(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong số gần 70 hội viên Ban Thơ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, chỉ có khoảng 15 người thuộc thế hệ 7X. So với các thế hệ nhà thơ lớp trước, họ không khác gì mùa xuân chồi non lộc biếc đang độ xuân thì, đầy sức sống. Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng nói: Người thơ phong vận như thơ vậy, bởi vậy, thơ xuân chính là tiếng lòng của thi nhân cảm tác trước không khí đất trời đẹp tươi, rực rỡ sắc hoa, lòng người đương tết.

Tiếng xuân trong thơ trẻ xứ Thanh

Trong số gần 70 hội viên Ban Thơ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, chỉ có khoảng 15 người thuộc thế hệ 7X. So với các thế hệ nhà thơ lớp trước, họ không khác gì mùa xuân chồi non lộc biếc đang độ xuân thì, đầy sức sống. Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng nói: Người thơ phong vận như thơ vậy, bởi vậy, thơ xuân chính là tiếng lòng của thi nhân cảm tác trước không khí đất trời đẹp tươi, rực rỡ sắc hoa, lòng người đương tết.

Tiếng xuân trong thơ trẻ xứ ThanhHai tập thơ “Đốm lửa nâu” và “Khúc tự ru” của nhà thơ Mai Hương. Ảnh: Minh Chi

Một năm bắt đầu bằng mùa xuân. Một đời người bắt đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ chính là tuổi của tình yêu, của sự chờ đợi và biết bao hy vọng. Những vần thơ xuân cũng vì thế mà lay động, đọng lại những rung cảm rất riêng tư.

Nói về mùa xuân là nói về những sắc hoa. Nhà thơ Phạm Bài (SN 1974), nhớ mãi loài hoa Pơ Lang sau chuyến đi Tây Nguyên. Loài hoa gắn liền với truyền thuyết từ xa xưa về tình yêu thủy chung nhưng bất hạnh. Song với quan niệm của đồng bào dân tộc tại đây, cây Pơ Lang non càng phát triển tươi tốt thì càng chắc chắn năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của dân làng được ấm no, hạnh phúc.

“Sân nhà rông bao đêm bập bùng ánh lửa

Rượu cần say nghiêng điệu múa chiều

Nàng không say nhịp phách cồng chiêng

Không ngả nghiêng trong từng điệu múa

...

Hoa Pơ Lang đỏ mắt nhớ thương

Người con trai đi mãi không về”

(Hoa Pơ Lang)

Những câu thơ của một lữ khách nhưng cũng đủ da diết, nồng nàn.

Ở một không gian khác, thuộc về quá khứ, mùa xuân trong thơ Phạm Văn Dũng chính là những gì thân thuộc, với “ngõ làng xưa cứ quanh co”, “mái đình, trùm bóng cây đa”. Anh sinh năm 1979, hiện là hiệu trưởng một trường THCS. Anh làm thơ từ khi đang còn là sinh viên khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức và đến nay, đã cho ra mắt 2 tập thơ.

Nhìn thấy cái hiện thực đời sống đương đại, “giờ phố đã chuyển ngập tràn vào quê”, các trò chơi dân gian không còn, thay vào đó, “Trò chơi nay chuyển lên bàn phím thôi”. Đọc thơ Phạm Văn Dũng, hình ảnh quê, hồn quê như một biểu tượng cho cái phần trong sáng nhất, nguyên sinh nhất, lay động nhất.

“Không quên mang theo chút gió đồng

Đêm đêm nghe thổi một vùng heo may

Không quên mang cả chòm mây

Mỗi khi thổn thức mà lay cánh cò”

(Ngõ quê)

Nhà thơ Mai Hương (SN 1976) đã in hai tập thơ “Đốm lửa nâu” (2007) và “Khúc tự ru” (2017), và chị sắp cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Cạn chén thanh xuân”. Thơ Mai Hương nhiều tính triết lí, song hiển hiện trên bề mặt con chữ là những vần thơ đầy xúc cảm. Trong bài thơ “Mầm xuân”, chị có nhắc mùa xuân ấm áp là để hồi sinh sau những “lặng giấu mình suốt mùa băng giá”. Trong con mắt chị, xuân là “vòm trời thơm nắng”, là “chồi non”, là “những mùa hoa quả sinh sôi”...

“Không có lộc mầm đâu thể có mùa xuân

Muôn sau chẳng có rừng già bóng cả

Những thân cành vươn lên từ đớn đau vật vã,

Sẽ xây nên cuộc đời bất diệt màu xanh

Mầm trỗi dậy thay thế mầm lụi xuống

Dệt mùa xuân trên khắp thế gian này!”

Dẫu biết quy luật cuộc đời là có chồi non sẽ có rừng già, có mùa xuân rồi mùa tiếp theo sẽ là mùa hạ, mùa thu, mùa đông... Song sự chờ đợi, sự hy vọng mỗi mùa xuân đến khiến con người ta đi qua những đớn đau, vật vã để đón nhận những hân hoan, tươi mới.

Nhà thơ Phong Lan (SN 1983), cái tên của chị gắn với bộ đội biên phòng và những người chiến sĩ mang quân hàm xanh. Đến nay, sau nhiều tập thơ, tất cả mọi cảm xúc nghẹn ngào, nỗi nhớ yêu thương nhất của chị đều gửi nơi “miền thương nhớ - miền biên giới xa xôi”.

