(vhds.baothanhhoa.vn) - Ông Nam đang lúi húi xới cỏ ngoài vườn thì có người gọi ời ời ngoài cổng. Biết là người đến xin cây giống, ông vội vàng chạy ra mở cửa. Mồ hôi túa ra ướt đầm lưng áo, ông ngồi tựa lưng vào gốc cây chỉ tay ra ngoài bãi cây giống bảo:

Khát vọng

Ông Nam đang lúi húi xới cỏ ngoài vườn thì có người gọi ời ời ngoài cổng. Biết là người đến xin cây giống, ông vội vàng chạy ra mở cửa. Mồ hôi túa ra ướt đầm lưng áo, ông ngồi tựa lưng vào gốc cây chỉ tay ra ngoài bãi cây giống bảo:

Khát vọngMinh họa: Ngọ Duy Lương

-Cháu cứ chọn lấy mấy cây to khỏe. Giống mít Thái này dễ trồng lại nhanh có quả lắm. Chăm sóc tốt cho trái quanh năm, quả lại to, giòn ngọt. Chẳng phải thuốc thang gì. Mấy năm nay mít được giá lắm, chịu khó trồng lấy ít cây trong vườn. Vừa có trái cho con ăn lại vừa mang bán cháu à.

- Vâng ạ. May có bác cho cây giống lại tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng mà vụ na vừa rồi cháu cũng kiếm được đồng ra đồng vào thêm thắt tiền cho các con ăn học. Cháu biết ơn bác lắm.

- Ơn huệ gì. Hàng xóm láng giềng lại cùng cảnh nghèo khó đỡ đần nhau được cái gì là vui cái ấy. Thấy tụi nhỏ có cái ăn, cái mặc, được học hành tử tế là tôi thấy lòng nhẹ nhõm.

Sau khi dặn dò kỹ lưỡng phải bổ hố thế nào, mật độ trồng cây ra sao, rồi cả cách ủ cá thành phân bón cho mít Thái, ông Nam mới yên tâm để cô Lượng ra về. Nhìn theo bóng dáng người đàn bà cơ cực ấy ông khẽ thở dài. Chồng chết, một mình nuôi ba đứa con, tưởng cứ tảo tần sớm hôm rồi cuộc sống sẽ khá hơn. Ai ngờ bệnh tật ập đến, hết đứa lớn đến đứa nhỏ khiến người mẹ nghèo phải vay mượn nợ nần khắp nơi. Thương cảnh đời khốn khó ấy ông Nam đã đến tận nhà thăm hỏi. Ngoài suất quà khuyến học trích từ lương hưu tặng cho các cháu, ông còn đến xem vườn tược nhà cô Lượng thế nào, chất đất ra sao, phù hợp trồng những giống cây gì để còn giúp đỡ. Ông luôn quan niệm cho con cá không bằng cho họ cái cần câu. Giúp đỡ họ có hướng làm ăn kinh tế chính là cứu họ thoát khỏi vũng nghèo. Thế nên nhiều năm nay vườn ươm hơn ngàn mét vuông của người thương binh già đã cung cấp miễn phí rất nhiều giống cây trồng cho các hộ nghèo trong xã. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn người dân trồng nấm, nuôi ong lấy mật để họ dần có thu nhập ổn định trang trải cuộc sống. Dân làng vẫn gọi ông là “thầy Nam” không hẳn vì những năm tháng ông đứng trên bục giảng gieo từng con chữ. Mà đó là cách họ tôn trọng một người thương binh đã vượt qua những đau đớn và mất mát của bản thân để làm giàu cho quê hương làng xóm.

*

Ông được sinh ra ở một vùng quê nghèo giữa khói lửa chiến tranh. Năm mười tám tuổi ông xếp bút nghiên tình nguyện lên đường nhập ngũ. Giống như bao đồng đội khác, ông chiến đấu ngoan cường trước đạn bom của địch. Nhưng trong một trận chiến ác liệt ông bị thương nặng, tổn hại hơn bốn mươi phần trăm sức khỏe nên được cho về tuyến sau điều trị và an dưỡng.

