(vhds.baothanhhoa.vn) - Về quê. Đường ruộng kẻ dọc, kẻ ngang như bàn cờ, cỏ ba lá ken dày, lên bông mảnh mai gầy guộc. Đường đê lồng lộng mà mỗi khi chạy chơi hoặc ngồi yên nhìn dòng sông mùa cạn, bao nhiêu tưởng tượng ùa về. Bên kia sông, chỉ cách một chuyến đò, mà xa tít tắp.

Mưa thu

Về quê. Đường ruộng kẻ dọc, kẻ ngang như bàn cờ, cỏ ba lá ken dày, lên bông mảnh mai gầy guộc. Đường đê lồng lộng mà mỗi khi chạy chơi hoặc ngồi yên nhìn dòng sông mùa cạn, bao nhiêu tưởng tượng ùa về. Bên kia sông, chỉ cách một chuyến đò, mà xa tít tắp.

Mưa thu

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời thơ bé, tôi thường chỉ cho trẻ xóm đồi chiếc nhà ngói nâu bé tin hin cũng nép dưới bờ đê. Nhà bác tôi ở đó. Rồi tôi bỗng nghĩ xa xôi, bác sống có vui không, chị có đang chạy chơi như mình? Đường đê bên ấy có nhiều lỗ dế, châu chấu voi và đàn bươm bướm trắng rập rờn bay nương theo gió... Mẹ đẻ của bác qua đời từ rất sớm. Ông ngoại tôi đi bước nữa với bà ngoại và sinh ra mẹ. Tôi nhớ, mỗi khi nhà có món gì ngon, trước lúc gánh đi chợ bán hoặc múc cho con cháu trong nhà, bà ngoại tôi đều múc ra những chiếc bát thang đặt lên ban thờ, thắp hương cho “chị cả”. Bác lấy chồng bên kia sông nên càng thêm xa cách. Bà ngoại tôi luôn nhắc về bác – đứa con yêu thương mà bà chưa từng phân biệt con chồng, con mình.

Bất chợt, đằng đông mây đen ùn ùn kéo đến. Từng đám mây căng phồng, trĩu nặng nhay nháy chớp sáng. Mưa thu là cách người làng tôi gọi tên về trận mưa cuối cùng của mùa hè, khi trời hiu hắt gió may chuyển tiết. Vừa hôm trước, trẻ xóm còn chỉ cho nhau xem những nụ hoa cúc trổ sớm ngoài vườn bé hơn cái cúc áo và còn nguyên màu xanh được bao bọc trong cái màng mỏng khiến chúng trở nên bóng loáng như ngọc. Bà ngoại tôi thường bảo, trông nụ hoa be bé thế thôi, nhưng chỉ qua vài hôm gió may, nắng thu trải khắp là nụ nứt nanh, bật ra màu vàng xen lẫn rồi to dần, rõ hình những cánh hoa đang cuộn chặt chờ ngày rủ nhau bừng nở. Bao nhiêu năm qua, trong cơn mưa cuối mùa, bà luôn ngồi mé giường bổ cau, têm trầu, phết vôi... và chậm rãi nghiền cái cối giã trầu bằng đồng bé tẹo, gọn ghẽ trong lòng bàn tay. Mưa gió nên nhà tối om om, bà vẫn thuần thục têm trầu chỉ bằng cảm giác.

