng hơn???

Chắc là không phải, vì ông nội tôi thường nói: Linh hồn và máu thịt quê mình, cũng bình dị như củ khoai hạt lúa, như ngọn cỏ mớ rau. Con người quê mình, luôn trọng chữ TÌNH, chữ NGHĨA!

Lời dạy đó của ông sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời. Lời của ông mãi mãi còn ở lại, mặc dù ông nội tôi đã đi xa...

Tản văn của Trần Thanh Tường


Tản văn của Trần Thanh Tường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]