Chiến tranh kết thúc, ông trở về miền quê nghèo ôm những cuốn sách vào lồng ngực nuôi ước mơ trở thành thầy giáo. Vượt qua biết bao nhiêu gian khổ ở trường đại học, cuối cùng ông cũng được trở về quê hương đứng trên bục giảng. Nhớ lại những năm tháng ấy ông không khỏi ngậm ngùi. Ngôi trường tường đất, mái lợp bằng lá cọ cứ mùa mưa là thầy trò phải cùng nhau sửa sang che đậy từng vết dột. Nhưng điều khiến ông trăn trở nhất ấy là thỉnh thoảng nhìn xuống lớp học lại có thêm một chỗ trống. Đất nước mới trải qua chiến tranh còn nhiều khó khăn. Đời sống của người dân quê ông lúc đó còn phải lo đến miếng cơm manh áo. Có biết bao nhiêu đứa trẻ đành bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí. Lòng ông không khỏi xót xa. Đói khổ trước mắt đã đành nhưng để tụi nhỏ thiếu đi cái chữ thì cuộc đời chúng sẽ tối tăm biết đến chừng nào.

Nhớ lại những ngày tháng sinh viên xa nhà, có hôm tiền hết ông phải nhịn đói ngồi học bài thâu đêm. Dù khi ấy bụng dạ cồn cào nhưng tâm trí thì mãn nguyện. Nên ông không đành lòng nhìn học trò phải từ bỏ ước mơ cắp sách tới trường. Ông đã đến tận nhà động viên phụ huynh học sinh đồng thời trích một phần tiền lương ít ỏi giúp các em đóng học. Tấm lòng của một người thầy như ông biết bao lớp học trò còn nhớ...

*

Bà Hạnh nhắc chồng nhớ đi ngủ sớm, đêm hôm đừng lọ mọ ngoài vườn. Chẳng gặp phải rắn rết thì cũng sợ trúng cơn gió độc. Thấy sức khỏe của chồng ngày một yếu đi bà đâu thể không lo. Ba mảnh đạn M79 còn nằm trong cơ thể của ông cứ trái gió trở trời lại nhức nhối ngày đêm không dứt. Vậy mà ông không mấy khi chú ý đến sức khỏe của mình, lúc nào cũng chỉ canh cánh trong lòng về những phận người khổ cực. Nhưng cũng vì thế mà mấy chục năm trước bà gật đầu làm vợ ông. Còn nhớ ông từng nói “anh chẳng có gì ngoài những vết thương của chiến tranh để lại. Em về làm vợ hẳn sẽ thiệt thòi”. Nhưng bà chưa bao giờ thấy thiệt thòi vì tấm lòng ông luôn ấm áp yêu thương. Tình yêu đó không chỉ dành cho vợ con, gia đình, mà còn hướng đến những con người éo le trong xã hội. Những người lính đi qua đạn bom của chiến tranh như ông luôn muốn sống một cuộc đời ý nghĩa. “Vì mình còn may mắn hơn biết bao đồng đội nằm lại giữa chiến trường”, ông Nam vẫn nói với mọi người như thế.

Nhớ những ngày đầu mới lấy nhau, thiếu đến từng cái xoong, cái bát. Ấy vậy mà tháng nào tiền lương của ông đưa về cho vợ cũng chỉ còn tí tẹo. Có hôm nhìn ông lẳng lặng dắt chiếc xe đạp cũ dựng ngoài hiên rồi ngồi một mình đăm chiêu là bà biết trong tháng lương ấy không còn đồng nào cả. Xoay xở khó khăn đủ loại chi tiêu nhưng bà không nỡ trách ông dù chỉ một lời. Vì biết ông cũng khổ tâm chẳng kém khi phải dốc những đồng tiền cuối cùng lo cho học trò mình. Nhiều đêm ông ra ngoài hiên nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi mông lung. Một câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu ông là làm sao có thể vừa lo cho gia đình lại vừa giúp được những hoàn cảnh khó khăn? Muốn có tiền không có cách nào khác ngoài chăm chỉ làm việc. Nhưng làm gì để ra tiền?

