(vhds.baothanhhoa.vn) - Sáng nay về quê, nhìn giàn nhót đỏ rực cả góc vườn, tôi lại chạnh lòng tự hỏi: Ở miền thăm thẳm ấy, người có nhớ về quê, nay vào mùa nhót chín?

Nhót xưa hoài niệm

Sáng nay về quê, nhìn giàn nhót đỏ rực cả góc vườn, tôi lại chạnh lòng tự hỏi: Ở miền thăm thẳm ấy, người có nhớ về quê, nay vào mùa nhót chín?

Nhót xưa hoài niệm

(Ảnh minh họa. Nguồn: emdep.vn)

Cứ mỗi độ cuối tháng ba đầu tháng tư, những cơn mưa phùn dần lui lại, nhường chỗ cho nắng mới gọi hè, gọi mùa nhót mới. Tản bộ dọc con phố quen, sà vào mấy xảo nhót chín, lại nhớ ngày xưa, nhớ mấy câu thơ trong bài “Lửa đèn” của nhà thơ áo lính Phạm Tiến Duật: “Anh cùng em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả/ Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá/ Quả cây chín đỏ hoe/ Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu/ Trỏ lối sang mùa hè”.

Miền ký ức xưa xa chợt ùa về...

Năm tôi mười lăm tuổi, hình như chưa biết yêu, nhưng lòng đã thấy xao xuyến lắm, khi anh giấu vào ngăn bàn tặng tôi chùm nhót chín đỏ mọng. Anh học cấp ba lớp mười, tôi lớp tám. Cùng một phòng học, chỉ khác buổi.

Rồi anh nhập ngũ. Trước ngày lên đường, anh đưa tôi qua bên kia sông, nhà bà ngoại anh bên đó để hái nhót. Đâu ngờ đó là mùa nhót cuối cùng, anh không trở lại. Anh đã hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị... Cây nhót nhà bà ngoại anh buồn, mấy mùa không cho hoa trái.

Chiến tranh đã lùi xa và nhót cứ vô tư đơm hoa kết trái, để mỗi khi mùa về, lòng tôi lại bùi ngùi trĩu nặng kỷ niệm xưa.

Ngày bé, tôi không thấy ai trồng nhót bao giờ. Lớn lên đã thấy cây nhót mọc quanh hàng rào.

Nhót là thứ cây quen thuộc với những đứa trẻ lớn lên ở vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Loài cây này thường mọc hoang, dễ sống chẳng phải chăm sóc nhiều mà vẫn ra quả sai trĩu cành.

Bây giờ thì khác, về quê đã thấy nhót được trồng trong vườn, ngay trước sân nhà. Nhà bác tôi mắc một cái giàn để dây nhót leo lên. Bác bảo nhót có hai loại, cho hai thứ quả khác nhau: loại quả tròn ngọt hơn, loại quả dài chua hơn. Thông thường nhót chỉ để ăn chín hoặc nấu canh chua. Nhưng ở quê tôi, nhót còn để kho ruốc sông. Ngày bé bà tôi bảo:“Ruốc kho lâu, thịt trâu xào tái”. Con ruốc kho nhót chín đỏ au thơm nức mùi gừng, là món ăn chị em tôi thích.

Cây nhót thường đơm hoa vào chớm xuân. Ra tết, hoa vào trái và lớn rất mau. Quả nhót ban đầu chỉ nhỏ như hạt lạc, khi bằng ngón chân cái thì bắt đầu căng chín. Quả ra sớm chín đỏ. Quả vàng ươm xen quả xanh rì, lúc lỉu trĩu trịt cả giàn. Lá nhót cũng rất đặc biệt, mặt trên xanh nhạt, mặt dưới phớt ánh bạc kim sa. Mỗi khi nắng về, lá ngời lên như những đóa môi thiếu nữ thời nay, thích làm mới mình bằng màu son khác lạ.

Nhót luôn về đúng hẹn. Cứ đến dịp này, cây nhót hàng rào sau vườn bắt đầu lác đác những quả chín. Tôi lại hái để mang đến trường, cất đầy trong ngăn bàn, để giờ ra chơi chia nhau ăn. Ăn nhót cũng phải có cách nhé. Nhón từng quả, chà nhẹ nhàng vào quần vải chéo cho hết lớp phấn trắng, rồi dùng tay bóp nhẹ cho mềm đều, chấm ít muối ớt, cho lên miệng. Ôi... cái vị chua cay mặn ngọt riêng có của nhót cho đến lúc này vẫn khiến tôi ứa nước miếng...

Thời tiết ấm dần lên, nhót chín rất nhanh. Nếu nắng ấm liên tục vài ngày là nhót chín rộ. Trên phố xuất hiện nhiều xe thồ bán nhót, quả nào quả ấy căng mọng, rưng rức đỏ. Một cân nhót chín giá khoảng vài chục ngàn, nhót xanh đắt hơn nhưng chợ ít thấy bán. Loại quả này chứa một lượng lớn vitamin C nên nếu ăn quá nhiều, đặc biệt là ăn trong lúc đói sẽ rất dễ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Tôi thường nấu canh chua thịt hoặc sườn với trái nhót ương. Đó là món canh giải nhiệt mùa hè lạ miệng rất hấp dẫn.

***

Sáng nay về quê, nhìn giàn nhót nhà bác đỏ rực cả góc vườn, tôi xin một cành nhiều quả chín nhất, mang về khu dân cư khoe bạn bè rồi chụp vài kiểu ảnh để nhớ về mùa nhót năm xưa. Để nhớ bài thơ của nhà thơ Tế Hanh mà “người ấy” từng đọc tôi nghe: “Vườn nhỏ nhà em có quả chua/ Một hôm anh đến hỏi bông đùa/ "Mùa xuân đã đến rồi em đó/ Cây nhót nhà em có quả chưa".

Ở miền thăm thẳm ấy, người có nhớ về quê, nay vào mùa nhót chín?.

Tản văn của Lê Phương Liên


Tản văn của Lê Phương Liên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]