“Anh gửi cho em sắc tím hoa sim

Biên giới nơi anh chớm mùa sang hạ

Nỗi nhớ ùa về sáng nay rất lạ

Cây đào già ngóng gió xôn xao”

(Miền thương nhớ)

Là những cành đào ngóng gió xôn xao hay chính là tâm trạng của người lính? Có lẽ là cả hai. Câu thơ vừa có sức gợi hình, vừa có sự biểu cảm riêng. Đọc thơ Phong Lan, hình ảnh người lính biên phòng không chỉ đẹp, dũng cảm mà còn mãi xuân.

Nguyễn Tất Lâm (SN 1977), sau 4 tập thơ, thơ anh càng đằm, càng sâu. Đọc thơ anh, người ta không phải cố gắng gồng mình, cũng không quá nghĩ suy nhiều. Cái đọng lại vẫn là những cảm xúc nhẹ nhàng mà sâu sắc:

“Và anh gom chiều nhạt nắng

Đào phai nghiêng cánh khô gầy

Níu từng khoảng trời xuân thắm

Bồng bềnh thả suối tóc mây”

(Và anh...)

Chẳng riêng gì Nguyễn Tất Lâm, mùa xuân luôn níu lòng các thi nhân. Nó dịu dàng đỏng đảnh, mắt huyền khép hờ mi nhỏ khiến ai mà chẳng muốn “trao nhau nụ hôn vội vàng”. Những sắc thái cảm xúc mùa, hay tâm trạng con người đều gửi trao nơi mùa xuân. Một chút đỏng đảnh, một chút má hồng, một chút ưu tư... tựu chung lại trong vẻ đẹp xuân thì mà chỉ có mùa cây đâm chồi nảy lộc, mùa của tuổi trẻ với những yêu đương mới đủ nói nên lời.

Vũ Tuyết Nhung (SN 1982), một cô gái nấp mình trong cái kén của gia đình, nhờ thơ mà khiến nhiều người biết đến, mà mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trong sắc thắm của mùa xuân với đào, quất, với cái mơn man của gió trời, sự hớn hở của lòng người, xuân dễ khơi nguồn cảm xúc là vậy.

Trải qua những bão giông của cuộc đời, người đàn bà trong thơ Vũ Tuyết Nhung không chỉ có “nuốt mặn giọt đắng vội” mà đã biết tìm những “trạm dừng chân”. Trạm dừng chân ở đây không phải là bến bờ khác mà chính là trạm nghỉ của tâm hồn. Trong cái dập bầm, bẽ bàng của cuộc sống, mà “Gặp lại chồng cũ” vẫn nhẹ nhàng, da diết:

“Gặp nhau nơi trạm dừng chân

Nắng hồng ấm những lộc xuân cây bàng

Vẫn còn một chiếc lá vàng

Níu mùa neo lại chưa tàn theo đông”

Chỉ có trong khung cảnh mùa xuân, con người ta mới dễ thứ tha cho nhau để nhìn về phía cuối trời nắng non.

Chàng trai Mường, Bùi Xuân Tứ (SN 1980) nhớ về mùa xuân là nhớ tiếng chiêng mùa hội:

“Tiếng chiêng bao mùa hội làm tôi bồn chồn bụng dạ

Rối bời như sợ lanh khô”

(Tiếng chiêng)

Một tiếng chiêng ngân lên, cả bản gần, làng xa đều biết chuyện buồn, chuyện vui mà đến. Những người con của bản Mường, khi mùa xuân về, dẫu không được nghe tiếng chiêng thì thanh âm của nó cũng rộn vang nhịp đập. Câu thơ “Tiếng chiêng gọi đứa con xa biết lối tìm về” thúc giục những đứa con tìm về với bản mùa xuân, về với làng mùa chiêng vang.

Hay trong bài thơ “Tìm về lời ru”, 4 câu thơ:

“Hội mùa xuân rộn rã tiếng chiêng vui

Tôi vít cần uống từng lời ru của mẹ

Trong lời ru tôi vẫn là đứa trẻ

Vịn câu Xường mạnh mẽ đứng lên”

Tiếng chiêng vui ấy là mạch nguồn, là lời ru, là động lực để người con bản Mường gắng sức đi xa rồi giữ sức để quay về.

Cũng là chàng trai Mường, Phạm Tiến Triều (1979), nhớ về mùa xuân là nhớ đến câu xường thuở yêu ban đầu:

“Những chiếc lá thương lá yêu

cho anh câu xường hẹn buổi gặp nhau bên suối

để anh biết em đêm nào cũng bứt lá đếm yêu

lá quấn thương vào nhớ

lá quấn em vào anh

một đời.”

Ở nơi thung sâu ấy, bên cạnh câu xường còn có màu tím ngút ngàn của hoa sim nở. Thời khắc lắng nghe được thanh âm ấy, nhìn thấy sắc ấy màu ấy là nguồn cảm hứng để anh gửi vào thơ những yêu đương ngọt ngào.

“Trải qua mùa sim chín

Căng mọng bên sườn đồi

Em lớn thành thiếu nữ

Êm êm ngọt nụ môi”

Trục thời gian vẫn xoay vòng, đời người đi qua bốn mùa của tuổi. Ở độ tuổi nào cũng có những cách cảm, cách nghĩ riêng, nhưng ở tuổi xuân, vào mùa xuân thì ít ai buồn lòng về thế sự, họ thường hướng tới những niềm vui, sự chờ đợi, sự hy vọng, nỗi khát khao... Bởi thế mà thơ xuân dễ đi vào lòng người đọc, quyến rũ và dịu nhẹ.

Xin chúc các văn nghệ sĩ một mùa xuân mới thật nhiều niềm vui, sáng tạo được nhiều tác phẩm viết về mùa xuân vừa để ru lòng, trải lòng, tỏ lòng, vừa gửi đến bạn đọc những vần thơ đậm đà sắc hương.

Nguyễn Thị Hải (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]