Nghĩ mãi cũng ra cách, ông quyết định đào ao thả cá và vay tiền đầu tư mấy chục đõ ong nuôi lấy mật. Khi những lứa cá đầu tiên được bán đi cũng là lúc ông nghĩ đến những suất quà khuyến học. Tuy mỗi suất chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng đó là tấm lòng mà ông chắt chiu từ mồ hôi công sức của mình. Để động viên những tấm gương học trò nghèo hiếu học, ông còn mua xe đạp, sách vở, quần áo bù đắp cho những thiếu thốn vật chất của các em. Trong khi ngày nào người ta cũng thấy ông mặc chiếc áo bộ đội đã sờn vai, đi đôi dép rọ đã mòn vẹt gót. Bữa cơm của ông bà luôn đạm bạc. Cá dưới ao, rau trong vườn, gà nhà đẻ trứng. Có khi nhập nhoạng tối còn thấy ông xách xâu cá hay chục trứng gà cho mấy bà cháu nghèo cuối xóm. Dáng ông gầy nhấp nhô giữa đường làng hun hút...

- Mai bà đi mua giúp tôi mấy thùng ong để tách đàn. Mùa hoa nhãn năm nay có mấy đàn ong lạ bay đến nhập vào đàn nhà mình. Đông quá.

- Chắc là ong rừng đấy ông ạ. Lộc trời cho.

- Tôi tính tách ra mang cho cô Lượng. Mùa này hết hoa phải cho ăn nhưng vài tháng nữa là đến mùa hoa tràm sẽ có mật thu hoạch. Mẹ con cô ấy khéo chăm cũng sẽ có mật bán kiếm đồng ra đồng vào. Hôm qua tôi mới đi thăm đàn ong nhà chú Huấn. Từ mấy đõ ban đầu mà bây giờ trong vườn nhìn đâu cũng thấy ong. Đợt bán mật vừa rồi chú ấy thu hơn chục triệu, gom góp mua được cái xe máy để đi phụ xây. Mùa ong thì lợp lại được cái mái nhà.

- Mừng cho chú ấy không còn cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai. Mấy đứa nhỏ dạo này thế nào rồi ông?

- Thằng đầu đi học trung cấp cơ điện rồi. Sau mấy năm nữa ra trường đi làm, phụ bố nuôi hai đứa nhỏ là vừa. Mẹ của chúng dưới suối vàng chắc cũng yên tâm mà nhắm mắt xuôi tay bà ạ.

Những buổi tối sau khi đã ăn cơm xong, câu chuyện của ông bà thường xoay quanh những người láng giềng nghèo khổ. Thỉnh thoảng những cuộc điện thoại kéo dài của con cháu ở xa cũng đủ khiến hai thân già vui lẫn vào giấc mơ lúc gà gáy sáng. Vợ chồng thằng cả đã nhiều lần tính đón ông bà xuống thành phố ở cùng để tuổi già có giây phút thảnh thơi. Nhưng ông nhất định không đi, còn sức là còn phải lao động. Ngồi một chỗ có khi yếu đi, cứ làm lụng tay chân ông lại thấy khỏe hơn. Hàng ngày trông coi ao cá, vườn cây giống kể cũng mệt thật. Nhưng đêm đặt lưng xuống giường thấy lòng thanh thản khi nghĩ cái cây mình ươm giờ xanh vườn người khác, con cá giống mình nuôi giờ bơi lội tung tăng trong ao kẻ khó. Ông làm sao có thể nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già khi xung quanh còn rất nhiều mảnh đời cần giúp đỡ. Trong đó có cả những người từng vào ra sinh tử ở chiến trường. Họ tuy tránh được hòn tên mũi đạn để về với quê hương nhưng trong máu đã ngấm chất độc da cam vốn không thể nào gột rửa. Những đứa con của họ sinh ra quằn quại trong đau đớn thể xác lẫn tinh thần. Nhìn đồng đội mình hàng ngày phải vất vả bươn trải, giày vò tâm can ông không thể nào đứng khoanh tay. Ông nhất định phải đỡ đần họ để giảm bớt nỗi đau mà chiến tranh để lại.

Trời đã bắt đầu hửng sáng. Ông vùng dậy vác cuốc lên rừng làm cỏ để còn kịp bón phân cho lứa tràm mới trồng. Ông đã bàn với bà kỹ rồi, chừng nào thu hoạch cây sẽ dành toàn bộ số tiền mua xe lăn cho trẻ em khuyết tật. Nhìn rừng cây lớn lên mỗi ngày lòng ông cũng xanh non như lá...

Truyện ngắn của Mai Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]