Tôi nhớ những ngày chợ phiên, mãi trời không tạnh. Cô hàng xóm đội nón mê, áo mưa kín mít đưa sang nhà tôi mấy quả dừa khô. Mẹ tôi ngồi tách cùi ra thành những nửa tròn như gáo nước, trắng ngần, vùi ngay vào bồ muối. Tới bữa cơm, chỉ cần mang dừa ra, cắt từng miếng nhỏ, cả nhà sẽ có món tạm để ăn. Vị muối mặn bám vào cùi dừa ngọt bùi, thơm thơm khiến lưng cơm dễ bề trôi chảy. Rồi trời cũng tạnh. Nắng bừng lên đầy bất ngờ, rạng ngỡ. Thuở bé, tôi vẫn chạy ào ra vườn ngắm hoa tóc tiên. Trên đầu mỗi chiếc nụ thanh mảnh có dáng như hạt thóc đội một giọt nước đang sắp sửa vỡ òa. Màu lá non, ánh nắng, mây trời... như ngưng đọng hết trong giọt nước ở mỗi đầu nụ hoa. Bà ngoại không ra ngoài hiên mà ngồi bên ô cửa sổ mở he hé ra khu vườn xanh mát. Gió heo heo, từ sáng sớm mẹ đã lụi cụi dưới bếp lấy ra bột nếp, mật mía định nấu một nồi bánh trôi. Vừa nhào bột vừa giục trẻ con xuống góc vườn đào lên một nhánh gừng nhỏ để món bánh dân dã dậy hương.

Sau cơn mưa, càng xao xác gió, bờ bãi càng quyến rũ một cách lạ lùng, dù đã qua cái mùa mọi thứ non xanh mơn mởn. Nhà nào nhanh gọn đã kịp đốt những thân những lá khô héo thành tro chăm bón cho từng thửa ruộng. Mùi lá khô, mùi than tro, mùi phù sa quyện vào trong gió. Thứ mùi thơm thật lành hiền, chân chất, vấn vương. Trẻ làng chạy chơi bạt mạng, nào thả diều, đuổi bắt, trận giả... chẳng phải lo giẫm đạp lên hoa màu, cây cối rồi bị người lớn quở trách nữa. Từng bước chân chợt rộng dài thêm. Những tiếng reo hò cũng lảnh lót vang xa khắp chốn. Ngày tháng nông nhàn, người già trong xóm chỉ quanh quẩn việc nhà, cho đến khi cảm giác không còn việc gì nữa thì ra vườn, ra bờ ao nhổ cỏ dại. Đó là công việc quanh năm suốt tháng làm không hết. Những bàn tay gầy guộc cứ nhổ cỏ từ gốc cây nọ tới khoảnh đất kia, khi nào tới cuối vườn, quay lại đoạn đầu đã lấm tấm cỏ.

Ông thuyền chài đánh lưới được mấy mớ cá mang chia khắp xóm. Vừa chia vừa xuýt xoa: “Trời đổi gió mà ăn bát cơm trắng với cá rễ cau kho cạn trong nước dưa chua và lá thơm trong vườn thì hết ý. Ăn dè mấy cũng chỉ đến chiều niêu cá sẽ hết veo. Mấy đứa nhớ trộn cơm trong niêu mà ăn với cháy cá kho, ngon đáo để”. Bà tôi thường biếu ông mớ chè xanh hái trên đồi. Những lần có trẻ con bên cạnh, bà vừa hái vừa dạy chúng phải chọn lá già cong, hơi ngả sắc vàng, khi nấu nước mới đượm hương và ngọt hậu. Dặn dò xong, ngoảnh lại, đã thấy trẻ chơi trò rượt đuổi nhau, chạy từ sườn đồi xuống tít bờ ao. Những bờ ao nối nhà này với nhà kia bằng giàn mướp, ven bờ thể nào cũng có vài bụi mây ríu rít tiếng chim non, lùm cây phèn đen chín rồi ăn vẫn còn vị chát, những bờ cỏ dại, những tiếng ếch kêu, đôi khi “ùm” một cái không biết giống loài gì vừa từ bụi rậm trong vườn quăng mình xuống nước.

Từ thuở ấu thơ cho tới bây giờ, tôi luôn có cảm giác được cùng gia đình, bạn bè nơi quê hương đi qua mùa vụ, qua từng khoảnh khắc mưa nắng, bão giông. Dù trước đó là cảm giác âu lo, nôn nóng đến mức nào, thì sau cuối cũng đều trong veo, khấp khởi, nhất là quãng hè qua và thu đang thong dong ùa tới.

Tản văn của Lữ Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]